Nửa đầu năm đầy nỗ lực
Thống kê của Tổng Cục Du lịch cho hay, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt - tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng - tăng 8,4% so với cùng kỳ 2018.
Đánh giá về tình hình hoạt động nửa đầu năm 2019, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí cho biết: "Ngành du lịch đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khi đã triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, nội địa, đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch năm 2019".
Theo đó, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Đồng thời, ngành du lịch đã đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp. Hoạt động xúc tiến quảng bá chủ động, chuyên nghiệp hơn với điểm nhấn là Hội chợ Travex tại Hạ Long với 351 gian hàng, 340 người mua, 640 người bán và 120 cơ quan báo chí quốc tế tham gia.
Tổng cục Du lịch cũng tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên; tham gia 6 hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức 8 roadshow tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch đầu tiên tại Hàn Quốc theo mô hình liên kết công - tư.
Bên cạnh đó, ngành du lịch còn triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; ban hành bộ tài liệu hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để có cách hiểu đúng về các bộ chỉ số.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch triển khai 4 đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đặt mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019
6 tháng cuối năm 2019, đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục duy trì nhịp thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến đến hết năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết, trong nửa cuối năm 2019, Tổng cục Du lịch tập trung mọi nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thu hút khách du lịch, hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2019.
Nếu thiếu quan tâm, mô hình tăng trưởng nóng và đột biến của ngành du lịch sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp...
Ngân hàng Thế giới (World Bank)
Sẽ có 6 văn bản, đề án được hoàn thành, bao gồm: Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06; Đề án liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; Đề án khai thác và phát huy các giá trị, di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; Quy chế quản lý condotel.
Đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Tổ chức thành công lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu tạo động lực lan tỏa và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch, hướng dẫn viên.
Bên cạnh đó, ông Trí cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động du lịch: ITE TP.HCM; Năm Du lịch Quốc gia 2019 tại Khánh Hòa; chuẩn bị Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Ninh Bình; chủ động quảng bá sớm cho sự kiện thể thao Giải đua xe F1 và Năm ASEAN 2020 Việt Nam với vai trò Chủ tịch.
Trước sự phát triển ấn tượng và gia tăng kỷ lục về lượng khách du lịch tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá đây là những triển vọng tích cực.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của World Bank vẫn đưa ra một số cảnh báo rằng nếu thiếu quan tâm, mô hình tăng trưởng như trên sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn.
"Đó là những hệ quả nghiêm trọng về môi trường khi số lượng du khách tiếp tục đổ về ngày càng nhiều, áp lực với ba điểm yếu trên sẽ chỉ tăng lên. Tương tự là những nguy cơ khác về môi trường chưa được thể hiện trong chỉ số của WEF, như mức độ tích lũy chất thải nhựa tại Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới sẽ tác động tới hệ sinh thái biển và đất liền”, World Bank nêu.
Ngoài những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, World Bank còn nhấn mạnh rằng, mật độ du khách tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM.
"Rõ ràng, năng lực hạ tầng của Việt Nam cần được mở rộng để hỗ trợ cho khối lượng du khách tăng lên, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng dịch vụ cơ bản như vệ sinh và quản lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động ngoại ứng tiêu cực về môi trường", nhóm nghiên cứu World Bank kết luận.