Aa

Khi vượt qua dịch Sars, Việt Nam đã phát triển thời kỳ hoàng kim ngay sau đó!

Thứ Ba, 05/05/2020 - 14:58

"Hôm qua, KPMG đã có cuộc họp với một số khách hàng lớn ở Việt Nam. Tất cả họ đều nói về việc Covid-19 đã cho phép họ đẩy nhanh những mục tiêu mà trước đây họ từng dự kiến sẽ mất nhiều năm để đạt được".

 Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của KPMG tại Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của KPMG tại Việt Nam.

Những khách hàng này, họ nói về việc áp dụng công nghệ mới, phát triển các sản phẩm mới, tránh xa những thứ không thực sự hiệu quả. Ở Việt Nam, một số luật đã được nới lỏng, cho phép thực hiện những mô hình kinh doanh mới - từng rất khó khăn để xin phép hoạt động trước đây. Nhiều công ty đang tận dụng điều đó.

Ông Warrick Cleine làm việc tại Việt Nam từ năm 1998. Ông cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại New Zealand tại Việt Nam. Bên cạnh vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của KPMG tại Việt Nam và Campuchia, ông Warrick còn đảm nhận nhiều vị trí quan trọng khác trong mạng lưới KPMG, bao gồm: Trưởng bộ phân Tư vấn Thuế - Việt Nam và Campuchia; Trưởng Bộ phận Tư vấn Thuế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Để nói rằng có lạc quan hay không, tôi cũng cảm thấy khá lạc quan. Nhưng xem những tin tức từ SKY-TV UK, bây giờ tình hình ở Anh đang rất tệ. Nếu cả ngày chỉ nhìn vào tin tức ở những nơi tiêu cực đó, bạn sẽ tưởng như trời sắp sập" - Giám đốc này cho biết. "Đó chính là điểm khác biệt, và chúng tôi đang rất bận rộn ở KPMG, khách hàng đang liên tục gọi điện, mọi thứ đang chuyển động".

"Tôi từng trải qua dịch Sars ở Việt Nam" - ông Warrick chia sẻ, "một tình huống tồi tệ, nhưng một khi vượt qua dịch bệnh, Việt Nam đã phát triển với thời kỳ hoàng kim ngay sau đó".

PV: Việt Nam đang được ca ngợi như một câu chuyện thành công chống lại căn bệnh. Việt Nam đã làm điều đó như thế nào?

Ông Warrick Cleine: Họ thấy được dịch bệnh đang đến. Họ đã từng xử lý Sars và các loại virus khác lây lan từ Trung Quốc và hành động sớm, nhiều tháng trước khi các quốc gia phương Tây nhận ra điều gì đang xảy ra.

Tôi nghĩ một điều nữa là Chính phủ Việt Nam rất giỏi trong việc tuyên truyền và giáo dục người dân... Tất cả các tấm áp phích khổng lồ đã chuyển sang hình ảnh chống Covid-19, ca ngợi các y tá và bác sĩ, cũng như thúc đẩy giãn cách xã hội. Người dân ủng hộ chính sách giãn cách xã hội ngay lập tức, họ đã hỗ trợ Chính phủ.

Áp phích cổ động chống Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: VNA

Thử nghiệm ở Việt Nam cũng đã lên đến con số tương đối lớn. Đã có tới 70 nghìn người ở đây thực hiện cách ly trong khu cách ly tập trung. Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc theo dõi và truy tìm liên hệ trực tiếp của các ca dương tính.

Họ rất thông minh. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một trong những nơi đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Dù vào thời điểm đó, mọi người không có bất kỳ lý do nào để đóng cửa biên giới với Trung Quốc. 

Không ai thắc mắc về việc giãn cách xã hội, nó không quá nghiêm ngặt, nhưng nhìn chung mọi người tự có ý thức ở nhà và giữ cho xã hội giãn cách. 

PV: Việt Nam có thể bùng nổ với việc các công ty muốn chuyển hướng từ Trung Quốc sang một quốc gia an toàn hơn không?

Ông Warrick Cleine: Vâng, nhưng đây đã là câu chuyện của Việt Nam trong vài năm qua - khi ông Trump là người khởi xướng việc rời Trung Quốc.

Vẫn còn quá sớm để nói rằng Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ, nhưng các công ty đang xem xét chuyển năng lực sang Việt Nam. Chúng tôi đang thấy rằng có mối lo ngại lớn giữa các khách hàng về rủi ro chính trị ở Trung Quốc, cũng như sự xung đột của nhiều quốc gia đối với Trung Quốc.

Với Nhật Bản chẳng hạn, chúng ta đang thấy Chính phủ Nhật chi hàng tỷ USD để giúp các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Và họ sẽ đến Việt Nam - nơi nằm trong CPTPP với Nhật Bản và các nước khác. Cũng như có nhiều thuận lợi về mặt giảm chi phí... Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều thỏa thuận thương mại với EU và các hiệp định khác, đó sẽ là một câu chuyện lớn trong tương lai. IMF đang mong đợi một cú hích lớn trong tăng trưởng tại Việt Nam vào năm tới.

PV: Cú hích đó có phải là đầu tư của Nhật Bản vào điện tử, ô tô hay là lĩnh vực nào khác?

Ông Warrick Cleine: Phần lớn là đồ điện tử, những mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghệ chuỗi thực phẩm từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, những thứ như robot, phụ tùng máy bay, các sản phẩm như thế...

PV: Nhìn vào các sản phẩm của New Zealand xuất sang Việt Nam tại thời điểm này, ông thấy gì?

Ông Warrick Cleine: Chà, hôm nọ tôi đã đi siêu thị, và thật tuyệt khi thấy các sản phẩm sữa của New Zealand ở đó. Chủ yếu các sản phẩm xuất khẩu vẫn là gỗ, thực phẩm...

Tôi nghĩ rằng chuỗi cung ứng của New Zealand, với các công ty như Fonterra là ổn, sản phẩm của họ đang có mặt trên thị trường. Một số lĩnh vực dịch vụ đã bị ảnh hưởng, các công ty giáo dục sẽ gặp khó khăn - nhưng hàng hóa thì không khó nhiều.

PV: 5 năm tới, Việt Nam sẽ ra sao?

Ông Warrick Cleine: Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển đều, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp và còn một chặng đường dài phải đi. Nhưng Việt Nam đã xác định được vận mệnh của chính mình và con đường phía trước từ chính nơi họ đang đứng.

Họ quyết tâm tránh những sai lầm của các quốc gia châu Á khác, và tôi cảm thấy lạc quan rằng họ sẽ đến đích. 

Chính phủ Việt Nam ngay bây giờ đang cởi mở chưa từng có trong nhiều năm, và điều đó đã cho họ sự can đảm để tiến lên.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau Covid-19, họ sẽ là một thị trường quan trọng đối với New Zealand và cho đến năm 2040, họ sẽ ở trong thời kỳ nhân khẩu học vàng (2 người làm việc/ 1 một người không làm việc) và đó là một cơ hội tuyệt vời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top