Đầu tư vào đất bất chấp quy luật
Đã hơn 5 năm trôi qua, kể từ thời điểm đóng băng bất động sản năm 2011 - 2013, một cuộc “đổ bộ” ồ ạt tiền vào lĩnh vực bất động sản mới có cơ hội được dịp khởi động lại một cách sôi nổi như vậy.
Cơn sốt đổ tiền đầu tư vào bất động sản rục rịch từ năm 2017 với những thông tin khi nhà đầu tư bắt đầu gom tiền đổ vào các phân khúc đất nền. Đến đầu năm 2018, cơn bão giá đất nền bắt đầu được thổi bùng lên một cách chóng mặt. Tất cả nguồn đầu tư đều đổ dồn vào bất động sản, đúng kiểu “nhà nhà mua đất, người người mua đất”. Cơ hội làm giàu thật dễ bắt đầu mở ra trong mắt của rất nhiều nhà đầu tư, ngay cả trong cái nhìn của những người dân đang thừa một khoản tiền nhàn rỗi.
Thay vì chuyển tiền vào ngân hàng bởi những dấu hiện bất an khi tiền không may bốc cánh ra đi còn phía nhà băng vẫn chậm chạp trong việc giải quyết bồi thường, không ít người dân có tiền đã tính tới phương án mua đất để làm “của để dành” nhất là trong thời điểm người ta đồn tai nhau rằng “chưa bao giờ có cơ hội làm giàu nhanh như bây giờ” khi mua đất. Ngày hôm nay chồng tiền mua đất, ngày hôm sau giá đã tăng lên 10 - 50%. Giá đất đâu chỉ tăng lên theo tháng mà còn tăng lên theo từng ngày, từng giờ.
Một trong những nhân tố góp phần khiến thị trường đất nền sôi động đột biến chính là sự xuất hiện của những đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Dù chưa chính thức lên đặc khu, dù sự kỳ vọng trở thành “cú đấm thép” vẫn còn đang tiếp diễn thì có vẻ như một phần đã trở thành hiện thực khi cơn sốt đất nền ở 3 đặc khu này đã tạo hiệu ứng mạnh cho trào lưu đầu tư vào đất.
Chưa bao giờ, việc mua bán đất lại diễn ra ào ào, nhanh chóng, không tuân theo một quy luật kinh tế nào. Và cũng chưa bao giờ, sốt đất nền trở thành một từ khóa với hàng triệu lượt tìm kiếm như vậy. Từ đất nền đặc khu đến đất nền ven TP.HCM, đất nền ở các tỉnh, đất nền ven Hà Nội đều nhộn nhịp đến lạ.
Sự kỳ vọng và lan truyền thông tin “làm giàu không khó” kèm theo khoản lợi nhuận ăn chênh khổng lồ, nhanh chóng từ việc mua đi bán lại đã thổi lên niềm hy vọng tiếp tục kiếm lời trong mắt những nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả trong suy nghĩ của người dân có tiền.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, lý do khiến đất nền được người dân ưa chuộng xuất phát từ chính tâm lý “ăn chắc mặc bền” của người Việt. “Thứ nhất, người Việt Nam rất thích đất nền vì đất là cái cơ bản, sở hữu vĩnh viễn. Về phần nhà họ có thể chủ động muốn xây ra sao, như thế nào, khi nào thì xây. Người ta không quan tâm nhiều đến phần nhà mà chủ yếu quan tâm đến đất vì tính chủ động và thanh khoản nhanh. Mua đất nền họ không phải trả nhiều chi phí khác như phí dịch vụ.
Thứ hai, đất nền sốt là bởi có rất nhiều dự án đất nền được tung ra thị trường. Có thời gian chúng ta cấm chia lô bán nền nhưng gần đây lại được điều chỉnh nên cơ hội mua đất rất dễ. Thứ ba, rõ ràng việc mua đất nền giá sẽ rẻ hơn mua một cái biệt thự. Bậc tự do của đất nền lại cao hơn biệt thự".
Kịch bản bong bóng bất động sản có lặp lại?
Năm 2007, 2010 chứng kiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng. Phân tích nguyên nhân của thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đưa ra các nhận định: Thứ nhất xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp và người dân dễ kiếm tiền đặc biệt bất động sản là kênh đầu tư về tài sản được lựa chọn để cất trữ, kinh doanh và kể cả đầu cơ. Thứ hai, nguyên nhân từ việc tất cả nguồn vốn xã hội đều đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Thứ ba, xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà đi đôi với các đợt sóng tăng giá bất động sản với tần số chóng mặt và có dấu hiệu giới đầu tư cầm trịch các đợt sốt giá.
Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia đã nhận định thị trường bất động sản đang hội tụ rất nhiều những đặc điểm, dấu hiệu của giai đoạn rơi vào tình trạng bong bóng cách đây 8 năm. Rất nhiều ý kiến lo ngại trước dấu hiệu bất ổn, thiếu khỏe mạnh, minh bạch của một thị trường bất động sản.
Thế nhưng, phớt lờ những lời cảnh báo, khuyến nghị thì giới đầu tư vẫn tiếp tục lăn mình vào thương trường để tìm kiếm cơ hội làm giàu và chưa hề có ý định dừng lại.
Việt Dũng (Hoài Đức, Hà Nội, một nhà đầu tư bất động sản, đã chia sẻ: “Không quan trọng ảo hay không, quan trọng là nhà đầu tư tìm thấy cơ hội kiếm lời ở đó. Bỏ qua giai đoạn này là sự lãng phí đáng tiếc của những nhà đầu tư”. Đó cũng là quan điểm của không ít các nhà đầu tư bởi họ như đang tìm thấy “vàng mười” từ thị trường bất động sản đang nóng. Mà tiền trước mắt thì khó ai đủ tỉnh táo để bước qua.
Kịch bản bong bóng bất động sản được dự đoán sẽ tiếp tục lặp lại một lần nữa khi các dấu hiệu thúc đẩy sự tăng giá quá mức đang xuất hiện rõ rệt, giá trị ảo của đất đang bị đẩy lên bởi những nhà đầu tư, nhà môi giới. Chưa biết, thời điểm “vỡ bong bóng” là khi nào nhưng diễn biến của thị tường bất động sản đang báo động cần gấp sự can thiệp kịp thời từ các công cụ chính sách của Nhà nước và cái đầu rất tỉnh táo của nhà đầu tư.
GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Đừng chiều theo ý định của các nhà đầu tư, Nhà nước phải giữ được van nối giữa nhà đầu tư và thị trường bất động sản. Tùy theo dấu hiệu, dự báo của thị trường, người quản lý phải xử lý van nối này thật chặt chẽ. Rất nguy hiểm khi thị trường bất động sản khủng hoảng sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chính. Nếu anh quản lý tốt thì nó sẽ xảy ra chậm, ảnh hưởng ít bởi theo quy luật, khủng hoảng sẽ có chu kỳ của nó. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu quản lý kém thì vẫn chưa xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản vì cung vẫn đang dư. Song trong thời điểm tương lai gần, không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra nếu dấu hiệu về thị trường bất động sản bất ổn đang diễn ra".