11h30: TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu kết luận Tọa đàm.
"Hôm nay chúng ta nói về doanh nhân nhưng không chỉ là doanh nhân mà còn là số phận, vận mệnh của dân tộc, đất nước.
Ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào, việc tạo lập cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân cũng là quan trọng nhất. Dân không giàu thì đất nước không thể mạnh, mà không mạnh thì không thể tự chủ được.
Trong giai đoạn phát triển vừa qua, chúng ta đã thực hiện được sự nghiệp vĩ đại là thống nhất đất nước, thoát nghèo, trở nên giàu có hùng mạnh.
Trong cuộc chiến vệ quốc thì nhân vật trung tâm là bộ đội cụ Hồ.
Trong sự kiện thoát nghèo thì nhân vật trung tâm là doanh nhân. Doanh nhân phải là người bỏ vốn chịu rủi ro, tạo công ăn việc làm cho đất nước này.
Lời PGS.TSKH Võ Đại Lược có chia sẻ bí quyết của Nhật Bản: Chính phủ hết lòng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, nhưng tôi thấy câu nói của Bác Hồ còn hay hơn, Bác nói rằng nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là sự kinh doanh, nền công thương thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới thương nhân xây dựng và phát triển.
“Kỳ thị người làm giàu là thất bại của dân tộc” - cần thay đổi tư duy kỳ thị người giàu. Đừng để doanh nhân bị lôi kéo vào các nhiệm vụ khác như ông Nguyễn Trần Bạt đã nói.
Doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản đang là những doanh nhân dẫn đầu. Bất động sản vẫn là bước đi đầu tiên của các doanh nhân lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp bất động sản dẫn dắt sự phát triển của thị trường. Từ đó chúng ta cần yểm trợ, phát triển, coi các doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới trở nên giàu mạnh.
10h10: Nhà văn Nguyễn Thành Phong điều phối phiên thảo luận Tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với tinh thần dân tộc với sự tham dự của các chuyên gia, nhà báo, nhà văn.
Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup: Về câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, thì theo tôi doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Còn để đồng hành thì đó là câu chuyện lớn. Nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước là những gì cao sang, lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng theo tôi nó đơn giản, nằm ở lúc ngay bắt đầu. Như anh Phạm Nhật Vượng ở Ukraina bắt đầu từ con số 0, điều quan trọng là ngay lúc ấy nghĩ đến việc khởi nghiệp để làm gì, cho mình hay cho cộng đồng, cho bạn bè…
Làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân. Sự đóng góp ở đây không hẳn là đóng bao nhiêu thuế, làm từ thiện bao nhiêu mà là khi bắt đầu làm gì mình luôn nghĩ rằng làm điều đó thì xã hội được gì, đất nước được gì.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Reatimes phát động chương trình như vậy rất hay. Làm như thế này, chúng ta sẽ có thể bàn được nhiều điều. Vingroup sẽ đồng hành cùng chương trình này.
PGS. TSKH Võ Đại Lược: Trải qua quá trình phát triển, đến nay chúng ta đã xem khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Doanh nghiệp tư nhân hiện chỉ chiếm khoảng 8% GDP. Trong khi đó khu vực kinh tế gia đình chiếm tới trên 30%, kinh tế gia đình chỉ mang tính chất ổn định còn muốn bứt phá phát triển phải là khu vực kinh tế tư nhân.
Nhưng với chính sách hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ không gian phát triển. Đơn cử, lãi suất cho vay của chúng ta 10%, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta có sống được không, trong khi ở nước ngoài như Nhật mức này chỉ 2 - 3%.
Cho nên tôi có kiến nghị với ông Nguyễn Trần Nam, ông Vũ Tiến Lộc nên có đề án nghiên cứu đánh giá một cách sâu sắc khu vực tư nhân Việt Nam – doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và có kiến nghị cụ thể với Đảng và Nhà nước.
Không thể tách doanh nghiệp tư nhân ra khỏi khu vực kinh tế, phải xem đó là động lực, chủ lực của nền kinh tế của chúng ta.
TS. Nguyễn Xuân Phong – Trưởng khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Theo tôi thứ nhất, làm sao lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân khớp được với nhau thì đấy là vai trò của Nhà nước, tạo ra luật chơi, sân chơi chia sẻ giữa người dân và doanh nghiệp.
Thứ 2 là vai trò của doanh nghiệp mấu chốt là chúng ta cần làm cho xã hội thay đổi nhận thức về doanh nghiệp, doanh nhân, ngày một tích cực hơn.
Nhà văn Tạ Duy Anh: Trong lịch sử chưa có một thành phần nào phát triển khó khăn như doanh nhân, doanh nhân luôn bị kỳ thị, bị gọi là con buôn. Các chính sách chưa tạo ra không gian tự do cho doanh nhân kinh doanh, vẫn tạo nên một khuôn khổ cứng nhắc.
