Aa

"Khai thác kiểu tận thu là cách nhanh nhất đẩy du lịch đến bờ diệt vong"

Hồng Vũ (thực hiện)
Hồng Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 28/05/2019 - 06:00

Đó là ý kiến của PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Đại học Kiến Trúc Hà Nội về câu chuyện bảo tồn và phát triển du lịch ở nhiều địa danh nổi tiếng hiện nay,

 

Khi du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ lực, đồng nghĩa với loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể, hệ thống di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch của các vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương khi phát triển bất động sản du lịch đã xâm hại những nguồn tài nguyên quý giá này. Vậy làm thế nào để vừa có thể bảo tồn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn di sản văn hoá địa phương mà vẫn phát triển du lịch hiện đại?

Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội xoay quanh câu chuyện này.

PV: Thưa chuyên gia, thực tế chúng ta đang chứng kiến nhiều công trình mới, hiện đại ở các khu du lịch nổi tiếng lấn lướt, làm mất đi giá trị của những công trình thuộc về biểu tượng văn hoá địa phương. Chẳng hạn như nhà thờ đá Sa Pa nằm lẻ loi cô quạnh giữa những công trình mới đồ sộ hiện đại và đẳng cấp, Đà Lạt không còn giữ được vẻ trầm tư tĩnh lặng của kiến trúc pháp cổ... Ông nhận định thế nào về câu chuyện này?

KTS. Khuất Tân Hưng: Trước khi đầu tư phát triển một địa điểm du lịch, người ta thường phải đánh giá xem tài nguyên du lịch của nó là gì, cái gì tạo nên sức hấp dẫn của địa điểm đó. Ví như ở Đà Lạt, tài nguyên tự nhiên và nhân văn bao gồm khí hậu mát mẻ, phong cảnh tươi đẹp, những cánh rừng thông bạt ngàn, những công trình kiến trúc Pháp, bao gồm cả những khu vực sinh sống của người Việt với văn hóa và lối sống đặc thù. Tất cả tạo nên một nét riêng quyến rũ của thành phố cao nguyên này, không thể lẫn với bất cứ nơi nào khác.

Đồng ý là chúng ta phải phát triển bất động sản để gia tăng chất lượng du lịch nhưng không có nghĩa là chúng ta phá huỷ giá trị vốn có của địa phương.

Khi hiểu được giá trị đích thực của các khu du lịch này chúng ta sẽ biết cần phải giữ gìn những gì. Đúng là khi phát triển khu du lịch phải tạo ra cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ du khách và giữ chân họ, bởi bên cạnh nhu cầu nghỉ dưỡng, du khách cần khám phá, trải nghiệm… Sự xuất hiện của khách sạn, nhà hàng, không gian vui chơi giải trí… sẽ làm cho khu du lịch trở nên tiện nghi và hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đó không phải là lý do chính thu hút du khách. Và nếu như sự hấp dẫn của các khu du lịch phải chịu sự chèn ép, lấn át thái quá của các công trình xây dựng mới, hay các tòa khách sạn hoành tráng thì đương nhiên những giá trị, tiềm năng du lịch đích thực của vùng đất đó bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ biến mất. Đồng ý là chúng ta phải phát triển bất động sản để gia tăng chất lượng du lịch nhưng không có nghĩa là chúng ta phá huỷ giá trị vốn có của địa phương.

Hiện nay, Đà Lạt chỉ thu hút được du khách trong nước, còn dưới con mắt của đa số du khách nước ngoài thì Đà Lạt chẳng có gì đặc biệt. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời hết sức đơn giản, đó là sắc thái văn hóa bản địa gốc của đồng bào dân tộc Lạch và Chil - nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng đã hầu như không còn hiện diện trong thành phố này. Và nếu những rừng thông cứ tiếp tục bị chặt phá, những công trình kiến trúc - di sản của một thời cứ tiếp tục bị thay thế hoặc bỏ mặc, những cảnh quan tươi đẹp cứ tiếp tục bị xâm phạm, thì sẽ đến một ngày ngay cả du khách trong nước cũng sẽ tìm đến nơi khác.

PGS.TS Khuất Tân Hưng

PGS.TS Khuất Tân Hưng

PV: Cũng có quan điểm cho rằng, ở các khu du lịch việc phát triển không đồng bộ, thiếu kiểm soát chặt chẽ, dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hoá quá nhanh là yếu tố gây áp lực lên các giá trị kiến trúc, văn hoá, di sản của địa phương. Ông nhận định sao về quan điểm này?

KTS. Khuất Tân Hưng: Sa Pa chính là hệ quả của việc phát triển du lịch không đồng bộ, thiếu kiểm soát gây áp lực rất lớn không chỉ lên tài nguyên du lịch mà còn cả hệ thống hạ tầng và các cơ sở kỹ thuật khác khiến chất lượng dịch vụ du lịch không được bảo đảm.

