Aa

Khi doanh nhân đã vững niềm tin – Tâm an thì trí sáng

Thứ Sáu, 13/10/2023 - 06:00

Ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết mới về doanh nhân, được cho là sẽ tiếp thêm sức mạnh, chắp thêm đôi cánh cho giới doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

1. Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết ban hành ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) thực sự mang đến niềm vui lớn, sự tin tưởng tuyệt đối không chỉ của khối doanh nhân, doanh nghiệp mà còn là của mọi người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế cả trong nước và thế giới đang có nhiều biến động và bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Nghị quyết một lần nữa khẳng định, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết xác định phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

doanh nhân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam ngày 11/10/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

3. Nội dung trên thể hiện sự tin tưởng của Đảng vào đội ngũ doanh nhân, cũng là trao nhiệm vụ cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong việc vươn tầm khu vực và thế giới để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, để thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, mang tính đồng bộ, toàn diện.

Đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; trong đó có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Đồng thời xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân…

doanh nhân
Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới Doanh nhân Việt Nam 2023, ngày 11/10. Nguồn ảnh: Vneconomy

Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra, tôi chú ý và quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp thứ hai “Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến”. Và đặc biệt là điểm: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...”.

4. Chính sách, pháp luật được hoàn thiện sẽ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tạo sự an tâm để họ cống hiến hết mình. Không ít chủ doanh nghiệp tâm sự rằng, cái mà họ lo nhất không phải chỉ là vốn, là cạnh tranh, mà là hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau. Làm đúng theo luật này những rất có thể đối chiếu với luật khác lại là vi phạm và rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà chỉ cần bị khởi tố thôi, chưa biết tội trạng thế nào thì danh tiếng doanh nghiệp, cá nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể gây đổ vỡ, nhiều khi không thể cứu vãn. Đó là chưa kể, suốt ngày lo hầu tòa, nơm nớp chưa biết số phận mình ra sao… thì còn tâm trí đâu mà lo chuyện làm ăn. Trong khi thương trường như chiến trường, chỉ cần sao nhãng một chút đã có thể thất bại, chứ nói gì đến việc còn phải lao tâm khổ tứ, dốc hết trí lực vào việc hầu tòa.

Chính vì thế, tiếp theo giải pháp tạo hành lang, môi trường pháp lý hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, thì việc hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp sẽ tạo ra bước phát triển mới trong nhận thức, tư duy và hành động, tạo động lực rất lớn cho doanh nhân và doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh sẽ tạo cho doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo, triển khai ý tưởng, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển và thay đổi mạnh mẽ thế giới…

Quyền tài sản hợp pháp được bảo hộ sẽ kích thích mọi người làm giàu hợp pháp. Dân giàu thì nước mạnh, đó là chân lý đã được rút ra từ lâu nay. Quan trọng hơn, điều đó không chỉ kích thích người dân trong nước làm giàu, mà còn thu hút được đội ngũ người Việt Nam, doanh nhân Việt ở nước ngoài và cả các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư, mang vốn và công nghệ cùng kinh nghiệm tích lũy được bao lâu nay về làm giàu cho đất nước…

Khi doanh nhân đã vững niềm tin – Tâm an thì trí sáng- Ảnh 5.
Nội dung “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...” càng khẳng định đường lối nhất quán của Đảng trong việc coi trọng kinh tế, coi trọng doanh nhân, tạo điều kiện, môi trường an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm phát triển, cống hiến

Đặc biệt, nội dung “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...” càng khẳng định đường lối nhất quán của Đảng trong việc coi trọng kinh tế, coi trọng doanh nhân, tạo điều kiện, môi trường an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm phát triển, cống hiến. Việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế một mặt tạo sự an tâm cho doanh nhân, doanh nghiệp, đồng thời cũng còn là bảo vệ và hướng đến lợi ích của người dân, lợi ích của nhà nước. Ghép doanh nhân vào tội hình sự không khó, nhưng điều đó nhiều khi đồng nghĩa với việc khai tử một doanh nghiệp, khai tử một con người, đồng thời cũng dập tắt hy vọng của người dân, khách hàng về việc sẽ được bồi thường khi hợp đồng bị vi phạm. Trong khi đó, để có được một doanh nhân, doanh nghiệp từ khởi nghiệp đến thành công là cả một sự sàng lọc nghiệt ngã, một chặng đường gian truân và phải trả những cái giá không hề rẻ.

