Aa

Khi nhà chung cư không có láng giềng gần

Thứ Hai, 10/08/2020 - 17:00

Tôi vẫn ngẩn ngơ nghĩ và nhớ về sự tốt bụng, chân thành của tình hàng xóm. Thì ra ngày xưa ấy, láng giềng gần bên nhà tôi không phải mua, họ tử tế có sẵn trong người.

Một hôm tôi đến thăm chị Ngọc Trai, một người bạn vong niên của tôi ở chung cư Capital Garden, mạn đường Trường Chinh, lên cầu thang mà không có ai mở cửa, nghe đồng chí bảo vệ chung cư nói đã thay đổi số thứ tự của từng tầng trong cầu thang máy. Vậy mà tầng 1 không có biển báo. Một người trong cầu thang nói là lên tầng 7, một người bảo là lên tầng 11. Tôi tìm cả hai tầng nhà. Gõ cửa hỏi thăm, các phòng không ai mở cửa. Tìm mãi, đều không ra nhà bà chị. Hành lang tầng 11 rộng vắng vẻ, hun hút, gây cho tôi một cảm giác sợ hãi sự lạnh lẽo. May sao, thoáng thấy có người đàn bà đang lau nhà, liền gõ cửa hỏi thăm. Bà cũng lắc đầu không biết, nhưng khi cười, loáng thấy răng đen. Chắc bà ở quê ra.

“Vâng, tôi ra trông cháu ngoại mà cháu đi học rồi, cứ từ sáng đến tối một mình trong cái phòng rộng thênh thang, nhìn ra cái hành lang cũng rộng mênh mông mà không có láng giềng. Buồn chết đi được”. 

“Vâng. Ở đây không thể có láng giềng gần. Càng không thể mua láng giềng được bác nhỉ”. Bà sởi lởi như muốn giữ tôi lại, như thể bắt gặp người thân. 

“Vâng. Ở đây không như làng tôi, ra ngõ vào cổng hễ trông thấy nhau đều có lời chào”. 

“Vâng, đằng này tôi chào bọn trẻ, chúng nó cũng không thèm giả nhời, nên thôi, em không chào nữa”.

Cuộc sống làng quê ra ngõ vào cổng hễ trông thấy nhau đều có lời chào

Tuổi bà khoảng ngoài 60, nom rắn rỏi, nhanh nhẹn, hoạt bát. Thế mà ra Hà Nội có ba tháng hè đã cảm thấy xa làng xóm đến hàng chục năm. “Em nhớ nhà quê, nhưng thương con thương cháu nên ở lại đây qua hè. Hôm qua em xuống đường mua ít thứ rau dưa, nghe nói, nhà ở gần mà láng giềng không tốt cũng cay cực lắm".

Nhà chung cư hiện đại lại càng hiếm tình hàng xóm. Không có tiếng gọi cửa. Tiếng người. Mà thay tiếng người thành bấm chuông. Khi nhà rộng, đầy đủ tiện nghi thì lại càng cần có tình cảm ấm áp, thân thiện, mới sống được. Nếu không, sự hoang vu càng lớn, càng đẩy con người đi đến mỗi ngày sống mòn đi một tý. Người sống càng xa đất và càng xa cây xanh, hơi thở cũng lơ lửng giữa không trung, thở với kính và nhìn ra với kính. Thở với bê tông, nhìn ra toàn bê tông. Ngày mưa không được mở cửa sổ, không thấy hạt mưa, và càng không thấy giọt gianh hiên nhà. Càng không biết hơi mưa nó phả vào mặt. Cứ thế, con người ở chung cư dần dần sơ vữa cảm xúc, mất đi cảm giác gần thiên nhiên. Bê tông đang đánh cắp cảm xúc con người mà không ai hay.

Nhà chung cư hiện đại lại càng hiếm tình hàng xóm. (Ảnh: sưu tầm)

Cái lần lên chung cư hiện đại ở đường Trường Chinh, tôi phải bỏ về mà không gặp được chị Ngọc Trai vì quên điện thoại, vì không có láng giềng gần. Về đến ngõ nhà cũng giật mình nhìn lại. Láng giềng cũng toàn người ở đâu đến, họ giàu có mua nhà to, cũng không có hỏi han ai, và như không quen biết ai với ai. 

Tôi đã sống vắt qua hai thế kỷ, nhìn thấy tình nghĩa láng giềng ngày xưa, thời của bố mẹ tôi, họ sống thật tử tế. Khi bố tôi mất trong giấc ngủ trưa, ông Vinh hàng xóm cạnh nhà, đạp xe đạp lên phố Hàng Buồm gọi tôi về. Ông đưa cho tôi sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, ít đồng bạc bố tôi gửi ông giữ hộ. Rồi ông Thể chạy sang bảo tôi đưa cuốn sổ hộ khẩu để ông lo hậu sự cho bố tôi. “Chỉ vì nhà cháu neo người. Tôi giúp”. 

Nửa thế kỷ trôi qua, ngoảnh lại hàng xóm trong ngõ đã ra đi vãn cả. Tôi vẫn ngẩn ngơ nghĩ và nhớ về sự tốt bụng, chân thành của tình hàng xóm. Thì ra ngày xưa ấy, láng giềng gần bên nhà tôi không phải mua, họ tử tế có sẵn trong người. Vì vậy mà tôi đi đâu xa cũng muốn trở về chốn cũ, ngõ cũ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top