Aa

Khó như dữ liệu bất động sản

Thứ Năm, 01/08/2019 - 14:00

Khó như dữ liệu bất động sản; Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gặp mặt đại diện Ngân hàng thế giới; Đôi lời chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh... là những tin tức được chú ý 24h qua.

Khó như dữ liệu bất động sản

Từ năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 623/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020”, trong đó có phân hệ về dữ liệu giá thị trường bất động sản.

Không chỉ Bộ Tài chính, trước đó quy định tại Thông tư số 20/2010 của Bộ Xây dựng, đáng ra 4 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đã phải công bố chỉ số giá bất động sản từ quý III/2011.

Chỉ số này được kỳ vọng là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc quản lý thị trường bất động sản tại địa phương. Người dân, nhà đầu tư có thể nắm rõ hơn xu hướng biến động trên thị trường nhờ chỉ số giá bất động sản. Thế nhưng, tới nay đã 8 năm mà các thành phố này đều chưa thể đưa ra những con số dư luận đang mong chờ.

Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã nhiều lần đốc thúc các địa phương khẩn trương công bố chỉ số đánh giá thị trường theo quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-BXD song mới chỉ là lời hứa hẹn.

Trong bối cảnh thị trường tù mù, kém minh bạch như hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều ủng hộ việc công bố chỉ số giá bất động sản. Thế nhưng, yêu cầu trước hết vẫn phải là tính chính xác của chỉ số. Nhiều người lo ngại rằng, nếu chỉ dựa vào số liệu do các chủ đầu tư hay các sàn giao dịch cung cấp là không ổn bởi họ có thể tranh thủ “thổi” giá thị trường.

Hiện trên thế giới, nhiều nước cũng đã công bố chỉ số giá bất động sản. Chẳng hạn, tại Mỹ, chỉ số giá nhà ở tại Mỹ (Chỉ số OFHEO) do Cơ quan Tài chính nhà ở Liên bang (FHFB) và Cơ quan Giám sát doanh nghiệp nhà đất Liên bang (OFHEO) công bố điều chỉnh giá theo quý. Cơ sở xây dựng chỉ số giá là sử dụng dữ liệu từ các khoản thế chấp để mua nhà và tái tài trợ thông qua hai công ty cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gặp mặt đại diện Ngân hàng thế giới

Sáng ngày 31/7, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam đã có buổi tiếp xúc với đại diện Ngân hàng thế giới (WB).

Tham gia tiếp đoàn đại diện Ngân hàng thế giới cùng Chủ tịch Nguyễn Trần Nam có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch VNREA; ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA; ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng một số thành viên Hiệp hội.

Tại cuộc gặp mặt, ông Lewis J. Allen, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ: “Mục đích cuộc gặp mặt hôm nay là cập nhật công tác hỗ trợ Hiệp hội về định giá tài sản. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn lắng nghe cập nhật thị trường bất động sản Việt Nam từ Hiệp hội cũng như những thông tin khác để chúng tôi có thể hỗ trợ”.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề thẩm định tài sản, ông Lewis J. Allen cho biết, WB đã thực hiện 3 khoá học về đánh giá tài sản. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ nhiều đơn vị định giá tài sản. Những nội dung thẩm định này hầu như đều diễn ra thực tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ, một trong những phát hiện của WB là không phải thẩm định viên nào cũng hiểu rõ và có thể diễn giải những báo cáo trong thẩm định tài sản. Vì vậy, WB đang trao đổi với Bộ Tài chính để có thể hỗ trợ, tăng năng lực của thẩm định viên nhằm nâng cao công tác thẩm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm nữa, lý do WB gặp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là WB đang quan tâm đến dữ liệu thông tin thị trường bất động sản Việt Nam trong đó có loại tài sản phức hợp đang xây dựng cơ sở dữ liệu, WB muốn nghe ý kiến từ VNREA để có thể đóng góp và hỗ trợ.

