Aa

Khi nào là thời gian thích hợp?

Thứ Ba, 04/06/2019 - 06:00

Về đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp, một số ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần làm rõ, thời gian thích hợp là thời gian nào?

Không tán thành với việc lùi thời gian dự án Luật có tính cấp bách như Luật Đất đai, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị QH tập trung sửa đổi ngay những vấn đề cấp bách, bức thiết mà giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 đã chỉ ra.

Nhiều hạn chế mang tính… bền vững

Đánh giá cao công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều đổi mới, nhiều ĐBQH cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan được giao soạn thảo đã khẩn trương tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo dự án. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo dành nhiều thời gian, đề cao trách nhiệm hơn trong chỉ đạo nghiên cứu soạn thảo và giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường

Tuy nhiên, các ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ rõ, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 vẫn còn nhiều hạn chế mang tính bền vững. Nghĩa là tồn tại từ nhiều khóa, qua nhiều năm mà không được khắc phục.

Đó là tình trạng dự báo không cao, tiến độ trình dự án còn chậm, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến rút, lùi bổ sung nhiều dự án. Cụ thể, chúng ta bổ sung đến 6 dự án, lùi 2 dự án, rút 4 dự án, lùi thời gian thông qua 1 dự án luật.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy thẳng thắn nguyên nhân của hạn chế nêu trên không mới, hầu hết do chủ quan. Như về phía Chính phủ, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều dự án không bảo đảm thời gian, chất lượng vẫn trình ra. Hồ sự dự án đến phiên thẩm tra mới được phát do đó, ĐBQH không có thời gian nghiên cứu kỹ, dẫn đến tình trạng một số báo cáo thẩm tra chưa sâu, ĐBQH cũng khó phát biểu sâu về nội dung dự án luật.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) dẫn chứng thêm, hiện nay, các cơ quan trình Luật là các cơ quan của Chính phủ. Chính phủ giao cho Bộ, Bộ lại giao cho cục hoặc vụ. Ở trong cục đấy, vụ đấy lại giao cho một số cá nhân. Như vậy, những người hiểu chuyên môn lại chưa hẳn rành về luật pháp; những người hiểu luật pháp có thể chuyên môn chưa giỏi. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng luật không đảm bảo.

Một số ĐBQH nhấn mạnh, khắc phục những hạn chế trên không khó, như Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã nói, trước hết chỉ cần tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không phải nói đi, nói lại mãi những câu chuyện đã cũ.

Sửa Luật Đất đai đồng thời với xem xét Nghị quyết thí điểm một số mô hình tập trung tích tụ đất đai

Liên quan đến việc Chính phủ đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp, một số ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần làm rõ, thời gian thích hợp là thời gian nào?

Không tán thành với việc lùi thời gian dự án luật có tính cấp bách như Luật đất đai, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị QH tập trung sửa đổi ngay những vấn đề cấp bách, bức thiết mà giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 đã chỉ ra.

Hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án tập trung tích tụ đất đai, phục vụ và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Chính phủ cũng dự kiến trình QH ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm một số mô hình tập trung tích tụ đất đai.

Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, đây là nội dung quan trọng, có liên quan đến cơ chế, chính sách về hạn mức nhận chuyển chuyển nhượng đất nông nghiệp, các đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa và tài chính đất đai…

Chính phủ nên trình dự thảo Nghị quyết này đồng thời với thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 tới (tháng 5/2020). Thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top