Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm, 04/07/2024 - 06:00
Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 1.

Sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, Hoà Bình đã không ngừng nỗ lực phấn đấu học hỏi, sáng tạo để tự hoàn thiện và vươn cao. Hòa Bình đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu rất nhanh trong suốt 3 thập kỷ: Cứ mỗi 5 năm, doanh thu tăng 5 lần. Qua đó, Hoà Bình đã ghi dấu ấn sâu đậm lên diện mạo của đất nước từ Bắc chí Nam trên hàng trăm công trình tráng lệ. Qua lao động, Hoà Bình đã đào tạo hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp, lành nghề và có văn hóa ứng xử văn minh phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp xây dựng Việt Nam nói riêng khi giảm đáng kể chi phí xây dựng trong đầu tư.

Khát vọng cống hiến của chúng tôi không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, Hoà Bình còn mong muốn xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra nước ngoài, từ đó, đưa công nghiệp xây dựng của Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Tuy nhiên, trong khoảng 4 năm trở lại đây, Hoà Bình đã phải đối mặt với nhiều thách thức do mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Công trình chủ yếu của chúng tôi từ những năm 2015 đến 2020 đã tập trung vào ngành du lịch, nghỉ dưỡng - một ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Sai lỗi lớn của tôi là không cho ngưng ngay việc thi công xây dựng, dù đã có khá nhiều chậm trễ trong việc thanh toán của khách hàng là các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.

Hoà Bình đã không ngần ngại dùng hạn mức tín dụng của mình hỗ trợ chủ đầu tư lúc khó khăn, hoạn nạn và vẫn tiếp tục thi công nhiều dự án khách sạn, resort, condotel,vv... Thật không may khi sau đại dịch, kinh tế thế giới đã không nhanh chóng hồi phục như dự báo. Khó khăn đã ập tới khi những dấu hiệu hồi phục nhanh chóng vụt tắt lúc xung đột ở Ukraina nổ ra. Bên cạnh đó, những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nói chung và Hòa Bình nói riêng mà đỉnh điểm là vào đầu năm 2023. Một mặt, Hoà Bình không thu được nợ khách hàng. Mặt khác, chúng tôi không có những dự án mới trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, cũng có nghĩa là không có thêm nhiều việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn của Hoà Bình, và cũng không có nguồn tiền bổ sung để duy trì hoạt động liên tục cho Tập đoàn. Trong khi đó, những nỗ lực tái cấu trúc thị trường không thể thực hiện một sớm một chiều, không thể đạt được kết quả trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, việc tái cấu trúc này còn cần một nguồn tài chính đáng kể để đầu tư. Bằng những nỗ lực vượt bậc của mình cùng sự trợ giúp của rất nhiều bè bạn, đối tác, khách hàng, Hoà Bình đã vượt qua giai đoạn cực kỳ nguy nan đó!

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 2.

Hoà Bình đã ghi dấu ấn sâu đậm lên diện mạo của đất nước từ Bắc chí Nam trên hàng trăm công trình tráng lệ.

Hiện nay, Hoà Bình vẫn đang tiếp tục tiến hành tái cấu trúc nguồn nhân lực, bộ máy quản trị, tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc sản phẩm và thị trường. Ban lãnh đạo và toàn thể thành viên tâm huyết nhất của Hòa Bình đang nỗ lực từng ngày từng giờ nhằm khôi phục vị thế Nhà thầu xây dựng số 1 tại Việt Nam trong chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm tới. Hàng loạt giải pháp cải thiện đã được triển khai và đã bắt đầu có những kết quả khả quan. Vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên hàng chục lần trong báo cáo tài chính bán niên, nhiều dự án xây dựng ở nước ngoài đã bắt đầu được ký kết, những chủ đầu tư trong nước đã bắt đầu quay lại với Hoà Bình.

Dù sóng to gió lớn, dù mây đen bao phủ, nhưng không thể che lấp được tia sáng ở cuối chân trời. Chúng tôi, những con người Hoà Bình, luôn nuôi khát vọng bỏng cháy trong tim mình, cùng với tinh thần lạc quan nhìn về tương lai, vẫn không ngừng nỗ lực và quyết tâm đi tới phương trời tươi sáng đó.

