Aa

Vô danh, nhìn trước, thẳng!

Thứ Hai, 27/07/2020 - 15:10

Cả dân tộc Việt đã không quên những dòng sông máu lửa, những núi xương nằm lại nẻo đường. Để cuộc đời ta có thể ngước lên và cúi xuống biết ơn, những người lính từng hy sinh vì đất và nước Việt.

Có một chiều muộn nọ, tôi rẽ qua ngõ Trạm (Hà Nội), chợt nhớ viên gạch mòn vẹt ở lối lên nhà họa sỹ Kim Bạch. Nhiều năm rồi, bà đơn độc vẽ chân dung, vẽ những bông hoa tàn ám ảnh tôi mãi đến nay chưa nguôi quên.

Rồi tôi lại chợt nhớ chiếc ghế cũ kỹ mà họa sỹ Nguyễn Sáng từng phải đốt đi để sưởi ấm không gian cho người mẫu mà ông đang vẽ đỡ co ro trong cái rét cơ hàn miền Bắc. Tôi cũng từng nghe nói, họa sỹ Nguyễn Sáng vẽ và đốt đi rất nhiều tranh khác do chính ông vẽ. Ông không để lại gì nhiều, càng không có tài sản. Như muốn đặt dấu chấm than cho cuộc đời danh họa.

Thi thoảng đi bộ trong các ngõ nhỏ Hà Nội, tôi hay nghĩ tới số phận tài hoa và đơn độc của họ. Ngõ Trạm hay phố Bà Triệu vẫn giữ nguyên ký ức về họa sỹ Kim Bạch hay Nguyễn Sáng, dù thời gian cứ trôi như nước chảy. Cả hai, hay lay lắt tôi, tự vấn, vậy giá trị sống của con người là gì? Hay để lá cuốn đi...?

Nơi tưởng niệm liệt sỹ ở Quảng Trị. (Ảnh: HVH)

Đó là những người có danh, chọn cách sống ẩn và chết ẩn. Nhưng ở đời lại còn những hy sinh vô danh khác nữa. Như nỗi cô đơn người lính, nỗi cô đơn của hai chữ vô danh. Anh là ai, năm xưa nhập ngũ trong đoàn quân đi, những người lính bộ binh từng hành quân xẻ dọc Trường Sơn cứu nước. Đoàn quân đi rầm rập rồi hình như những bước chân cũng nhỏ dần, nhỏ dần. Trong lặng phắc... Ký ức có ngủ quên, nhưng hình bóng các anh thì không thể quên.

Một ngày cuối tháng 7 của năm, thân nhân, đồng đội vẫn nhớ tới các anh - những người lính đeo quân hàm, màu áo cỏ. Vô danh, ai đó đã nằm lại trên những cánh rừng xăng lẻ, trên những trận chiến khét lẹt khói bom. Đó là lính bộ binh, lính trinh sát, lính công binh… 

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, gần một nửa thế kỷ. Nhiều ngôi mộ ở Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, các đài tưởng niệm ở làng quê, những ngôi mộ vô danh vẫn thẳng tắp từng hàng, đứng như duyệt binh. Vẫn, nghiêm, nhìn trước, thẳng!

Những người mẹ có chồng, có con là liệt sỹ, họ vẫn tìm đến những ngôi mộ, cả có danh và vô danh, nghiêm ngắn như lúc các anh đứng trong hàng ngũ. Và, nhìn trước, thẳng... cho đến cả khi nằm dưới đất sâu! Cho đến lúc mất, dù không có tên nhưng vẫn thẳng tắp. Không biết người nằm dưới mộ kia quê nhà bản quán ở đâu, đó là nỗi đắng lòng cho những người mẹ không thể đón con trở về. 

Trong lần trở lại chiến trường Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng khăn lau nước mắt, gương mặt, ánh mắt ông ánh lên tình thương lính trận xiết bao. Đại tướng giúp người đời hiểu thêm một giá trị khác của sự hy sinh người lính, họ tốn máu xương để có ngày hòa bình cho Tổ quốc hôm nay. 

