Aa

Khai thác yếu tố văn hóa – xã hội trong kiến trúc chung cư tại Hà Nội

Thứ Sáu, 28/07/2017 - 07:21

Mô hình chung cư cao tầng có làm thành phố nghìn năm văn hiến mất dần đi nét độc đáo riêng?

Chung cư cao tầng (CCCT) tại Hà Nội mới chỉ được phát triển trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ chúng đã và đang làm thay đổi bộ mặt kiến trúc của Thủ đô. Khía cạnh tích cực là hình ảnh thành phố Hà Nội đã trở nên văn minh, hiện đại hơn, dần bắt kịp xu hướng phát triển của các đô thị lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng sự vay mượn và bắt chước các kiểu kiến trúc phương tây trong thiết kế CCCT làm “Các công trình mất đi những đặc trưng văn hóa bản địa, khiến chúng trở nên xa lạ và lạc lõng giữa đô thị” và Hà Nội sẽ trở thành “Một dạng đô thị toàn cầu với hình thái kiến trúc đô thị mang tính quốc tế”.

Bên cạnh nguy cơ về hình thức kiến trúc, còn là những băn khoăn: Liệu mô hình CCCT (được dự báo sẽ trở thành mô hình ở chủ yếu tại Hà Nội) này có làm thành phố nghìn năm văn hiến mất dần đi nét độc đáo riêng có, được đặc trưng bởi sự hòa hợp giữa kiến trúc, cảnh quan và con người với những nét văn hóa đặc sắc và lối sống đậm tinh thần bản địa? 

Hướng ngoại và hướng nội

Khảo sát sơ bộ các CCCT tại Hà Nội cho thấy: 2 dạng chung cư phổ biến nhất tại Hà Nội là dạng tháp – phát triển các căn hộ quanh một lõi trung tâm, và dạng tấm – các căn hộ bám theo hệ thống hành lang giữa. Các căn hộ chung cư cũng bao gồm 2 loại phổ biến: Hướng ngoại và hướng nội. Loại hướng ngoại thường bố trí phòng khách – sinh hoạt chung tiếp giáp với lối vào căn hộ, trong khi các phòng ngủ và bếp được bố trí sâu vào bên trong và được ưu tiên tiếp xúc với bên ngoài để lấy sáng và thông gió tự nhiên. Cách bố trí này gợi đến giải pháp kiến trúc của nhà dân gian truyền thống và cả nhà lô phố hiện đại, trong đó, phòng khách đóng vai trò là không gian hướng ngoại thường hướng ra mặt ngoài.

Nét độc đáo của mô hình này là “kế thừa” được những đặc điểm của lối sống truyền thống vốn đã ăn sâu vào quan niệm của những cư dân đô thị sở hữu nhà mặt phố/ngõ hay ngách – tức là “quyền” được sử dụng và phát triển hoạt động ra không gian phía trước ngôi nhà của mình. Dù có vẻ lộn xộn và hơi mất trật tự, nhưng thông qua không gian này, các cư dân trên cùng một tầng có cơ hội giao tiếp với nhau.

Căn hộ hướng ngoại – CCCT Saphire Palace (Nguồn: Your House)

Căn hộ hướng ngoại – CCCT Saphire Palace (Nguồn: Your House)

Thực tế khảo sát các CCCT dạng tấm có hành lang giữa như Linh Đàm, Định Công, Đại Kim… cho thấy phần lớn các căn hộ hướng hoạt động ra không gian hành lang chung, hoặc ít nhất cũng thường xuyên để cửa mở thông ra không gian này. Thậm chí tại nhiều khu chung cư như Xa La, Kim Văn – Kim Lũ, Ecohome…, hành lang chung còn được sử dụng như một không gian cộng đồng – nơi ăn uống, gặp mặt, hay tổ chức các sự kiện của các hộ gia đình cùng tầng. Việc quá hướng ngoại làm phòng khách – sinh hoạt chung1 của các căn hộ tại các CCCT này tuy cởi mở với hàng xóm láng giềng, nhưng lại trở nên kém hấp dẫn với chính các thành viên gia đình, bởi không đảm bảo được mức độ riêng tư cần thiết. Ngoài ra, do không được tiếp xúc với mặt ngoài công trình nên không gian này không liên hệ được với môi trường cảnh quan bên ngoài, không phát huy được tầm nhìn – vốn là lợi thế của nhà cao tầng, lại thiếu ánh sáng tự nhiên và thường xuyên phải chiếu sáng nhân tạo.

Loại hướng nội, trái lại, đẩy phòng khách – sinh hoạt chung sâu vào bên trong căn hộ, nơi tiếp giáp với ánh sáng mặt trời. Ngay lối vào căn hộ là tiền phòng, bếp, khu vực ăn uống. Cách bố trí này có phần giống với các căn hộ phương Tây, vốn coi trọng tính độc lập, riêng tư của căn hộ. Ưu điểm của loại này là khuyến khích được các thành viên sử dụng không gian sinh hoạt chung, bởi đây là không gian hấp dẫn nhất của căn hộ – rộng thoáng, tràn trề ánh sáng tự nhiên, có tầm nhìn bao quát ra bên ngoài, thậm chí còn gia tăng cảm giác gần gũi với tự nhiên khi được bổ sung một khu vườn nho nhỏ ngoài logia. Không gian này cũng có tính độc lập tương đối với không gian phía trước – lối vào căn hộ do không bị mở trực tiếp ra hành lang.