Những nỗ lực và đóng góp của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã được ghi nhận qua nhiều phần thưởng, giải thưởng danh giá, uy tín, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba đã được Nhà nước tặng thưởng trong những năm qua. Cùng với đó, Hòa Bình còn vinh dự được bầu chọn tham gia chương trình "Thương hiệu Quốc gia" liên tiếp qua 8 lần trong 16 năm kể từ khi chương trình này được tổ chức vào năm 2008. Đây là Chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, với các tiêu chí "Chất lượng – Đổi mới – Năng lực lãnh đạo".

Tuy nhiên, vượt ra khỏi những mong muốn khẳng định "bản thân" – Hòa Bình là Nhà thầu tổng hợp hàng đầu Việt Nam, tất cả chỉ là phương tiện để Hoà Bình thực hiện thành công một khát vọng lớn hơn - góp phần khẳng định vị thế của quốc gia, dân tộc. Tôi nhận ra một cơ hội rất quý cho Việt Nam, đó là ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục bùng nổ, phát triển, sánh vai với các cường quốc khác khi thành công xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới. Đây cũng là giải pháp chúng ta phải làm để giải quyết thực trạng mất cân bằng cung cầu của ngành xây dựng trong nước, và giải pháp đó là hoàn toàn khả thi, vì chúng ta đang có đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thực hiện.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 3.

Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có thời kỳ bùng nổ sau thời gian dài lên tới 50 năm giậm chân tại chỗ do bị chiến tranh cũng như cấm vận, nhưng đến nay, cần nhìn nhận một thực tế - ngành xây dựng Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khó khăn do mất cân bằng cung cầu trầm trọng. Thị trường bất động sản lâm vào khó khăn trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, áp lực từ mức lãi vay 11 - 13%/năm trở lên liên tục đè nặng qua từng tháng khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng rất chật vật trong hoạt động kinh doanh. Tình trạng thiếu việc làm đã và đang xảy ra với tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trong lĩnh vực xây dựng từ Bắc chí Nam.

Để giải quyết thực trạng mất cân bằng cung cầu của ngành xây dựng trong nước, khát vọng xuất khẩu công nghiệp xây dựng sang nước ngoài lại càng cháy bỏng trong tôi. Thực tế, Xây dựng Hòa Bình là doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài cũng như đã có kinh nghiệm nhiều năm "chinh chiến" tại thị trường xây dựng quốc tế. Từ rất sớm, vào năm 2011, Hoà Bình lần đầu tiên "đem chuông đi đánh xứ người" khi hợp tác với Tập đoàn UOA với dự án đầu tay Le Yuan Residence ở Kuala Lumpur. Đây là "bàn đạp" quan trọng để sau đó, Hòa Bình quyết định mở rộng sang Myanmar, Kuwait, Canada, và nay là Mỹ, Ôxtraylia, Kenya.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Theo tôi, Việt Nam quả thật hiện đang nắm giữ những cơ hội thuận lợi để biến giấc mơ xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp thành hiện thực.

Sau thời gian dài xảy ra chiến tranh và cấm vận, ngành xây dựng Việt Nam đã có giai đoạn phát triển thần tốc. Đây vô hình trung lại trở thành một cơ hội không thể tìm thấy ở những quốc gia khác bởi trong suốt thời kỳ bùng nổ xây dựng, Việt Nam đã có cơ hội học hỏi, tích hợp tinh hoa từ những nước phát triển nhất. Hiện nay, những doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam đang sở hữu công nghệ, kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng tiên tiến nhất. Ngoài ra các nhà thầu cũng như các nhà sản xuất vật liệu xây dựng đều được trang bị máy móc và thiết bị đời mới với công nghệ hiện đại nhất.

Từ việc chỉ là những nhà thầu phụ cho những doanh nghiệp xây dựng nước ngoài, giờ đây các nhà thầu trong nước đã trưởng thành để có thể đảm đương vai trò tổng thầu ở những công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 4.

Ngành xây dựng Việt Nam đã có giai đoạn phát triển thần tốc.

Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giàu tinh thần học hỏi và đổi mới, sáng tạo. Hiện nay, công dân của các nước phát triển không còn hứng thú đối với ngành xây dựng nữa, vì thế họ rất thiếu kỹ sư xây dựng.

