"Bội tín" với khách hàng
Chuyện là cuối tháng 3 vừa qua, một nhóm khách hàng đã cầm băng rôn, khẩu hiểu đứng ngay dưới chân công trình dự án Bidhomes The Garden Hill, số 99 Trần Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) “đấu tranh” đòi quyền lợi với chủ đầu tư.
Sở dĩ có sự việc này là do cách đây 7 năm, hơn 63 khách hàng góp vốn mua nhà dự án này với mức giá thỏa thuận ban đầu là 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau đó do gặp khó khăn về tài chính cũng như người đứng đầu dự án cũ vi phạm pháp luật nên dự án bị đình trệ. Sau đó, dự án được “sang tay” cho BID Việt Nam (sau này là BIDGROUP).
Khi chuyển đổi dự án, Công ty Đức Phương và BID Việt Nam cũng đã làm thủ tục chuyển đổi quy mô của Bidhomes The Garden Hill và chuyển đổi tính chất dự án từ đất thuê 50 năm trả tiền thuê 5 năm một lần thành đất ở lâu dài.
BID cũng cam kết kế thừa toàn bộ nội dung thỏa thuận từ góp vốn hợp tác đầu tư ngày 24/10/2009 kèm theo phụ lục được ký kết giữa Công ty Đức Phương và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị mới Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó, nhóm khách hàng cũ liên tục bị chủ đầu tư mới ép giá từ 18,5 triệu đồng/m2 ban đầu lên 24,3 triệu đồng/m2. Sau đó, lại tiếp tục nâng lên mức từ 30,9 - 33,5 triệu đồng/m2 (tùy từng căn hộ).
Việc thay đổi từng bước tính chất, quy mô và chủ đầu tư đang khiến những khách hàng góp vốn vào dự án những năm trước đây lâm vào thế yếu. Cùng với đó, việc chủ đầu tư liên tục đưa ra các mức giá khác nhau vênh gần gấp đôi so với giá ban đầu đã khiến nhiều khách hàng cũ bức xúc và đi khiếu kiện khắp nơi.
Thực ra, trong nhiều năm gần đây, câu chuyện của Bidhomes The Garden Hill nêu trên không hiếm gặp trên thị trường BĐS. Chuyện khách hàng phải “ngậm trái đắng” vì đặt niềm tin lầm vào những chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính và xây dựng đã và đang xảy ra như cơm bữa.
Hậu quả của vấn đề này rất lớn, nó không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn làm mất niềm tin vào thị trường BĐS. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những quy định và sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Đồng thời, cũng đòi hỏi khách hàng phải ngày một nâng cao cảnh giác hơn, lựa chọn kỹ càng trước khi có ý định đầu tư vào một dự án nào đó.
BIDGROUP đang tự làm khó mình?
Trở lại câu chuyện xảy ra ở Bidhomes The Garden Hill, theo tìm hiểu của Reatimes, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Đô thị (BID Việt Nam – sau này đổi tên thành BIDGROUP), được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng.
Sau khi được thành lập, từ năm 2007 - 2010, công ty này chủ yếu tham gia vào lĩnh vực thầu xây dựng công trình thủy điện, đê kè, các dự án hạ tầng cơ sở. Cho đến tận năm 2010, công ty này mới “tập tành” thi công một số hạng mục trong các dự án nhà ở thu nhập thấp tại TP. Huế và tỉnh Bắc Ninh.
Đến những năm 2011-2012, BIDGROUP mới đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp, đồng thời mở rộng hoạt động “lấn sân” sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh phát triển BĐS.
Hai năm sau đó (2013-2014), BIDGROUP ký được những hợp đồng lớn trong lĩnh vực thầu thi công xây dựng các dự án BĐS, như dự án thi công xây lắp tòa nhà hỗn hợp AZ Sky tại khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và dự án chung cư CT Number 1 tại khu đô thị Vân Canh (Mỹ Đình, Hà Nội). Tới năm 2015, BIDGROUP chuyển đổi thành mô hình tập đoàn.
