Ma trận phân lô bán nền
Nối gót Thành phố Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, thời gian gần đây Cam Lâm nổi lên như một điểm nóng của tình trạng phân lô bán nền tại Khánh Hòa. Tai địa bàn huyện, hàng loạt cá nhân, các sàn giao dịch bất động sản mua đất nông nghiệp, tự ý làm hạ tầng, phân lô len lỏi trong khu vực nông thôn, rồi sau đó rao bán như những dự án thực thụ.
Dạo một vòng quanh huyện Cam Lâm, dễ thấy những cái tên đang được khai thác phân lô nhộn nhịp như khu dân cư ven đầm Bắc Vĩnh, thửa đất số 656, tờ bản đồ số 12, xã Cam Hải Tây; khu dân cư Quang Trung, thửa đất 184, 185, tờ bản đồ số 3, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm; khu dân cư Đinh Tiên Hoàng, thửa đất số 654, tờ bản đồ số 19, xã Cam Hải Tây; khu dân cư Trần Đại Nghĩa, số thửa đất 548, tờ bản đồ số 19, thị trấn Cam Đức...
Đa phần các khu phân lô bán nền đều không có đầy đủ pháp lý, nguồn gốc đất vốn là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Sau khi tổ chức thu gom đất, các cá nhân, sàn giao dịch bất động sản xin gộp thửa, tách thửa, san gạt đất trái phép rồi phân lô.
Đáng nói, nhiều khu phân lô bán nền không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 - 2020 của huyện Cam Lâm. Tuy nhiên, đa phần những khu đất này đã được chuyển ‘lụi’ từ giữa năm 2020 để rao bán.
Thông thường, với những khu đất trên, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch 5 năm của huyện Cam Lâm. Bản quy hoạch này phải được HĐND huyện thông qua. Tất cả việc chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch này đều không đúng quy định của pháp luật.
Giá bán ở các khu phân lô bán nền này cao hơn hẳn so với giá thực tế thị trường Cam Lâm hiện tại. Qua tìm hiểu, giá đất phân lô bán nền thấp nhất cũng rơi vào từ 5 đến 6 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi so với giá thực đất trong dân.
Nguy cơ tái xuất phân lô kiểu Alibaba
Tháng 11/2018, để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, tổ chức thi công hạ tầng trái phép trên nền đất nông nghiệp, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản trình UBND tỉnh Khánh Hòa về việc: Tạm dừng cấp phép, tiếp nhận hồ sơ xin hiến đất làm đường.
Trong văn bản trên, UBND huyện Cam Lâm khẳng định: “Hiến đất làm đường đi để tiến hành phân lô bán nền trên diện tích đất nông nghiệp… về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tình trạng không đồng bộ”.
Đến ngày 17/12/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản 12795/UBND-XDND, giao Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa phối hợp với các sở ngành, huyện Cam Lâm, báo cáo UBND tỉnh về vấn đề này. Song đến nay, tình trạng thi công trái phép hạ tầng trên đất nông nghiệp, tổ chức phân lô bán nền tại Cam Lâm vẫn đáng báo động.
Năm 2019, vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án ma, gây chấn động dư luận cả nước là một bài học nhãn tiền với quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Được biết, các công ty liên quan địa ốc Alibaba đã vẽ gần 50 dự án ma tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất.
Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom đất nông nghiệp, đến nay xác định là hơn 600ha, ở nhiều tỉnh, thành. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.
Sau đó, Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.
Với những diễn biến vừa qua, các khu đất tách thửa, phân lô bán nền tại Cam Lâm, Khánh Hòa có thể thấy nhiều điểm tương đồng với vụ việc của địa ốc Alibaba (rao bán đất nền trên đất nông nghiệp chưa đủ pháp lý, bán đất không nằm trong quy hoach sử dụng đất, dân mua đất nhưng không xây nhà được, thi công hạ tầng khi chưa đủ điều kiện…) dù quy mô còn nhỏ hơn.
Nếu lãnh đạo huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cứ để loạn phân lô bán nền như hiện tại, rất dễ xảy ra kịch bản tương tự như vụ việc địa ốc Alibaba đã lừa đảo khách hàng?