Tuy nhiên, để tham vọng "vươn ra biển lớn" trở thành hiện thực, chúng ta cần một chuỗi cung ứng và sự hỗ trợ, giúp sức từ các ngành sản xuất và cung cấp các dịch vụ liên quan có năng lực cạnh tranh. Chỉ khi có hệ sinh thái đủ mạnh, chúng ta mới có thể "giải" được bài toán xuất khẩu quy mô lớn ở thị trường xây dựng toàn cầu. Đó là một thị trường đầy tiềm năng, có qui mô lớn gấp 450 lần thị trường trong nước.

Thực tế, chuỗi cung ứng cạnh tranh có thể coi là một lợi thế chiến lược của Việt Nam bởi có thể khẳng định, vật liệu xây dựng Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao trên thị trường toàn cầu và sẽ ngày càng cạnh tranh hơn.

Với nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có, nguồn lao động dồi dào, hệ thống cảng biển nằm sát các khu công nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển đều rất thấp. Đồng thời, do sinh sau đẻ muộn nên các nhà máy ở Việt Nam hầu hết đều sử dụng những công nghệ sản xuất và phương thức quản lý mới nhất nên chất lượng và hiệu suất rất cao. Những yếu tố đó đã giúp ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển như vũ bão trong khoảng 25 năm qua.

Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10% đến 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới và đứng đầu về xuất khẩu trên thị trường toàn cầu. Với ngành gỗ, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu về xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay, ngành gạch ốp lát Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN.

Ngoài vật liệu xây dựng, Việt Nam còn có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ trong công nghiệp xây dựng như cung cấp dịch vụ BIM, dịch vụ thiết kế và cả dịch vụ quản lý dự án cho những nhà thầu nước ngoài ở những công trình xây dựng tại nhiều nước trên thế giới. Điển hình là công ty Apave và Archetype – 2 công ty chuyên đào tạo Nhà quản lý là người Việt Nam để đưa nhân sự ra nước ngoài và quản lý dự án xây dựng.

Giải pháp xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, cho ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng. Thành công này sẽ đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

"Trái Đất này là quê hương ta

Thái Dương này hỏi đâu hơn quê ta

Cùng chung tay xây đắp quê hương

Nhà nhà xinh đầy ắp yêu thương

Đại dương kia đường ta đi tới

Màu xanh kia ta tưới nơi nơi

Bình minh lên cây lá xanh tươi

Người người vui ấm thêm tiếng cười"

Đó là những câu hát trong một sáng tác mới của tôi – bài hát mang tên "Trái Đất này là quê hương ta", qua đó thể hiện thông điệp của tôi về khát vọng của người Việt Nam nói chung và những doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng một thế giới tràn ngập tình người, Trái Đất phủ kín màu xanh và hòa bình, thịnh vượng được gìn giữ lâu bền trên quê hương của loài người.

Có thể khẳng định Xây dựng Hòa Bình là một doanh nghiệp có văn hóa giàu tính nhân văn. Văn hóa doanh nghiệp độc đáo này được đúc kết và trình bày rõ nét trong Tuyên ngôn giá trị, bao gồm: Hoài bão, Sứ mệnh, Triết lý kinh doanh và hệ giá trị. Có thể nói, văn hóa Hòa Bình là nỗ lực kết hợp một cách hài hòa giữa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa của các nền văn hóa doanh nghiệp trên thế giới.

Nhờ có nền tảng văn hóa tốt đẹp, Hòa Bình đã quy tụ được nguồn nhân lực và những đối tác tốt nhất. Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" vừa qua, Hòa Bình nhận được sự tận tâm giúp sức, hỗ trợ đắc lực từ nhiều đối tác, khách hàng, bè bạn thân thiết. Nhiều nhân sự trung thành của Hòa Bình vẫn gắn bó với Công ty trong sóng gió, vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn qua hàng thập kỷ. Khi công ty gặp nguy biến, có nhân sự cũ chủ chốt đã quay trở lại, giúp sức cho Hòa Bình, điển hình là trường hợp của Tổng Giám đốc Lê Văn Nam.

Văn hóa có vai trò quyết định đến vận mệnh của doanh nghiệp và của đất nước. Văn hóa còn là chất kết dính giữa con người với con người, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các quốc gia với nhau. Cũng chính nhờ văn hóa mà có thể biến xa lạ thành thân thuộc gần gũi, biến thù thành bạn, biến quan hệ "thắng – thua" (win – lose) thành "cùng thắng" (win – win), biến "đối đầu" thành "đối tác" và ngược lại.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 5.

