Aa

Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đối mặt nguy cơ phá sản

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Chủ Nhật, 15/03/2020 - 12:00

Mặc các sale khản cổ mời chào, lượng giao dịch ghi nhận ở các dự án đang chào bán rất èo ọt. Mặt bằng chung, các chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản đang rơi vào thế ảm đạm chưa từng có.

Dịch Covid-19 lan nhanh trên khắp thế giới và diễn biến khó lường. Sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Trước tình hình này, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại lớn nhất là ngành du lịch khi số lượng khách du lịch ghé đến Việt Nam thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hàng trăm công ty về du lịch buộc phải cho nhân viên làm việc tại nhà, hưởng tiền trợ cấp ít ỏi hoặc chấp nhận cho nhân viên nghỉ việc để tạm thời đóng cửa “nghỉ đông”. Hàng trăm hàng quán ở các TP lớn đóng cửa vì thiếu nhân viên, thiếu khách đến quán…

Chịu chung số phận trên, thị trường bất động sản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia nhận định rằng quá trình tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Ghi nhận vào cuối năm 2019, hàng chục cuộc họp do chính quyền TP.HCM chủ trì đã đề xuất những hướng đi mới cho thị trường. Các lãnh đạo TP cũng hứa sẽ quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Mới đây nhất là vào ngày 22/2, tại cuộc họp giữa UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 19 lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành lập tức tìm phương án tháo gỡ cho hàng trăm dự án bị ách tắc.

Nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản vì dịch Covid-19

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng đề nghị các sở ngành mỗi tuần phải họp liên tục để gỡ ít nhất 3 - 4 dự án. Trong trường hợp cần thiết chủ tịch TP.HCM yêu cầu họp ngoài giờ để “gỡ cho bằng hết”. Sau cuộc họp, những tưởng thị trường sẽ đón những điểm sáng vào đầu năm 2020 thì thực tế lại đang trái ngược hoàn toàn.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù chính quyền từng ra quyết tâm phải nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhưng hiện tại gần như tất cả các cơ quan hành chính đều đang phải tập trung chống dịch, nhiều cuộc họp quan trọng bị tạm hoãn. Mới đây nhất, cuộc họp Trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì dự kiến diễn ra vào ngày 6/3 để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng đã bị hoãn lại.

Trong khi đó, chỉ trong vài tháng đầu năm 2020 có hàng chục doanh nghiệp gửi đơn thư cầu cứu đến cơ quan chức năng. Tại Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hơn chục văn bản kiến nghị được gửi đi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi về phương án tháo gỡ.

Một lãnh đạo doanh nghiệp ở TP.HCM tiết lộ, hơn hai tháng qua dù nhân viên sale cố gắng chào bán các sản phẩm cũ nhưng công ty không ghi nhận giao dịch mới nào. Thậm chí, nhiều nhân viên kinh doanh phải dùng phương án gọi điện, nhắn tin liên tục đến các khách hàng cũ “cầu cứu” nhưng hầu hết khách hàng đều từ chối gặp mặt do lo ngại nhiễm dịch Covid-19.

Trong khi đó, để đảm bảo công ty vẫn hoạt động bình thường thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải gồng gánh nhiều khoản chi phí như tiền lương, tiền mặt bằng, chi phí điện nước… và rất nhiều những khoản chi phí trong tháng khác nên vô cùng khó khăn. Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở TP.HCM, không ít người trong giới chuyên môn nhận định rằng có lẽ thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng tới. Nếu dịch bệnh cứ tiếp tục kéo dài, rất có thể nhiều doanh nghiệp “đuối sức” sẽ phải tính đến nước phá sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top