Hình ảnh người mẹ sau 35 năm từ ngày con trai hy sinh mới được đến nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang) để viếng mộ con lần đầu gây xúc động. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cầm chiếc khăn lau nước mắt rất đục trong gió chiều tháng 7, người mẹ Quảng Trị ở Nghĩa trang Đường 9, gọi tên từng đứa con rồi ngồi đối thoại một mình giữa nơi này: "Thằng Ninh, hồi nhỏ tướng sát cá, đi bắt cả chiều, xách đầy giỏ mang về cho mạ kho dưa. Nó là đứa hay ôm sau lưng mạ nhất. Còn thằng Bình hay càu nhàu với anh, hay tranh cãi, tị nạnh và không chịu quét nhà. Lần này về, mạ không bắt quét nhà, mạ cho đi chơi…"

"Xuống nớ, có kiếm việc làm đủ ăn không con? Ở trển lúc con đi đánh nhau, mạ không tính thắng thua, dưới đó chỉ mong các con no đủ…”. Năm đó cũng tháng 7, tôi chẳng đứng dậy ngay, ngồi lì nghe người mẹ Quảng Trị đối thoại với ngôi mộ vô danh. Có còn giọt nước mắt nào cũng xin nhỏ xuống với mạ, cảm thông và nức nở. Rồi người mẹ Quảng Trị cũng như mẹ của nhiều người lính trẻ khác sẽ lại trở về với bóng mình trên tường. 

Đó là chưa kể tới những người vợ lính. Cả một làng quê ở vùng Gio Linh (Quảng Trị), cả một khúc miền Trung có biết bao người tình, người vợ đơn độc ở vậy suốt đời. Họ đơn giản sống vì những lá thư, những lời hẹn ước trong mưa rơi, đạn lạc và chung thủy với người đã khuất. Đó là những nỗi đau không dễ nhìn thấy. 

Năm tháng bão giông, một đèn một bóng, các chị, các mẹ đã tiêu hết nỗi đau đớn cho đến lúc xuống mồ. Chiến tranh vẫn giằng xé một nỗi đau trong hòa bình, đó là sự trống vắng của nhiều người vợ muốn đi bước nữa mà không đi nổi. Vì "chồng mình sống tốt quá", hay vì "không ai yêu mình bằng anh ấy". Rồi các chị chọn cách ở vậy. Cô đơn bấu chặt chiếc gối một và chiếc giường một.

Để cuộc đời ta có thể ngước lên và cúi xuống biết ơn, những người lính từng hy sinh vì đất và nước Việt... (Ảnh: sưu tầm)

Còn có vợ của những người lính bay, không phải lính đánh bộ - các anh mất trong những trận tập rượt trên không. Cách đây sáu năm, Nhà nước đã làm quốc tang cho những người lính bay. Người vợ trẻ nhất của viên thượng úy lái máy bay nằm lại dưới biển cả vĩnh viễn, nào ai vẫn nhớ, nào ai đã quên? Chắc đến nay, đứa con trai của viên thượng úy lính bay đã 5 tuổi, còn người vợ trẻ ấy phải cứng cáp dần trong đơn lẻ nuôi con. "Giọt máu" của hai vợ chồng là niềm an ủi lớn lao với người phụ nữ trẻ.

Dù vẫn có đồng đội, có sự sẻ chia của người thân, nhưng mái nhà hiu vắng mãi mãi là hiu vắng; chỉ còn lại sự can đảm nuôi con trong tình yêu và niềm tự hào dù nuôi dạy con trai một mình thực không dễ, và những nỗi đau có lẽ chỉ mùa đông đại hàn mới thấu hết. 

Cuối tháng bảy thường hay có mưa ngâu, mưa ngâu cứ như barie vô hình ngăn cách con người với con người. Những người lính trận sau hòa bình và những người lính trong quân ngũ, họ vẫn đến thăm nhau, vẫn nhìn trước thẳng, và những bước chân rầm rập vẫn ngân rung trong lòng, vẫn rưng rưng như hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 chiếc bát chờ con. Cả dân tộc Việt đã không quên những dòng sông máu lửa, những núi xương nằm lại nẻo đường. Để cuộc đời ta có thể ngước lên và cúi xuống biết ơn, những người lính từng hy sinh vì đất và nước Việt.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top