Khi Hòa Bình xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài, tôi quan niệm: "Trái Đất chính là quê hương của mình và đi tới đâu, Hòa Bình sẽ làm đẹp quê hương của mình tới đó".

Tháng 2/2024, Hòa Bình đã nhận được Thư dự định giao thầu 5 công trình Nhà ở Xã hội tại Kenya do Bộ Đất đai, công trình công cộng, nhà ở và phát triển đô thị Kenya – Vụ Nhà ở và phát triển đô thị làm Chủ đầu tư. Đây là thành quả của khát vọng khẳng định vị thế quốc gia, khát vọng đóng góp cho quê hương - Trái đất này, là thành quả của niềm tin vào sự thành công của chiến lược xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp. Với những khát vọng đó Hoà Bình quyết tâm mang những công nghệ kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, máy móc, thiết bị, hiện đại nhất để xây dựng những dự án tại đây, qua đó cải thiện công nghiệp xây dựng tại Kenya. Sau nhiều lần trao đổi và làm việc, Hòa Bình đã nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của Chính phủ Kenya và từ đó, nhận được Thư dự định giao thầu hàng loạt dự án, tổng giá trị hợp đồng ước tính 72 triệu USD.

Cuối tháng 6/2024, tôi có chuyến công tác đến Kenya trong tình hình biểu tình bạo loạn ở Kenya đang lên đến đỉnh điểm. Biểu tình lan rộng tại Kenya do người dân phản đối thông qua dự luật tăng thuế trong khi Chính phủ chậm trễ trong việc giải quyết phúc lợi cho người dân, trong đó có công tác xây dựng nhà ở xã hội. Hòa Bình và Chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành ký kết hợp đồng 5 dự án nhà ở xã hội này sớm hơn thời gian dự định. Việc Hòa Bình thi công sớm những dự án nhà ở xã hội sẽ giúp phần nào dỡ bỏ áp lực từ phía người dân tham gia biểu tình.

Cũng chia sẻ thêm, tôi đã sang Kenya trong sự phản đối của nhiều thành viên của Công ty. Nếu không giữ vững niềm tin và khát vọng, có lẽ tôi đã bỏ cuộc.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 6.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 7.

Nội thất của dự án nhà ở Xã hội tại Kenya.

Sau chuyến đi thăm và làm việc tại Kenya (châu Phi), tôi nhận ra có sự khác biệt khi những Nhà thầu nước ngoài khác ở châu Phi luôn giữ bí quyết công nghệ chứ không chuyển giao cho doanh nghiệp và không đào tạo, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật cao cho người địa phương, như đã từng xảy ra ở Việt Nam. Hòa Bình nhất định sẽ thực thi một chính sách khác, Hòa Bình sẽ bằng sự chân thành hợp tác giúp cho lục địa châu Phi đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng. Khát vọng của chúng tôi, người dân của một quốc gia đã chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát bởi chiến tranh, một Tập đoàn mang tên Hoà Bình là mang hạnh phúc, ấm no và hoà bình đến cho nhân loại không phân biệt quốc gia, màu da, tôn giáo, chủng tộc.

Dù khát vọng của chúng tôi là mong muốn góp phần đưa ngành xây dựng trở thành kinh tế mũi nhọn quốc gia, xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới nhưng cuối cùng, đó cũng chỉ là phương tiện để thực hiện khát vọng cao cả nhất – đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người, đem lại hòa bình cho "quê hương" Trái Đất này. Hiện nay, tôi đang biên soạn một cuốn sách có tựa "Trái Đất - Quê hương tôi" và dự kiến sẽ sớm ra mắt độc giả trong thời gian tới.

Đương đầu với sóng gió, đối đầu với khủng hoảng, giai đoạn khó khăn nhất của Hòa Bình đã đi qua. Điều quan trọng là sau mỗi cơn bão, khát vọng cao cả, sứ mệnh lớn lao có còn vẹn nguyên, còn bỏng cháy hay không. Bởi nếu vẫn còn thì "trong sóng gió, còn khát vọng là còn tất cả". Hòa Bình nhất định sẽ sớm trở lại vị thế của mình.

Khát vọng đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 8.

Từ việc chỉ là những nhà thầu phụ cho những doanh nghiệp xây dựng nước ngoài, giờ đây, thị trường xây dựng Việt Nam gần như là "sân chơi" của những doanh nghiệp xây dựng nội địa.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top