Khám phá vẻ đẹp cổng làng qua 5 thế kỷ
Thứ Hai, 14/12/2020 - 07:00
Cổng làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI, XVII, là một trong những cổng làng hiếm hoi được giữ nguyên vẹn đến ngày nay, đồ sộ nhưng không đối chọi hay lấn át cảnh quan xung quanh
Cổng làng Ước Lễ (thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây Nam. Làng cổ Ước Lễ khiến những ai đã từng đặt chân đến nơi đây không khỏi nhớ thương, quyến luyến. Đối lập với vẻ hiện đại, náo nhiệt của Thủ đô, Ước Lễ vẫn giữ chất dân dã, khoác lên mình sự thanh bình, yên ả trong ánh nắng chiều thu.
Theo tìm hiểu của PV, cổng làng Ước Lễ được xây từ thời Mạc, là một trong những cổng làng được xây dựng sớm và đẹp nhất ở Hà Nội còn giữ lại đến ngày nay.
Nhìn từ xa, cổng làng Ước Lễ sừng sững, bề thế như một bức tường thành vững chắc. Chiếm một không gian lớn với cây cầu, cổng vòm, tường gạch có kích thước khá lớn. Cổng hình vòm cuốn, mái cong vút, hai cột bên và trên hai mặt đều đắp nổi chữ Hán.
Trên gác cổng có treo bức đại tự "Mỹ Tục Khả Phong". Tương truyền vào năm vua Tự Đức thứ tư (1851) kinh lý qua nhiều thôn làng tỉnh Hà Tây, thấy nhiều làng có phong tục đẹp cần phổ biến rộng khắp, nhà vua bèn ban tặng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong" cho 6 làng của Hà Tây (cũ), trong đó có Ước Lễ.
Phía dưới là 3 chữ lớn "Ước Lễ môn" nghĩa là cổng làng Ước Lễ. Hai bên có đôi câu đối rất độc đáo, cả hai vế đều vừa Nôm vừa Hán: "Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ thị / Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều". Ước Lễ không chỉ là tên làng mà còn là triết lý của Nho Giáo được dân làng tiếp nhận. Ước, Lễ là chữ dùng xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác học dĩ văn, ước chi dĩ lễ), ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn hoá); học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng thể hiện quan niệm trong cuộc sống phải luôn luôn giữ lễ.
Cổng làng Ước Lễ được xây dựng cao 6m, rộng hơn 10m bằng gạch chỉ không trát, phía trên có vọng lâu. Cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn toàn bằng gạch và bê tông, mang lại nét bề thế, chắc chắn. Bên cổng làng, trước đây còn có con chó bằng đá xanh nhẵn bóng, ngồi trên mặt đất, ngày đêm như canh chừng kẻ gian vào làng, được xem như một liệu pháp tinh thần phục vụ cho việc bảo vệ trị an.
Cổng làng mang vẻ độc đáo hơn các cổng làng nơi khác bởi được gắn liền với chiếc cầu cong dài chừng 10m, rộng hơn 2m bắc qua một hào nước, khiến công trình mang dáng vẻ của cổng thành. Cổng làng Ước Lễ với lũy cao, hào sâu được ví như hình ảnh thu nhỏ của các cổng Kinh thành Huế như Cửa Thể Nhân (cửa Ngăn), Chánh Bắc Môn (cửa Hậu), Chánh Đông Môn (cửa Đông Ba)…
Phía trong của cổng có ba chữ "Thiểu cao đại” mang hàm ý rằng các thế hệ trước của làng đã làm nhiều việc nhân đức, nên thế hệ sau nhất định sẽ hưng vượng; đó cũng là lời nhắc nhở dân làng dù đi đâu, làm gì cũng nên sống có đạo đức, biết làm việc thiện, để lại phúc đức cho con cháu.
Giống như một số cổng làng khác, cổng làng Ước Lễ có bốn mảng kiến trúc: Vòm cổng, mặt cổng, trụ cổng và mái cổng. Những thành phần kiến trúc này không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo sự bền vững, hài hoà, có giá trị thẩm mỹ.
Mái vọng lâu cổng làng Ước Lễ gồm hai tầng, tám mái, được lợp bằng ngói ống lưu ly. Mái cổng mang đặc trưng của Việt Nam với mái thẳng và hếch cong ở góc mái tạo nên sự thanh thoát của đầu đao, lấy từ cảm hứng mũi thuyền của nền văn hoá sông nước. Phía trên cùng là bờ nóc có đặt gạch hoa chanh, đỉnh mái tạo hình đầu rồng nhìn chính diện, trên cùng là hình mặt trời với những tia lửa. Trang trí cầu kỳ trên mái đã thực sự trở thành điểm nhấn của nghệ thuật tạo hình cho kiến trúc cổng.
Cổng làng Ước Lễ ngày nay còn được bảo quản khá đẹp mắt theo nguyên mẫu xưa, với không gian kế bên đình cổ, cây đa và khu họp chợ cũ gợi nét thân thuộc, bình dị.
Bên cạnh cổng làng là ngôi đình cổ được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Ở phía sau làng có thêm một cổng, gọi là cổng hậu. Ở phía trên cũng có 3 chữ "Ước Lễ môn".
Theo chân từ cổng làng xuống là khu chợ cổ truyền thống. Chợ nhỏ, chỉ họp 2 tiếng buổi sáng, bán các loại thực phẩm phục vụ người dân làng Ước Lễ. Buổi chiều vắng vẻ, chỉ có duy nhất quán bánh cuốn nóng bán cùng với loại chả đặc sản do chính người làng Ước Lễ làm ra.
Với vẻ đẹp kiến trúc cùng ý nghĩa tốt đẹp mà tiền nhân gửi gắm ở cổng làng Ước Lễ, công trình này cùng với quần thể kiến trúc làng cổ sẽ là điểm đến có giá trị văn hoá cao ở ngoại thành Hà Nội.