Chia sẻ với đại diện WB, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho hay: “Trước hết xin cảm ơn WB vì đã có hỗ trợ trong việc làm sạch thông tin thị trường cũng như cách quản lý tài sản. Trước đó cũng đã có 2 đoàn của WB đến làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam”.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Đôi lời chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Vùng đất Quảng Ninh vốn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tôi, không chỉ là kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long, không chỉ là vòng cung mỏ than Đông - Bắc hùng vĩ, không chỉ là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước... mà còn là một điển hình nổi trội trong công cuộc cải cách hành chính.

Mới đây, nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố: Với 70,36 điểm, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng PCI, với nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính.

Rất ấn tượng! Nếu may mắn, trong thời gian sắp tới, đảo Vân Đồn mà được trở thành đặc khu kinh tế thì tôi tin rằng, Quảng Ninh sẽ có cơ hội cất cánh cao hơn, xa hơn nữa.

Thế rồi lại tin vui mới hơn, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Vui là bởi lẽ, ông là một trong những vị Chủ tịch tỉnh, thành phố trẻ nhất cả nước. Ông lại vốn là một doanh nhân thành đạt tại một ngân hàng cũng vào hàng lớn nhất cả nước. Ai cũng hy vọng, ông sẽ trở thành chiếc đầu tàu kế thừa những truyền thống tốt đẹp để đưa Quảng Ninh lên tầm cao mới.

Chính vì thế, bản thân tôi cũng mong ông thành công trong cương vị mới này.

Nhưng mấy hôm gần đây, nhiều người dân ở Quảng Ninh đã có đơn thư khiếu nại, rồi “kêu cứu” đến các phương tiện thông tin đại chúng về một quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh đã đẩy quyền lợi chính đáng của người dân sang phía bất lợi, giành phần an toàn cho phía chính quyền.

Quả là điều lạ. Liệu một địa phương đạt quán quân trong 2 năm liền về “chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính” kia có thể phạm một sơ suất hoặc sai lầm nào đó chăng?

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp lao đao vì nguồn cung bất động sản giảm mạnh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thống kê từ HoREA cho thấy năm 2019 là năm có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tức 29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018). Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền được đưa ra thị trường. ​

Theo HoREA, sự sụt giảm nguồn cung đã tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế rủi ro, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Chưa kể, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua, thuê nhà, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Ngoài ra, sự sụt giảm nguồn cung của thị trường bất động sản hơn 2 năm qua cũng tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách thành phố hiện nay và có thể cả trong thời gian tới do "độ trễ" của quá trình thực hiện dự án.

Riêng trong năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng (giảm 16,8%). Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng (giảm 22,5%).

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Vì sao đến lúc khó khăn doanh nghiệp địa ốc mới phát hành trái phiếu?

Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán, có khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong nửa đầu năm nay. Báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, con số này khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn một phần ba lượng phát hành thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Giới quan sát cho rằng, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp địa ốc đã có cuộc đua phát hành trái phiếu đầy cạnh tranh khổng chỉ là sự gia tăng về quy mô những đợt phát hành mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến. Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh ngưỡng 7 - 8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11 - 13%, cá biệt có những đợt phát hành gần 14,5%.

Nhiều đánh giá cho rằng, cuộc chạy đua phát hành trái phiếu xuất phát từ nhu cầu huy động vốn. Theo đó, kể từ thời điểm cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đưa ra dự thảo mới, thay thế Thông tư 36, đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản với nội dung: Giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng trị giá trên 3 tỷ đồng.

Trước bối cảnh thắt chặt tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu về nguồn vốn để phát triển dự án gia tăng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã nhanh chóng lên chiến lược đa dạng hóa các kênh huy động vốn. Chiến lược phát hành trái phiếu là xu hướng tất yếu của nhiều doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm “Đón sóng cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng cuối năm 2019” diễn ra tại TP.HCM ngày 30/07, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu tăng lên chiếm 27% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành 67.000 tỷ đồng).

Điểm đặc biệt, có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xem thông tin chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top