Kết thúc quý I/2018, Vn-index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu với mức tăng lên tới 19,33%. Tuy nhiên sang đến quý 2, một lần nữa thị trường chứng khoán Việt Nam lại đứng "nhất" nhưng ở chiều hướng ngược lại. Vn-index đã giảm hơn 20% trong quý II/2018 và trở thành thị trường có chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Vẫn biết bạo phát thì sẽ bạo tàn, cái gì đến nhanh thì rời bỏ cũng dễ nhanh, nhóm ngân hàng và những cổ phiếu bluechips (cổ phiếu vốn hóa lớn) là nhân tố chính đẩy Vn-index lên tận “mây xanh” nhưng cũng chính nhóm này lại dìm thị trường giảm “sấp mặt” khi 20 công ty lớn nhất chỉ chiếm khoảng 78% vốn hóa toàn sàn lại đóng góp tới 85% mức giảm của chỉ số.
Trong top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn Hose thì có 7 mã ngân hàng gồm VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB. Với mức tăng trung bình toàn ngành lên tới 40% và chiếm đến 22% vốn hóa toàn thị trường thời điểm cuối quý I/2018, ngành ngân hàng chính là động lực chính giúp thị trường đi lên nhưng khi nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá thì thị trường cũng "lao dốc" không kém.
Trong Top cổ phiếu kéo giảm chỉ số nhiều nhất thì có tới 3 cổ phiếu ngân hàng (BID, VCB, CTG). BID cũng là mã giảm giá mạnh nhất với hơn 40% khi giảm từ 45.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 26.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu GAS, VNM, PLX cũng giảm trên 30% trong thời gian qua và góp phần khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Việc thị trường giảm mạnh trong những tháng gần đây đến từ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang trên thế giới, nhất là các vấn đề liên quan đến Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, những vấn đề về tỷ giá tăng vọt những ngày qua, cũng như triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không còn quá cao đã tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán.
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán thiếu động lực bứt phá. Sau quý I tăng trưởng ngoạn mục 7,38% (mức cao nhất trong 10 năm) thì đến quý II, tăng trưởng GDP chỉ còn 6,79% và nhiều dự báo cho rằng những quý cuối năm sẽ khó tăng trưởng mạnh.
CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. CPI tháng 6/2018 tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước cũng khiến thị trường trở nên thận trọng hơn.
Diễn biến thị trường thời gian qua không chỉ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt những nhà đầu tư mới giải ngân thiệt hại nặng nề mà ngay như các quỹ đầu tư tên tuổi cả nội lẫn ngoại cũng chung số phận.
Với phong cách đầu tư tập trung vào MWG, hai quỹ Hestia, Passion Investment đã thu được hiệu quả vượt trội so với thị trường chung. Tuy vậy, việc “tất tay” vào cổ phiếu VPB là nguyên nhân khiến hai quỹ Hestia và Passion có hiệu quả kém trong nửa đầu năm. Không chỉ bay hơi sạch thành quả mà thậm chí hoạt động đầu tư của 2 quỹ này còn đang thua lỗ nặng nề.
Những quỹ nội cũng hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm như Techcom Capital TCEF (âm 5,3%), VNDirect Active Fund (âm 1,8%) hay các quỹ do VFM quản lý cũng không khá khẩm hơn khi NAV các quỹ VFMVF4, VFMVF1 hay quỹ ETF VFMVN30 cũng đều tăng trưởng âm.
Những quỹ ngoại tên tuổi lớn như Pyn Elite Fund, Dragon Capital VEIL hay bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF cũng không ngoại lệ.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khốc liệt, chắc hẳn nhiều nhà đầu tư đã phải trả một cái giá quá đắt khi tài khoản sụt giảm thê thảm trong thời gian vừa qua. Sẽ cần một khoảng thời gian khá dài để chờ đợi thời cơ mới, chờ đợi thị trường bình ổn trở lại…