Theo thống kê, trong quý I/2019, số lượng dự án Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt chỉ 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm đến 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kèm theo đó, nguồn thu ngân sách của TP.HCM từ tiền sử dụng đất cũng sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2019, sụt giảm đến 76% so với cùng kỳ. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TP.HCM lên đến hơn 10 nghìn tỉ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm hết năm 2018.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong 3 tháng đầu năm 2019, tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời khiến các doanh nghiệp rất lo lắng.
Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản. Làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản. Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).
Theo ông Châu, nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin - cho", tiêu cực.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả và cũng do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản, vừa có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vừa vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.
Cùng với đó, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản cũng rất đồng cảm, chia sẻ về các khó khăn, áp lực rất lớn đối với các cán bộ, công chức nhà nước đang phụ trách giải quyết các hồ sơ liên quan đến các dự án của doanh nghiệp bất động sản.
Ở một diễn biến khác, theo báo cáo nghiên cứu thị trường địa ốc TP.HCM quý đầu năm 2019 của Công ty Savills Việt Nam (một đơn vị cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung sơ cấp tại thị trường TP.HCM đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm -34% theo quý và -57% theo năm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đơn vị này, ngoài việc chủ đầu tư còn ít căn trong rổ hàng, thủ tục pháp lý bị trì hoãn cũng như chủ đầu tư thay đổi kế hoạch mở bán, dẫn đến nguồn cung mới giới hạn. Thị trường chứng kiến mức mở bán mới thấp, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm -38% theo quý và giảm -27% theo năm. Hạng C chiếm đa số nguồn cung mới với 85% thị phần, chủ yếu tập trung tại các quận ngoại thành như quận 8 và 9.
Tổng lượng giao dịch đạt trên 6.400 căn hộ, giảm -42% theo quý và -52% theo năm. Lượng giao dịch trong quý thấp do kỳ nghỉ lễ của cả nước kéo dài trong tháng 1 và tháng 2. Tỷ lệ hấp thụ trong quý I những năm gần đây thường thấp hơn 50%.
Cũng theo báo cáo của Savills, các dự án mới chiếm 46% tổng lượng giao dịch, trong khi đó, các khu vực ngoại thành như Quận 8, Tân Phú và Bình Tân tác động lớn nhất tới tổng lượng giao dịch trong quý. Các căn từ 1 - 2 phòng ngủ tiếp tục thu hút người mua do phù hợp với nhu cầu để ở cũng như đầu tư.
Tuy nhiên, đổi lại sự sụt giảm của thị trường thì sự quan tâm của người nước ngoài về thị trường căn hộ ngày càng rõ hơn ở các dự án cao cấp, hạn ngạch 30% sản phẩm dành cho người nước ngoài nhanh chóng được lấp đầy. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần với giá căn hộ cao hơn ở tất cả các hạng. Trong khi đó, các dự án căn hộ hạng C sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và dẫn dắt thị trường người mua trong nước.