Dự án Trung tâm điện ảnh và dịch vụ văn hóa Sao Việt nằm trên khu đất vàng có diện tích 1.100 m2 tại địa chỉ, số 10 Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang. Trước đây, trên khu đất này là rạp chiếu phim của TP. Nha Trang do Trung tâm điện ảnh Khánh Hòa (thuộc Sở Văn hóa Thể thao) thuê để sử dụng.
Chiêu liên doanh chủ đầu tư
Đầu năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Tân Thịnh Phát (TP Nha Trang) thành lập công ty liên doanh với pháp nhân là Công ty TNHH Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt (Công ty Sao Việt) để thực hiện dự án Trung tâm điện ảnh và dịch vụ văn hóa Sao Việt (dự án Sao Việt).Số tài sản còn lại ở rạp chiếu phim số 10 Hoàng Hoa Thám được Sở Tài chính kiểm tra và định giá gần 6,1 tỷ đồng, đây cũng là số vốn mà Trung tâm điện ảnh Khánh Hòa góp vào thực hiện dự án.
Đến tháng 6/2013, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sao Việt để thực hiện dự án tại khu đất này. Giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu của dự án là “xây dựng trung tâm văn hóa đa chức năng, tổ chức luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật, rạp chiếu phim, video với kỹ thuật hiện đại cùng các dịch vụ vui chơi, giải trí khác”.
Thời hạn thuê đất là 50 năm, hình thức thuê đất là trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 69/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Sau đó 2 tháng, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 1.000m2đất tại Hoàng Hoa Thám do Trung tâm điện ảnh Khánh Hòa thuê sử dụng và giao cho Công ty Sao Việt để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 1/10/2014, UBND tỉnh có chủ trương thôi tham gia góp vốn đầu tư của Trung tâm Điện ảnh Khánh Hoàvào liên doanh với Công ty TNHH Tân Thịnh Phát để thực hiện dự án Trung tâm Sao Việt. Công ty TNHH Tân Thịnh Phát có trách nhiệm nộp số tiền bồi hoàn giá trị tài sản còn lại hơn 6 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và khẩn trương triển khai dự án.
Hợp thức hoá“đất vàng”
Lý do rút vốn của Trung tâm Điện ảnh Khánh Hoàkhỏi liên doanh này là do số vốn hơn 6 tỷ đồng quá ít so với quy mô đầu tư của dự án là 120 tỷ đồng. Lúc này, công trình Trung tâm Sao Việt được thống nhất với quy mô 12 tầng và một tầng hầm. Trong đó có 52 phòng nghỉ khách sạn, ba rạp chiếu phim, một sân khấu biểu diễn cùng các khu dịch vụ. Dự án vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội hóa.
Như vậy, thực chất dự án Sao Việt đã trở thành dự án do tư nhân là Công ty Tân Thịnh Phát làm chủ đầu tư mà pháp nhân thực hiện dự án là Công ty Sao Việt. Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa thừa nhận trong “ruột” của Công ty Sao Việt hiện là công ty tư nhân vì đơn vị nhà nước đã rút khỏi liên doanh.
Sau đó, UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Sao Việt mở rộng diện tích sử dụng đất lên thành gần 1.100 m2, tăng số tầng lên 14 tầng và một tầng hầm. Đặc biệt, UBND tỉnh cho dự án tăng từ 52 phòng lên thành 168 phòng nghỉ đạt chuẩn khách sạn bốn sao.
Theo thông tin từ Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt thì Trung tâm này được tách ra từ Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa, được cổ phần hóa và được xây dựng với tổng kinh phí 350 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa.
Trung tâm có 4 rạp chiếu phim với 500 chỗ ngồi, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại và liên kết với hãng phim Beta Cineplex để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, trung tâm còn có khu dịch vụ ẩm thực, tầng hầm để xe rộng 1.000m2, nhà hàng, quán cà phê.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay Trung tâm Sao Việt đang hoạt động với tư cách một tổ hợp khách sạn-nhà hàng-dịch vụ du lịch rất quy mô. Bên trong tổ hợp này có một số phòng chiếu phim nằm ở vị trí khá khiêm tốn. Ngoài ra, hầu như không có hoạt động, dịch vụ văn hóa nào khác như mục tiêu ban đầu của dự án.
Cũng theo ông Trần Hoà Nam, hiện dự án này đang được các sở rà soát lại vì đây là đất công, tài sản công thì có quy định riêng, phải đấu giá, đơn vị nào trúng thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Thế nhưng, dự án này đến nay đã đi vào hoạt độngvới mục đích chính là kinh doanh dịch vụ lưu trú.