Aa

Khi "quyền lực" được trả về cho "thượng đế"

Thứ Tư, 07/06/2017 - 06:00

Nhìn lại thị trường BĐS Việt Nam để thấy, có không ít các trường hợp khách hàng phải "khóc ròng" vì dù bỏ ra số tiền khổng lồ để mua một BĐS nhưng không hề suôn sẻ như kỳ vọng. Nguyên nhân có thể vì các yếu tố khách quan, nhưng cũng không thể không nhắc đến sự chủ quan, lơ là mất cảnh giác của các "thượng đế" khi xuống tiền.

Vấp ngã đắng cay

Có lẽ cho đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên một vụ việc từng gây rúng động trên thị trường BĐS Hà Nội khoảng 8 năm trước, liên quan đến Công ty Cổ phần Sàn BĐS Việt Nam có trụ sở tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Thời điểm đó, khi thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn "sốt ảo", hàng trăm khách mua nhà dự án do thiếu hiểu biết về pháp luật đã dễ dàng bị Lê Hồng Bàng (SN 1976, Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn BĐS Việt Nam) cho "ăn" một cú lừa "ngoạn mục".

Năm 2009, Lê Hồng Bàng, trên cương vị Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn BĐS Việt Nam, mặc dù không có khả năng về tài chính, không có chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh, nhưng đã câu kết với Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Cường Thịnh và Hà Tuấn Linh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Hoàng Hà, tạo dựng hồ sơ các dự án nhà ở “trên giấy” tại địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội. 

Điều đáng nói, mặc dù chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án nhưng chỉ trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7, năm 2009), Bàng đã ký 841 phiếu thu tiền và 578 hợp đồng vay vốn của 397 người có nhu cầu mua căn hộ. Chiếm đoạt tổng số tiền hơn 347 tỷ đồng.

Vụ việc sau đó vỡ lở, Bàng và đồng bọn bị truy tố trước pháp luật, dóng lên hồi chuông báo động khẩn thiết giữa bối cảnh nhà nhà, người người thi nhau cầm số tiền khổng lồ đi đầu tư vào BĐS. 

Đáng tiếc, đến cả bây giờ, những câu chuyện như trên vẫn không hề hiếm gặp trên thị trường địa ốc Việt. Do thiếu hiểu biết về thị trường, ham lợi nhuận và đặc biệt là không hiểu biết về pháp luật, nhiều người đã lao vào đầu tư nhà, đất như “con thiêu thân” để rồi nhận lấy trái đắng.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) ở dự án Bidhomes The Garden Hill (99 Trần Bình, Hà Nội) mà dư luận xôn xao suốt thời gian vừa qua là một ví dụ.

Suốt 7 năm qua, chị Thu và hơn 60 khách hàng khác của dự án đã phải đi "gõ cửa" không biết bao nhiêu cơ quan thực thi pháp luật để đòi hỏi quyền lợi của mình khi đóng tiền góp vốn vào dự án Bidhomes The Garden Hill. 

Chị Thu cho biết, vào năm 2010, 63 khách hàng, trong đó có chị đã ký thoả thuận với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội mới về việc góp vốn đầu tư dự án chung cư tại 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư. 

Khách hàng đấu tranh đòi quyền lợi tại chân dự án Bidhomes The Garden Hill.

Khách hàng đấu tranh đòi quyền lợi tại chân dự án Bidhomes The Garden Hill.

Sau khi thu tiền góp vốn của nhóm khách hàng trên, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội mới đã nộp toàn bộ số tiền này cho Công ty TNHH Đức Phương theo giấy ủy quyền ký ngày 19/11/2010 và thỏa thuận tự nguyện góp vốn hợp tác ký ngày 24/10/2009 giữa hai bên.

Theo đó, Công ty TNHH Đức Phương đã uỷ quyền cho ông Lương Xuân Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội mới được phép huy động vốn của khách hàng với tỷ lệ là 20% giá trị của 5.836m2 sàn chung cư từ tầng 6 đến tầng 9 của toà nhà, với tổng giá trị xấp xỉ 21,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau thời gian dài bế tắc vì nhiều lý do (thay đổi thiết kế, thiếu vốn...), với nhiều động thái của Công ty Đức Phương, cuối cùng, dự án được Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị - BID Việt Nam làm chủ đầu tư. 

Những tưởng, thay đổi này sẽ làm 63 nhà đầu tư góp vốn trút bỏ được gánh nặng sau 7 năm mất ăn mất ngủ. Nhưng, trái với kỳ vọng, nhóm khách hàng này lại bị chủ đầu tư liên tục đề nghị tăng giá bán căn hộ cho các khách hàng góp vốn ban đầu từ 18,5 triệu đồng/m2 lên thành 33 triệu đồng/m2.

"Con giun xéo lắm cũng quằn", nhóm khách hàng góp vốn mua nhà dự án từ 7 năm trước đã phải căng băng rôn dưới chân công trình “đấu tranh” để đòi quyền lợi. Thừa nhận những đắng cay phải trải qua khi mua nhà vì lúc "xuống tiền" không tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan, một phần vì theo cảm tính, chị Thu chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản có tiền nhàn rỗi thì đầu tư vào BĐS để kiếm lời. Vì vậy, thấy bạn bè rủ mua nhà dự án, tôi cũng đặt cọc theo cho nên mới 'dính' vào một dự án có chủ đầu tư yếu kém như vậy”. 