Theo tìm hiểu của Reatimes, sau khi “lấn sân” sang lĩnh vực BĐS, BIDGROUP đã mua lại dự án tòa nhà đa năng Đức Phương, sau đó tìm mọi cách xoay sở điều chỉnh lại dự án từ 1 tòa nhà đa năng với 11 tầng ban đầu, thành 2 tòa tháp cao từ 27-29 tầng. Việc điều chỉnh này theo một cò môi giới nhà đất đã khiến BIDGROUP phải chi ra khá nhiều tiền.
Hiện ngoài dự án 99 Trần Bình (Hà Nội), BIDGROUP đang lên kế hoạch đầu tư 2 dự án khác: Bidhomes Reverside ở TP. HCM và Bidhomes Eden Gardens ở TP. Thái Bình và Hà Nội.
Theo thông tin từ phía khách hàng mua nhà tại Bidhomes The Garden Hill, đến thời điểm này, hầu hết khách hàng đã ký hợp đồng đều bị chủ đầu tư ép mức giá 23,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để ký được mức giá trên, chủ đầu tư còn ra điều kiện, buộc khách hàng góp vốn không được tính lãi số tiền họ đã góp vào dự án suốt 7 năm qua.
“Với mức giá chủ đầu tư đưa ra, nếu cộng với tiền lãi 7 năm thì giá sẽ nâng thêm 1,5 giá nữa. Như vậy, khách hàng góp vốn trước vẫn phải mua với mức giá gần 26 triệu đồng/m2”, chị Thu một khách hàng mua căn hộ tầng 6 nói. Hiện mức giá chủ đầu tư đang rao bán là từ 27-29 triệu đồng/2.
Công bằng mà nói, việc BIDGROUP “nhảy” vào 99 Trần Bình đã cứu dự án này thoát khỏi “vũng lầy” không biết bao giờ mới có thể giải quyết được do chủ đầu tư cũ có năng lực yếu kém.
Tuy nhiên, việc sau khi tiếp quản dự án, BIDGROUP liên tục có văn bản gửi đến nhóm khách hàng cũ, tăng giá từng bước và sau đó là áp mức giá tăng gần gấp đôi so với giá cũ mà không có sự thỏa thuận, thảo luận với khách hàng cho thấy mức độ thiếu chuyên nghiệp và cách kinh doanh không uy tín, kiểu làm ăn “chộp giật” của công ty này.
Trước việc BIDGROUP ép giá khách hàng cũ, một số ý kiến cho rằng, chủ đầu tư hoàn toàn có quyền đòi hỏi khách hàng phải tăng giá mua nhà vì họ đã bỏ tiền ra điều chỉnh quy hoạch và dự án.
Nếu nói như vậy cũng cần phải hiểu rằng, việc chủ đầu tư bỏ tiền ra để điều chỉnh quy hoạch từ một tòa nhà đa năng chỉ có 11 tầng ban đầu, sau đó Bidgroup đã “vẽ” ra thành 2 tòa nhà cao từ 27-29 tầng. Như vậy, số căn hộ dịch vụ đã tăng gấp 3 lần. Việc này đồng nghĩa với lợi nhuận từ dự án cũng tăng gấp 3 lần (?).
Đó là chưa kể, việc điều chỉnh dự án từ một tòa đa năng 11 tầng thành 2 tòa chung cư cao cấp cao từ 27-29 tầng này chắc chắn sẽ lấy đi rất nhiều không gian chung của các cư dân, gây áp lực rất lớn đến không gian kiến trúc, cơ sở hạ tầng của dự án và tăng áp lực lên khu vực xung quanh...
Tuy nhiên, sự việc có lẽ đã không quá ầm ĩ suốt những ngày qua nếu giữa khách hàng và chủ đầu tư thật sự có tiếng nói chung. Do không có sự thương thảo trước mà liên tục bị chủ đầu tư gửi văn bản ép giá nên nhiều người đã mang theo băng rôn đấu tranh đòi quyền lợi ngay tại chân công trình. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp, nhất là một doanh nghiệp vừa “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực BĐS như BIDGROUP.
Rõ ràng, trong cơ chế thị trường hiện nay, khi mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp BĐS mới ra đời, thì việc giữ được chữ tín với khách hàng là điều tối quan trọng với hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Thế nhưng, dù mới đang "khai sinh đứa con đầu lòng", BIDGROUP đã "quay lưng", “bội tín” và hành xử kém với khách hàng.
Rõ ràng, BIDGROUP đang tự gây khó khăn cho chính mình?!