Aa

Những chiếc cổng tháp bút cổ trăm tuổi ở Hà Nội

Thứ Tư, 09/12/2020 - 10:00

Đông Ngạc bao đời nay nổi tiếng là một làng ven đô mà nét cổ xưa vẫn còn được lưu giữ lại. Ngôi làng với hàng trăm chiếc cổng tháp bút thể hiện tinh thần hiếu học của người Kẻ Vẽ qua hình ảnh cây bút, cuốn thư.

Làng Đông Ngạc còn có tên khác là làng Vẽ hay làng Kẻ Vẽ, nằm sát ngay chân cầu Thăng Long, thuộc quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội 10km. Ngôi làng nổi tiếng là mảnh đất hiếu học vì có nhiều người đỗ tiến sĩ thời xưa. Nhiều người vẫn quen gọi làng Đông Ngạc là “làng tiến sĩ”. Ngoài ra, làng còn vang danh với nhiều ngành nghề thủ công truyền thống vẫn còn lưu lại đến nay như làm nem, làm quang gánh, nồi niêu đất…
Khu vực làng cổ hiện còn lại khoảng 120ha gồm 5 xóm với hơn trăm nóc nhà có thâm niên vượt cả trăm năm. Nhiều ngôi nhà, cổng tháp bút có lối kiến trúc hoài cổ, được xây dựng kỳ công và khéo léo. Đường làng được xếp theo gạch nghiêng.
Các cụ xưa có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để nói về truyền thống đỗ đạt ở đây. Có giai thoại kể những chiếc cổng làng Kẻ Vẽ còn có tên Đống Ếch vì học trò ngồi dưới đọc sách râm ran như tiếng ếch kêu.
Cổng tháp bút vẫn còn lưu giữ tại làng Đông Ngạc, thể hiện tinh thần hiếu học nơi có nhiều người đỗ đạt nổi danh như Đỗ Thế Giai, Hoàng Minh Giám, Phan Phu Tiên, Phan Văn Trường…
Ẩn mình trong những con ngõ nhỏ là những chiếc cổng nhà của các hộ gia đình vẫn giữ nét cổ kính, phủ bên ngoài lớp rêu phong đậm màu thời gian hết sức ấn tượng. Mỗi chiếc cổng một kiểu dáng, mang nét chạm khắc hoa văn khác nhau.
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, làng Đông Ngạc xưa nay nổi tiếng với con đường khoa cử, các dòng họ lớn như Phan, Nguyễn, Đỗ, Phạm... Đây là cổng nhà thờ họ Phan chi Cơ, ngoài ra bên trong vẫn còn lưu giữ được ngôi nhà cổ 3 gian 2 dĩ, mái cong, ngói mũi.
Những chiếc cổng đã nhuốm màu thời gian.
Ở Đông Ngạc, những chiếc cổng trăm tuổi đều có sự khác biệt từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn.
Trải qua thời gian, có những cổng được tôn tạo trùng tu, nhưng cũng còn đó những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn như thế: Cổ kính, rêu phong.
Với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều nhà cổ đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố nhưng người dân vẫn cố gắng giữ lại chiếc cổng xa xưa, cả con đường gạch quen thuộc. Và những cổng cổ trăm tuổi vẫn tồn tại, mang đậm bản sắc văn hoá đồng bằng Bắc Bộ giữa lòng Thủ đô.
Cổng của dòng họ Phạm với hàng chữ Nho thể hiện tinh thần hiếu học, đời đời phát đạt.
Đan xen giữa ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống là những biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Những chiếc cổng cũng được pha trộn kiến trúc Đông - Tây.
Mỗi chiếc cổng là câu chuyện về một người tài giỏi. Khách đến tham quan sẽ được người dân nơi đây kể về truyền thống của dòng họ mình.
Cuộc sống ở Hà Nội dẫu có nhộn nhịp và hối hả, nhưng khi bước qua những cánh cổng xưa xũ, cuộc sống ở đây bỗng trở nên chậm hơn vài nhịp, bình yên và trầm lắng.
Bỏ mặc sự ồn ào, náo nhiệt, những chiếc cổng nhà ở Đông Ngạc còn níu giữ những nét cổ kính và hoài niệm. Những chiếc cổng cổ xưa, tĩnh lặng trái ngược với nhịp sống hối hả của Hà Nội ngày nay.
Ngoài những chiếc cổng trăm tuổi, còn có những công trình kiến trúc nổi tiếng khác như Trường học Đông Ngạc, Đình Kẻ Vẽ, Chùa Tự Khánh... Trong ảnh là Trường Tiểu học Đông Ngạc là một công trình kiến trúc tiêu biểu của phong cách pha trộn Âu - Á còn khá nguyên bản.
Những gian nhà nhỏ, sơn màu vàng. Mái nhà ở ngôi trường này vẫn có hình rồng bay lên, đài hoa sen...
Đình Vẽ được xây dựng từ thế kỉ XVII trên thế đất cao, đắc địa. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “Thiên, Địa, Nhân”. Ngoài ra đình còn thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm 9 gian.
Khuôn viên của đình được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Phía trong cùng là hậu cung, mỗi tòa có 3 gian. Đặc biệt, đình còn lưu 7 tấm bia cổ, trong đó có bia Dương Hòa tạc vào thế kỷ 17 ghi việc làm lại đình. Bên cạnh đó, những bức hoành phi và câu đối sơn son thiếp vàng không hề bị phai màu theo năm tháng.  
Người ta thường nói: "Giếng nước, mái đình", giếng nước được xây theo kiến trúc cổ. Hàng năm, cứ vào mùng 9/2 âm lịch dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội ở đình làng với nhiều nghi thức trang trọng và các tiết mục ca trù đặc sắc.
Những bức tường cổ với màu gạch đỏ, xanh rêu bụi mờ thời gian. 
Bên cạnh những nhà thờ cổ, còn có những căn nhà mang đậm kiến trúc Pháp đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn: Căn nhà hai tầng của cụ Hai Vi, nhà cụ Hai Tỉnh, cụ Huấn Tiến… 
Ngôi nhà số 12 ngõ 35 được xây dựng năm 1926, căn nhà 2 tầng bề thế gồm 6 phòng, trong đó tầng một lát đá hoa, tầng hai lát sàn gỗ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top