Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, 9 tháng năm 2019, Khánh Hòa đã đón hơn 5,6 triệu lượt khách lưu trú du lịch, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách trong nước đạt hơn 2,8 triệu lượt, riêng khách quốc tế đạt hơn 2,7 triệu lượt, tăng mạnh 42% so với cùng năm ngoái. Dẫn đầu lượng khách quốc tế đến với Khánh Hòa vẫn là khách Trung Quốc đạt 1,8 triệu lượt; kế đến là khách Nga đạt hơn 300.000 lượt; khách Hàn Quốc đạt hơn 148.000 lượt; khách Thái Lan đạt hơn 14.000 lượt; khách Malaysia đạt hơn 34.000 lượt...
Mất cân đối nguồn khách
Theo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, lượng khách quốc tế tăng mạnh, chiếm khoảng 1/3 thị trường khách quốc tế cả nước. Trong khi khách Trung Quốc và Nga vẫn giữ mức tăng ổn định thì lượng khách Hàn Quốc và Thái Lan đã tăng gấp 3-5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nguồn khách quốc tế tại Khánh Hòa vẫn tập trung chủ yếu ở dòng khách Trung Quốc và Nga khi chiếm khoảng 80 - 90% lượng khách quốc tế. Riêng về du khách Trung Quốc chiếm khoảng 74% trong tổng số. Điểm đáng lo ngại, phần đông trong số lượng khách du lịch Trung Quốc này là khách du lịch giá rẻ, chi tiêu bình quân của khách du lịch Trung Quốc tại Khánh Hòa là 117,67/khách/ngày.
“Không thể phủ nhận những đóng góp của dòng khách Trung Quốc trong sự tăng trưởng của ngành du lịch. Tuy nhiên, cũng không nên nhìn vào lượng khách mà cần nhìn vào ngày khách lưu trú. Khách Nga chỉ bằng khoảng 1/3 khách Trung Quốc nhưng thời gian lưu trú và chi tiêu cao hơn khách Trung Quốc rất nhiều. Do đó, Khánh Hòa không đặt nặng thu hút thị trường mới mà tái cơ cấu lại nguồn khách đã ổn định như Trung Quốc, Nga, Hàn”, ông Trung cho biết.
Bên cạnh đó, tuy khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng cũng đem lại nhiều thách thức mới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, dài hạn của du lịch Khánh Hòa, đặc biệt khi khai thác khách du lịch Trung Quốc giá rẻ. Một hậu quả trực tiếp có thể nhận thấy là khách thuộc phân khúc cao cấp như: Úc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… giảm sút mạnh. Không chỉ mất cân đối thị trường khách quốc tế đến Nha Trang mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Cùng với đó là những tác động khác do phát triển du lịch đại trà, lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ.
Cơ cấu để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, để điều chỉnh cơ cấu thị trường khách quốc tế là vấn đề rất khó, nhưng phải làm. Việc điều chỉnh này không đồng nghĩa với việc giảm lượng khách Trung Quốc, mà là mở rộng thêm thị trường khách, nâng tỷ trọng các thị trường khách mới nổi như: Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... Hiện nay, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch vẫn khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành giữ nguồn khách đang có và thu hút thêm khách từ các khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật…, đây là những nguồn khách có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, để điều chỉnh cơ cấu thị trường khách quốc tế cần phải có chiến lược và thời gian dài; phải đặt trong tổng thể của đề án tái cơ cấu du lịch Khánh Hòa.
Mục tiêu được ngành du lịch Khánh Hòa hướng đến là củng cố lượng khách nội ở mức 55% và khách Trung Quốc chiếm 28%, Nga 8%, Hàn 2%, Tây Âu 4% vào năm 2020 và đến năm 2030 lượng khách Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 25%, theo đó khách Nga và Hàn Quốc lần lượt tăng từ 8 lên 10% và từ 2 lên 5%; thị trường Tây Âu cũng tăng từ 3 lên 10%.
Theo ông Trần Việt Trung, để cơ cấu lại nguồn khách, chúng ta cần nâng cao giá trị trải nghiệm thông qua các sản phẩm du lịch bổ trợ như: vui chơi giải trí, mua sắm và tham quan, trải nghiệm cũng như chi tiêu đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc, thu hút phân khúc khách cao cấp từ các đô thị lớn trong nội địa Trung Quốc thay thế cho dòng khách đến từ các vùng nông thôn như hiện nay.
Ngoài ra, định hướng Bãi Dài – Cam Ranh sẽ là điểm đến cao cấp thu hút dòng khách Nga và Tây Âu cũng như dòng khách chi tiêu cao từ các thị trường khác và nội địa. “Đây sẽ là phân khúc thị trường cao cấp ưa thích thiên nhiên và những điểm đến có cảnh quan đẹp với các khu nghỉ dưỡng sang trọng đầy đủ tiện nghi, đồng thời có khả năng chi tiêu cao và nghỉ dài ngày. Các sản phẩm du lịch hướng đến gồm: du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hội thảo, hội nghị MICE, trải nghiệm, chăm sóc sắc đẹp, mua sắm, thể thao – vui chơi giải trí”, Giám đốc Sở Du lịch nói.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting chia sẻ: Khánh Hòa đang phụ thuộc nhiều thương hiệu Nha Trang trong khi địa phương này vẫn còn rất nhiều điểm đến nổi tiếng như Cam Ranh, Bãi Dài, Vân Phong… Do đó, việc nhanh chóng tái định vị thương hiệu du lịch địa phương thông qua một chiến lược thương hiệu gắn với cá nhân hóa, đặc tính các thị trường mục tiêu có thể được xem xét là một giải pháp hữu hiệu góp phần cơ cấu lại thị trường du lịch tại Khánh Hòa cũng như giải quyết bài toán phụ thuộc thương hiệu nan giải của du lịch Nha Trang – Khánh Hòa.