Vi phạm thì phải bị xử lý. Nhưng vi phạm đến đâu xử lý đến đó, vi phạm trong lĩnh vực nào xử lý theo lĩnh vực đó… Có chế tài về kinh tế để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế sẽ có nhiều cái lợi: Thứ nhất: Vừa bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật vừa không gây tổn thất về kinh tế, thậm chí doanh nghiệp còn phải nộp phạt vào ngân sách với khoản không hề nhỏ. Thứ hai: Giúp doanh nhân cởi bỏ nỗi lo cánh cánh về việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó yên tâm làm ăn, tập trung tâm trí vào đổi mới, sáng tạo để phát triển và cống hiến. Thứ ba: Giúp doanh nhân, doanh nghiệp đó nhận ra vi phạm của mình và có cơ hội sửa chữa, làm lại. Thường những người sau khi sai phạm mà được khoan dung sẽ có tâm lý biết ơn và tìm mọi cách để báo ơn. Mặt khác, khi thấy được hậu quả của sai phạm sẽ tránh không để xảy ra sai phạm, từ đó họ sẽ dốc sức vào làm ăn tuân thủ theo pháp luật. Như vậy, vừa giúp họ có cơ hội trở thành người tốt, thậm chí tốt hơn cả trước khi vi phạm, vừa tạo điều kiện để họ đóng góp cho xã hội, cho đất nước nhiều hơn. Đặc biệt, họ có điều kiện làm lại để bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng hoặc chính quyền; điều đó có lợi hơn nhiều là cho họ vào tù để khách hàng chẳng biết “đòi nợ” ai và chỉ biết trông chờ trong vô vọng… Đấy mới chỉ là một sự liên hệ đơn giản nhất, còn chân lý “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” mang lại rất nhiều điều lợi lớn hơn, mà nhiều khi không thể đong đếm…

Khi doanh nhân đã vững niềm tin – Tâm an thì trí sáng- Ảnh 6.

"Với quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã tạo thêm niềm tin vững chắc cho doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc chấn hưng đất nước nói chung và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng".

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh

5. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà hạt nhân của nó là chuyển đổi số mang đặc thù là các nước có điểm xuất phát gần như ngang bằng nhau, cơ hội chia đều cho mọi doanh nghiệp…, đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần này được cho là sự sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng; do đó, thực chất nó là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cách mạng về công nghệ. Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT còn cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen; thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Điều đó có nghĩa, rất nhiều vấn đề mới chưa từng có tiền lệ sẽ xuất hiện đòi hỏi chính sách, pháp luật phải thay đổi nhanh chóng để theo kịp sự phát triển, vừa tạo môi trường, bảo đảm sự an toàn, vừa làm bệ đỡ cho sự sáng tạo và đổi mới.

Tuy nhiên, chính sách pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn. Với cuộc cách mạng 4.0, thực tiễn sẽ phát triển với tốc độ chóng mặt mà các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng”.

Nhưng đi trước bao giờ cũng có độ rủi ro cao, không phải chỉ là rủi ro về sản xuất kinh doanh, mà còn là và nguy hiểm hơn là sự rủi ro về pháp lý. Khi chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện thì người anh hùng và tội đồ chỉ cách nhau ranh giới rất mong manh.

Chính vì vậy, với quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã tạo thêm niềm tin vững chắc cho doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc chấn hưng đất nước nói chung và trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng. Tâm an thì trí sáng! Các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ dũng cảm tiên phong, mạnh dạn đổi mới, thỏa chí sáng tạo, bởi nếu chẳng may có vấp ngã thì họ hoàn toàn có cơ hội đứng dậy để làm lại, tiếp tục cuộc đua mới.

Đó cũng là một trong những tiền đề quan trọng để đất nước ta thực hiện chuyển đổi số thành công, nắm bắt cơ hội có một không hai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top