Theo người phụ nữ 45 tuổi này, sau khi gặp phải lùm xùm với dự án trên, suốt 7 năm theo đuổi vụ việc, tìm gặp không biết bao nhiêu luật sư, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, buộc phải tự tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan, hiện chị đã nắm khá kỹ các chính sách và quyền lợi tối thiểu của khách hàng khi "xuống tiền" tại một dự án BĐS. 

Còn chị Thanh Mai, một khách hàng đang có nhu cầu mua căn hộ chung cư tại Hà Nội cho biết, sau rất nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các cư dân tại hàng loạt khu chung cư thời gian qua đã khiến gia đình chị cẩn trọng hơn khi lựa chọn dự án để mua nhà.

“Trước khi có ý định mua nhà tại dự án nào, tôi đều phải tìm hiểu kỹ về giấy tờ pháp lý của dự án, thậm chí sau khi xem xét kỹ và có ý định đặt cọc mua nhà dự án tôi thường tìm hiểu xem mảnh đất đó ở đâu, pháp lý thế nào, thậm chí thuê luật sư tư vấn”, chị Mai cho hay. 

Ý thức hơn về quyền lợi của mình trong các giao dịch BĐS 

Có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với các khách hàng liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, luật sư Lại Thu Trang, Công ty Luật Hợp danh Minh Bạch, Hà Nội đưa ra đánh giá rằng nếu trước đây người dân chỉ biết đến mua BĐS thông qua việc mua bán để tích đất, chống trượt giá, số ít là mua căn hộ tập thể do Nhà nước xây dựng thì hiện nay, với việc các dự án đầu tư BĐS, nhà chung cư mọc lên như nấm,  khách mua hàng đã nhắm đến việc mua nhà, đất để ở và đầu tư tại các dự án của các doanh nghiệp lớn trong nước. 

Sau một thời gian thị trường BĐS Việt Nam trở nên sôi động, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án đầu tư, xây dựng BĐS của nhà đầu tư trên cả nước, khái niệm mua nhà hình thành trong tương lai đã trở nên phổ biến.

Ở giai đoạn đầu, khách mua còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu thông tin, mua bán dựa trên cảm tính về mức lợi nhuận hay nhu cầu sử dụng, không đặt cao tính pháp lý, đặt toàn bộ niềm tin vào nhà đầu tư, chưa có kinh nghiệm trong mua bán, cũng như chưa thể lường trước những điểm bất lợi, thiệt hại có thể gặp phải, những rủi ro đến từ khách quan chính sách hoặc từ chủ quan của chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Thậm chí có người mua đã hạ bút ký kết hợp đồng mà không hề nhận thấy có những điều khoản bất lợi cho mình từ hợp đồng mẫu của chủ đầu tư. 

Có khách mua lại không nắm chắc các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà trong trường hợp các dự án bị chậm tiến độ hay việc quản trị đối với các khối nhà chung cư sau bàn giao... 

Tuy nhiên, theo luật sư Lại Thu Trang, từ rất nhiều sự cố rủi ro, thiệt hại gặp phải trên thực tế sau một thời gian tham gia mua nhà dự án BĐS đã đem đến cho khách hàng những kinh nghiệm thực tế “xương máu” cần phải tránh. 

Theo luật sư Lại Thu Trang, điểm khác biệt nhất ở thời điểm hiện tại so với thời gian cách đây 5 - 6 năm trước là khách hàng đã thực sự quan tâm hơn đến tính chặt chẽ pháp lý của hợp đồng mua bán và ý thức cao hơn về việc bảo đảm quyền lợi của mình trong giao dịch mua bán BĐS. 

“Người mua đã xác định được mình là khách hàng trong giao dịch mua nhà nên họ hiểu quyền lợi của họ phải được đảm bảo. Đồng thời, người mua cũng xác định được mình là chủ nhân của khối BĐS sẽ hình thành trong tương lai nên rất quan tâm đến tổng quan về dự án BĐS, quyền quản lý, sử dụng đối với ngôi nhà mà mình muốn mua sẽ được pháp luật bảo vệ như thế nào, chủ đầu tư là ai, làm ăn ra sao”, luật sư Lại Thu Trang khẳng định. 

Nói như vậy để thấy rằng, đã qua rồi cái thời người có nhu cầu phải tranh nhau, chi ra vài triệu đồng để có được một tấm vé đến tham dự các buổi ra mắt, giới thiệu dự án. Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay dù sôi động nhưng đã "bình tĩnh" hơn rất nhiều so với các cuộc "nóng sốt" trong quá khứ. Khách hàng vì thế cũng đã nhận thức được vai trò "thượng đế" của mình, biết được vị trí mình ở đâu trong các giao dịch BĐS. Có thể không thể yêu cầu họ ngay lập tức phải tinh thông, thông thái khi mua bán. Tuy nhiên, sẽ không có gì là quá đáng nếu tin tưởng rằng các "thượng đế" trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay đang ngày càng chủ động hơn trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình. 

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top