Sự phát triển du lịch ồ ạt cũng làm phai mờ những giá trị văn hóa mang tính bản địa bởi nhiều cộng đồng dân cư sống trong khu vực di sản tự thay đổi hành vi, tập quán để phù hợp thị hiếu du khách, dẫn đến mất bản sắc. Ðó là thực trạng du lịch Sa Pa (Lào Cai), Ðồng Văn (Hà Giang)… khi mà những nét văn hóa đặc sắc của các tộc thiểu số đang bị pha tạp, lai căng và mai một…

Thực tế đau lòng đã xảy ra là để đánh đổi cho những công trình hoành tráng như các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… hàng trăm nghìn hecta rừng đã biến mất, nhiều bãi biển đẹp bị biến dạng và ô nhiễm, nhiều dãy núi bị tàn phá. Cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái tự nhiên cũng như môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Ở nhiều nơi trên thế giới, để bảo tồn các khu du lịch di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên, người ta hạn chế xây dựng và kiểm soát chặt chẽ số lượng du khách, không để quá tải. Đó là cách làm du lịch bền vững. Việc phát triển ồ ạt, khai thác bừa bãi theo kiểu tận thu, đặt lợi ích kinh tế lên trên di sản như nhiều nơi ở Việt Nam hiện nay là cách nhanh nhất để đẩy khu du lịch đến bờ diệt vong, biến di sản thành… kinh doanh bất động sản.

PV: Dưới góc nhìn của người am hiểu về kiến trúc, quy hoạch, theo ông, làm thế nào để vừa phát triển được du lịch, tạo ra giá trị kinh tế, xã hội nhưng vẫn bảo tồn được giá trị của cảnh quan, di sản? 

KTS. Khuất Tân Hưng: Việc đầu tiên cần làm là đánh giá lại tài nguyên du lịch của địa điểm, xác định tài nguyên nào là quan trọng nhất. Ở nhiều nơi tài nguyên tự nhiên được đánh giá cao, nhưng cũng không ít trường hợp, tài nguyên nhân văn mới là thứ làm nên giá trị đích thực của một địa điểm du lịch, như trường hợp Hà Nội hay Hội An. Tài nguyên nhân văn - được biểu hiện thông qua văn hóa bản địa đặc sắc của những đồng bào dân tộc vùng cao cũng chính là thứ khiến Sa Pa dù đã bị bao phủ bởi những khối bê tông cốt thép vô hồn nhưng ở mức độ nào đó vẫn hấp dẫn du khách.

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho họ bởi mục đích lớn nhất của doanh nghiệp chính là lợi nhuận, họ được phép làm những điều mà luật pháp không cấm. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tạo ra được những công cụ hữu hiệu để quản lý các hoạt động phát triển và khai thác du lịch tại các vùng di sản,

Khi đã xác định được giá trị đích thực của một khu du lịch, thì mọi câu chuyện, bao gồm cả những đề xuất quy hoạch, kiến trúc đều phải xoay quanh nó. Nên trân trọng gìn giữ những gì, nên cho phép xây dựng công trình gì, ở đâu, quy mô thế nào, hình thức ra sao... để không ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch là điều chính quyền địa phương và các nhà quản lý phải cân nhắc thấu đáo. Có như vậy thì mới hy vọng vừa phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, vừa giữ được bản sắc của địa điểm. Nếu chính quyền địa phương hay Nhà nước cho phép khai thác quá mức thì đến lúc nào đó tài nguyên du lịch, các di sản văn hoá, cảnh quan cũng sẽ bị thoái hóa, biến dạng và khu du lịch cũng “chết”. Khi đó, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại.

Những đề xuất, giải pháp giúp phát huy giá trị cốt lõi và không gây tác động xấu đến khu du lịch cần được ưu tiên phát triển. Chẳng hạn những loại hình du lịch gắn với cộng đồng, du lịch kết hợp với nâng cao nhận thức về văn hóa và di sản…

PV: Theo ông các doanh nghiệp khi tham gia vào việc phát triển bất động sản du lịch ở vùng di sản, cần phải tuân theo những nguyên tắc nào để không tác động xấu đến giá trị kiến trúc, văn hoá của di sản?

KTS. Khuất Tân Hưng: Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch tại các khu vực di sản đương nhiên phải có trách nhiệm với di sản đó, bởi di sản chính là “nồi cơm” của họ. Trong thực tế cũng không thiếu những doanh nghiệp do thiếu hiểu biết hoặc do “ăn xổi” nên đã ứng xử không đúng với di sản, trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn thương cho di sản.

Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho họ bởi mục đích lớn nhất của doanh nghiệp chính là lợi nhuận, họ được phép làm những điều mà luật pháp không cấm. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tạo ra được những công cụ hữu hiệu để quản lý các hoạt động phát triển và khai thác du lịch tại các vùng di sản, kể cả những địa điểm chưa được công nhận là di tích nhưng có giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến di sản, bao gồm cả di sản đã được xếp hạng và di sản chưa được xếp hạng, nhiều công trình và quần thể kiến trúc hay di sản đô thị có giá trị bị xâm hại hoặc biến mất vĩnh viễn. Ứng xử với di sản chưa được xếp hạng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành xây dựng và ngành văn hóa để có thể đưa ra quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan đối với từng trường hợp cụ thể, trong đó ưu tiên bảo tồn một cách bền vững những giá trị đích thực của chúng. Công cụ quản lý thích hợp cùng với bộ máy quản lý có tâm, có tầm sẽ giúp lựa chọn được những doanh nghiệp phù hợp nhất có lợi cho di sản.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top