"Có thể nói, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần phục hồi từ tháng 5 đến nay”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, chia sẻ tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Chính phủ tổ chức tuần qua.
Để củng cố nhận định trên, vị chuyên gia cho biết, lượng giao dịch bất động sản nhà ở trong quý II/2023 tốt hơn quý I. Không chỉ vậy, theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu ngành địa ốc đã tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%...
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn cho rằng, sự phục hồi của thị trường còn chậm. Nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn.
Mong chờ vào năm sau
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường địa ốc sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024. Còn từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn trầm lắng.
“Đối với căn hộ chung cư, phân khúc này chỉ có thể phục hồi từ giữa năm 2024 nếu các khó khăn sớm được tháo gỡ, cải thiện”, báo cáo của Hiệp hội cho biết.
Theo dự báo của Savills, trong giai đoạn năm 2022 - 2025, Hà Nội dự kiến có gần 79.000 căn hộ mở bán. Con số này chỉ đáp ứng được gần một nửa nhu cầu. Tại TP.HCM, số căn hộ mở bán trong tương lai rơi vào khoảng 145.000 căn.
Trong đó, cơ cấu nguồn cung sẽ ngày càng đa dạng. Phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ có nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ tăng. Ngược lại, phân khúc trung cấp, bình dân sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp do nguồn cung hạn chế, bất chấp việc nhu cầu vẫn rất lớn. Ngoài ra, mặt bằng giá chung cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Riêng với nhà ở xã hội, phân khúc mang tính chiến lược quốc gia, sức cầu luôn vượt xa số lượng nguồn cung của thị trường. Tuy nhiên, vì khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp rất hạn chế nên họ cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa.
Khu vực xa trung tâm sẽ là điểm sáng
Đối với biệt thự, nhà liền kề, Savills dự kiến đây là phân khúc sẽ khó có sự đột phá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các sản phẩm ở những khu vực xa trung tâm sẽ mang đến nhiều lựa chọn về vị trí và giá cả phù hợp và hấp dẫn hơn với người mua.
Đáng chú ý, sự gia nhập thị trường của các vị khách ngoại quốc, cùng với đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) sẽ góp phần khiến phân khúc đắt đỏ này trở nên sôi động hơn.
Còn với đất nền, một phân khúc từng “sốt nóng” trong suốt giai đoạn đầu năm 2022, lại có những kết quả trái chiều tùy theo từng khu vực.
Tại các khu đô thị cũ của các thành phố lớn, chuyên gia dự báo sẽ không có sự đột biến về giá và lượng giao dịch. Điều này xuất phát từ việc quỹ đất trở nên hạn hẹp, các vị trí đắc địa ngày càng ít, giá trị sinh lời thấp.
Đối với các khu vực lân cận/đô thị vệ tinh của các đô thị lớn hoặc những khu vực có quy hoạch đô thị/quận mới, đất nền được dự báo vẫn sẽ có những đợt tăng về giá và lượng giao dịch. Tuy nhiên, những biến động cục bộ này sẽ sớm được kiểm soát khi các địa phương công bố thông tin chính thức về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn nền kinh tế còn đang khó khăn, việc thị trường bất động sản trầm lắng là điều tất yếu. Thậm chí, nếu tình hình trở nên sôi động, thị trường khi đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề.
“Tại thời điểm tháng 2/2023, thị trường bất động sản đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi gặp khó khăn, nhiều dự án dở dang, không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản…”, ông Hoàng Văn Cường bình luận.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho biết với những hành động của Chính phủ từ các nghị quyết kịp thời, diện mạo của thị trường đã hoàn toàn thay đổi. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất thông qua sàn chứng khoán khi nhiều mã bất động sản đang đứng đầu danh sách tăng giá.