Aa

Khi Chính phủ muốn “sự đồng thuận trong dân”

Thứ Sáu, 12/04/2019 - 16:04

“Phải được nghiên cứu thận trọng” và “tạo sự đồng thuận”... chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng dự toán hơn 58 tỷ USD.

Chúng tôi muốn đưa con số 58,71 tỷ USD tổng vốn dự kiến ngay lên đầu để thấy rằng sự cẩn trọng từ phía Chính phủ là cực kỳ cần thiết.

Bởi 58,71 tỷ USD, dẫu phân kỳ đầu tư thì đó cũng là một khoản tài chính khổng lồ, một gánh nợ quá lớn.

Hãy nhìn ngay sang metro TP.HCM, đang phải tính toán từng đồng. Hãy nhìn lại đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hơn thập kỷ chậm tiến độ có nguyên nhân lớn nhất là vốn. Và hãy nhìn về siêu dự án sân bay Long Thành, thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh tiết lộ so với nhu cầu vốn đặt ra, ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ đồng, tức mới được trên 25% kinh phí giải phóng mặt bằng siêu dự án này. Số còn lại... chưa biết lấy đâu ra.

Trong văn bản, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký hôm qua, Chính phủ yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước phải xem xét kỹ sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của dự án. Và “Làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình giao thông lớn (như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác) hoặc đề xuất đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn.

Và vì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam cho nên, Chính phủ nhấn mạnh: quá trình chuẩn bị đầu tư phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao của Chính phủ, Trung ương, Quốc hội và người dân.

Ai cũng biết sự cần thiết của một tuyến đường sắt mang tính chất huyết mạch đối với một quốc gia có địa hình đặc thù trải dài Bắc - Nam. Ai cũng nhìn thấy sự thiếu thốn về hạ tầng giao thông. Ai cũng từng chứng kiến sự đình đốn, tê liệt do thiên tai gây ra hằng năm. Ai cũng bức xúc về sự “tụt hậu cả thế kỷ” với những khổ đường 1m đã có từ “cả trăm năm trước”. Nhưng ai cũng sẽ đặt ra câu hỏi tiền đâu, nhất là trong bối cảnh nợ quốc gia chạm ngưỡng, và bội chi ngân sách quá thường xuyên.

Và chính vì thế, sự đồng thuận càng phải được đặt lên hàng đầu khi bản chất người đóng thuế, người trả nợ luôn là dân.

Khi dân đã “thuận” có lẽ, 58,71 tỷ USD cũng sẽ chỉ là “bình thường”, ít nhất so với nguồn lực “60 tỷ USD” trong dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top