Tôi cho rằng chúng ta cần đề xuất để đưa ra những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
Khía cạnh thứ hai là phải xóa bỏ bằng được tâm lý kỳ thị người giàu của dân mình. “Phi thương bất phú”, giúp nhau phát tài nhưng dường như dư luận xã hội chúng ta lại ghét người có tiền, khi người ta hơn mình rất ghét nhưng rồi khi người ta thua mình thì lại cười chê.
Chúng ta cần có tầm nhìn rộng rãi hơn về những người làm doanh nghiệp, kinh doanh. Doanh nhân sai phạm chúng ta sẽ xử lý nghiêm khắc nhưng phải có định hướng, tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp chân chính phát triển.
Một người nông dân đói kém cả cộng đồng thương hại, nhưng khi một doanh nhân, doanh nghiệp – nuôi cả vạn lao động, bị sụp đổ, kéo theo cả vạn người thất nghiệp – thì tại sao ta lại cười, mỉa mai sự sụp đổ ấy của họ?
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Thời kỳ mới muốn phát triển được thì cứ nhìn ông Phạm Nhật Vượng để suy ra, hãy nắm rõ luật, hiểu luật Việt Nam và thế giới để tìm kiếm cơ hội phát triển.
Doanh nhân là người biết làm giàu cho mình nhưng cũng cần làm giàu cho đất nước. Như tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn ở tâm thế muốn cống hiến cho đất nước. Một doanh nhân lớn như vậy có thể giải quyết vấn đề công việc cho hàng nghìn con người. Chúng ta có quyền tự hào về những thế hệ doanh nhân mới như ông Vượng.
Tuy nhiên tôi thấy một trong những điểm yếu của chúng ta hiện nay là khâu liên kết hỗ trợ. Doanh nhân Việt Nam hiện nay hỗ trợ nhau dường như chưa được hiệu quả.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Nhà đầu tư: Vai trò của doanh nhân đến giờ đã khá rõ, đỉnh cao là Nghị quyết 10 phát triển kinh tế tư nhân thành động lực của đất nước cho thấy vai trò của kinh tế tư nhân, do doanh nhân tạo ra; dù trong thực tế vẫn có sự phân biệt đối xử.
Làm thế nào để doanh nhân đồng hành cùng dân tộc và trở thành động lực phát triển của đất nước, Dự án truyền thông này của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nên có câu trả lời cho câu hỏi này.
Làm thế nào để doanh nhân trở thành động lực của nền kinh tế thì còn vô vàn những khó khăn. Đặc biệt là môi trường quản lý, các yếu tố pháp lý như Luật Đầu tư.
Cần giải quyết câu hỏi làm sao xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, thị trường… cho doanh nghiệp.
9h50: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu tham luận: Doanh nhân Việt Nam: Thành công, thất bại, hạnh phúc và nhân văn.
Người Làng Chùa chúng tôi có câu: Không có ăn thì không thể bước đi, không có chữ thì không bao giờ nhìn thấy đường. Hai vế này bỏ điều nào đi sẽ thất bại hoàn toàn. Không có vật chất sẽ không có khả năng làm gì cả. Có vật chất rồi mà không có chữ, văn hóa, thì cũng không đi đến đâu.
Câu chuyện về Doanh nhân Việt Nam lâu nay đã được bàn rất nhiều. Đã có nhiều ý kiến và đặt câu hỏi: Tại sao từng có giai đoạn chúng ta nhìn nhận doanh nghiệp làm kinh doanh là con buôn?
Thời gian trở lại đây thì khác, tôi có viết về 2 doanh nhân: Nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà - xuất phát điểm là người làm sơn cho hãng sơn Pháp nhưng cuối cùng đã sản xuất ra loại sơn đặc biệt nhất. Người thứ hai là ông Trịnh Đình Kính người làm ra thủy tinh màu đầu tiên. Đó đều là những doanh nhân đã hết lòng vì đất nước.
Mỗi thương hiệu của một cá nhân sẽ tạo thành thương hiệu của gia đình, quốc gia. Những doanh nhân thời đó đã làm những thương hiệu rất lớn.
Thương hiệu Việt Nam có thể nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh, do đó theo tôi giữ được thương hiệu rất quan trọng. Đó là sự thành thật, là chất lượng. Chưa bao giờ trong trí tưởng tượng của giới văn nghệ sĩ chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ có ngày có những nhân vật doanh nhân có khối tài sản lớn như hiện nay, vươn lên tầm thế giới. Thực tế đã chúng minh rằng chúng ta đã có. Đó là sự lớn mạnh của doanh nhân Việt Nam.
9h30: TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phát biểu về xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc.
