Aa

Khi doanh nghiệp muốn “nhảy lầu tự tử”

Thứ Tư, 10/04/2019 - 23:30

Cuộc gặp gỡ với “100 doanh nghiệp bất động sản” của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân diễn ra trong một bối cảnh phải nói là cực xấu, cực tệ đã thực sự như “nắng hạn gặp mưa rào”.

Chỉ vì lý do Sở Xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành” mà bị một ông chuyên viên hoạch họe tại sao không phải khẳng định “hoàn thành”. “Chỉ một câu chữ thôi” mà dự án đình trệ, doanh nghiệp khốn đốn. Chỉ vì một câu chữ mà thậm chí bà chủ Quốc Cường Gia Lai đã nghĩ đến chuyện tự tử.

Cuộc gặp gỡ với “100 doanh nghiệp bất động sản” của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân diễn ra trong một bối cảnh phải nói là cực xấu, cực tệ đã thực sự như “nắng hạn gặp mưa rào”.

Nguồn cung căn hộ sụt giảm đến 34% theo quý và 57% theo năm; Sự sụt giảm ở mức “kỷ lục” kéo theo thu ngân sách giảm 22,5% trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so cùng kỳ.

Những con số phải nói là choáng váng. Và cũng chẳng có gì quá lời nếu như nói về một sự “khủng hoảng” bất động sản, một “điểm nghẽn” ở đầu tàu kinh tế lớn nhất nước: TP. Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân, cũng phải công bằng, hoàn toàn thuộc về chủ quan, như lời Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Nguyễn Hoàng Châu, là bởi “quá trình rà soát, thanh tra hàng loạt dự án thời gian qua kéo dài”. Là vì có tới 12 vướng mắc chủ yếu về pháp lý, về thủ tục hành chính.

Chính những nguyên nhân tự thân, hoàn toàn thuộc về chủ quan này khiến các doanh nghiệp bất động sản, khiến các nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề, với chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng vọt, các dự án gần như đóng băng

Sự sụt giảm trong cả nguồn cung, cũng như giao dịch đã kéo theo rất nhiều hệ lụy mà “sự tuyệt vọng” của bà chủ Quốc Cường Gia Lai chỉ là một mà thôi. Bởi với 30 dự án đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra; 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi kéo theo là hàng chục doanh nghiệp đang nợ nần đầm đìa, đang bế tắc. Kéo theo nó, là hàng ngàn người dân đã giao kết hợp đồng, đã tiền trao, đã hoàn toàn không có lỗi, đang vô tình trở thành những nạn nhân. Cơn khủng hoảng ấy đã khiến mà chính Thành phố cũng là một nạn nhân với việc thu ngân sách giảm 76% so cùng kỳ.

Nhưng nói cho công bằng, việc đóng băng, hay điểm nghẽn, hay cơn khủng hoảng này được gây ra bởi chính cách thức quản lý đất đai của quan chức Thành phố này dẫn tới sai phạm. Nói công bằng, nỗi sợ hãi “củi lửa” là có thật khiến những người có trách nhiệm “đóng băng” trong nỗi sợ hãi. Và “nhân danh nỗi sợ hãi”.

Bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ những bức xúc về thủ tục khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TỰ TRUNG - Báo Tuổi trẻ

Bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ những bức xúc về thủ tục khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tự Trung - Báo Tuổi trẻ

Trong buổi gặp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, bà chủ của Quốc Cường Gia Lai đã kể lại câu chuyện chỉ vì mấy chữ “cơ bản hoàn thành” và “hoàn thành” dự án của doanh nghiệp này “phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%”.

Chỉ một câu chữ. Chỉ một nhân viên. Và doanh nghiệp bế tắc, bà chủ tuyệt vọng đến mức “nếu không vì cổ đông, vì nợ ngân hàng, vì 3.000 cán bộ nhân viên bà “đã định tự tử”, “để lại di chúc, để lại tâm thư làm sao nhà nước gỡ khó cho doanh nghiệp”.

Hoạnh họe, gây khó có thể là từ những nỗi sợ hãi củi lửa mơ hồ, cũng có thể nói như bà Loan - kiểu “Thủ kho to hơn thủ trưởng”.

Bởi vậy, trước khi đổ cho ai đó, kêu lên đâu đó, tự Thành phố phải có những giải pháp cho chính mình, bắt đầu từ trách nhiệm những “ông chuyên viên”, ông giám đốc, ông này ông nọ.

Việc Bí thư Thành ủy gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản đã là sự thể hiện “năng lực lắng nghe” rất đáng trân trọng. Nhưng, từ lắng nghe đến hành động, hình như vẫn còn là một bước dài!?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top