Với cách thức tổ chức như vậy, vai trò tiếp khách bị xem nhẹ hơn nhiều so với sinh hoạt chung trong nội bộ gia đình, và các hoạt động hướng ngoại ít được khuyến khích hơn. Thực tế khảo sát cho thấy, không gian hành lang/sảnh tầng của các CCCT có các căn hộ hướng nội, nhất là tại các tòa nhà có bố cục dạng tháp, thường khá sạch sẽ, ngăn nắp và chủ yếu được sử dụng làm lối đi, các căn hộ cũng ít có xu hướng mở rộng hoạt động ra không gian chung của tầng.

Giao tiếp cộng đồng

Kết quả một số điều tra xã hội học tại các CCCT ở Hà Nội được thực hiện trong thời gian qua cho thấy: Nhu cầu giao tiếp cộng đồng tại các khu CCCT khá cao, và người dân mong muốn có mối quan hệ tốt, thậm chí thân thiết với hàng xóm láng giềng. Nhu cầu này chắc hẳn có nguồn gốc từ lối sống truyền thống của người Việt – vốn coi trọng tính cộng đồng, ngay cả khi họ đã rời các vùng nông thôn với cộng đồng làng khép kín để hòa nhập vào đời sống đô thị.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế các khu CCCT ở Hà Nội cho thấy: Phần lớn chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu giao tiếp cộng đồng của cư dân. Bên trong các tòa nhà rất thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, hoặc nếu có thì mang tính chiếu lệ, thiếu chức năng hoạt động, và không đủ sức hấp dẫn để thu hút mọi người. Tầng trệt chủ yếu được tận dụng và khai thác làm dịch vụ hoặc chỗ để xe. Mái nhà cũng ít khi được tổ chức để phục vụ cho cộng đồng.

Không gian bên ngoài nhà thì thường bị bao vây bởi đường giao thông hay/và bãi để xe. Khuôn viên cây xanh quá nhỏ hoặc bị chia cắt, không đủ để có thể trở thành điểm thu hút hoạt động ngoài trời của cả trẻ em và người lớn. Một số khu CCCT có vườn hoa rộng thoáng nhưng tổ chức thiếu hợp lý, không khai thác được cho các hoạt động cộng đồng…

CCCT Dolphin Plaza với nhiều không gian giao tiếp trên cao (Nguồn: dolphinplaza.org)

CCCT Dolphin Plaza với nhiều không gian giao tiếp trên cao (Nguồn: dolphinplaza.org)

Câu chuyện này diễn ra không chỉ ở các khu chung cư bình dân, mà cả tại các khu ở cao cấp. Chẳng hạn một trong những Khu đô thị mới vào loại đắt giá nhất Hà Nội là Ciputra bị đánh giá là đã “phủ nhận những gì tạo nên cuộc sống hàng ngày cho người dân của Hà Nội”, bởi không tạo ra được các mối quan hệ xã hội vốn rất quan trọng cho hạnh phúc của con người.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta quan tâm đến việc thiết kế và xây dựng nên các khu CCCT phù hợp với đặc điểm bản địa, ví dụ ở Malaysia với các công trình nhiệt đới hóa nổi tiếng của Ken Yeang, hay Singapore với các tòa chung cư của HDB gần gũi với lối sống truyền thống và phù hợp với đặc điểm đa sắc tộc của cư dân, vừa phản ánh những đặc trưng văn hóa bản địa vừa tăng cường nền văn hóa đã sử dụng nó.

Ở Việt Nam, dù thời gian tồn tại của CCCT chưa nhiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, cũng đã bắt đầu hình thành văn hóa chung cư cao tầng. Và dù nhu cầu hoạt động cộng đồng và giao tiếp xã hội tại các khu CCCT chưa được các chủ dự án và người thiết kế quan tâm, nhưng số liệu khảo sát được thực hiện năm 2012 tại 4 khu đô thị mới tại Hà Nội lại cho thấy quan hệ cộng đồng và hàng xóm láng giềng tại các khu đô thị này khá mạnh, ngay cả khi đa số người dân đều mới chuyển đến gần đây. Tuy nhiên, đó hẳn là do “quán tính” trong văn hóa ứng xử của các cư dân, vốn trước đây ở trong các ngôi nhà thấp tầng, nay đưa lên các căn hộ ở trên cao. Không thể chắc chắn điều này sẽ ổn định và tiếp tục tồn tại trong đời sống tương lai của các khu CCCT một cách tích cực, khi các thế hệ cư dân kế tiếp được sinh ra và lớn lên ngay tại đây. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ bây giờ, có thể sẽ hình thành nên các thế hệ cư dân CCCT sống tách biệt, khép mình – “không ở đâu và cũng chẳng thuộc về đâu” như đã từng xảy ra ở nhiều nước phương Tây.

Đã đến lúc, cần có những nghiên cứu nghiêm túc theo hướng bản địa hóa kiến trúc CCCT để chúng vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa điểm, vừa góp phần bảo lưu lối sống, phong tục tập quán tốt đẹp đã được định hình qua nhiều thế hệ, lại vừa đóng vai trò định hướng ứng xử và điều chỉnh hành vi của cư dân chung cư theo hướng phù hợp với đời sống văn minh đô thị.

(Còn tiếp...)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top