"Nói về chủ đề doanh nhân Việt, đất nước Việt, tôi xin chia sẻ vài điều:
Hôm nay, tôi muốn nhìn vào tương lai.
Chúng ta đã trải qua 32 năm đổi mới và cải cách, va đập, thành công có, sai lầm có, thất bại có của đất nước. Trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới. Đã có những doanh nghiệp lập các viện nghiên cứu về AI, Big Data… kết quả như thế nào thì còn phải chờ nhưng đó là những chuyển biến đáng kể.
BrandFinance đánh giá cao thương hiệu Việt, doanh nhân Việt. Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, đó là cái giá mà thị trường và công chúng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm, cho doanh nghiệp. Giá trị này được đánh giá dựa vào 2 tiêu chí quan trọng: sáng tạo và mức độ bao phủ thị trường. Chưa kể hàng chục doanh nghiệp xã hội có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đô. Bên cạnh những điều còn lăn tăn nghi hoặc thì doanh nghiệp Việt, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng.
Có 4 điểm mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, start-up, hộ gia đình đang bị cản trở chính là: quyền tài sản, sở hữu; cạnh tranh; tiếp cận các nguồn lực sản xuất về đất, nhân lực xã hội, công nghệ… Và cuối cùng là môi trường kinh doanh, phí tổn cao.
Doanh nghiệp lớn mạnh phải có 4 điều: Thứ nhất là sáng tạo; thứ hai là chi phối được mạng phân phối; thứ ba là thương hiệu toàn cầu; thứ tư là có sức lan tỏa rất lớn. Để đạt được 4 yếu tố trên thì có rất ít doanh nghiệp đạt được.
Nói riêng về câu chuyện thương hiệu, tôi chỉ xin nhắc rằng: Thương hiệu gồm nhận biết cho đến tín dụng và truyền tải, lan tỏa. Đó là cả 1 quá trình dài và phức tạp.
Việc xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt là cả một quá trình, câu chuyện dài.
Thứ nhất là quá trình câu chuyện quá khứ hiện tại tương lai, thương hiệu. Một thương hiệu phải có một cái tích hay.
Thứ hai, thương hiệu là sáng tạo, tôi dẫn câu CEO của Nokia, “mọi thứ chúng ta đang làm đều đúng cả, thế mà chúng ta vẫn có thể thua cuộc”. Trong thế giới đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, chúng ta có thể vẫn đang làm đúng nhưng lại là chưa đúng. Chúng ta có thể lụi tàn, cần sáng tạo. Sáng tạo cần thỏa mãn nhu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: xanh, thông minh, nhân văn và cá tính.
Thứ ba là vấn đề con người. Thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ ở cửa đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Cuối cùng tôi nói về thương hiệu là truyền thông. Vấn đề là ở cách truyền thông, tự tin nhưng đừng khuếch trương quá đáng. Thứ hai là ấn tượng nhưng đừng quá lòe loẹt, thứ ba tâm linh nhưng đừng bị mê hoặc.
Sau 3 cụm từ ấy, quan trọng nhất vẫn là chân thành.
Cuối cùng tôi mong mỏi, chúc giới doanh nhân: Để doanh nhân ngày càng trở thành từ viết hoa đẹp nhất và kinh doanh trở thành ngành được viết hoa đẹp nhất.
9h15: TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu về năng lượng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân Việt Nam.
Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc được tổ chức hướng tới Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đầu tiên, tôi rất ấn tượng với sự kiện hôm nay khi sự kiện có sự góp mặt của cả các nhà văn, nhà văn hoá. Đó là một quyết định tuyệt vời, trước khi là doanh nhân mỗi doanh nhân là một con người, hãy tiếp cận doanh nhân ở góc độ con người và chính những nhà văn, nhà lịch sử mới hiểu các doanh nhân nhất.
Tôi nghĩ có một duyên phận. Đất nước ta có thể nói là truyền thống kinh doanh rất yếu. Kho tàng phản ánh đời sống kinh doanh xã hội chỉ có 2 câu chuyện nói về doanh nhân thôi, nhưng đều là những câu chuyện xấu.
Trong truyện Kiều, doanh nhân là hình ảnh phá hoại gia đình Thuý Kiều. Còn doanh nhân trong thời kỳ kế hoạch hóa sản xuất trung thì bị coi là con buôn con phe. Hình ảnh doanh nhân khá xấu, không đẹp trong tiềm thức của người Việt Nam, doanh nhân bị coi là tiểu nhân, không được coi trọng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, không có họ chúng ta sẽ không thể duy trì cuộc sống bình thường.
Chính Bác Hồ là nhân thân cho tư tưởng đúng đắn, phù hợp với thời đại nhất của doanh nhân Việt Nam. Từ Việt Bắc về, Bác đã ở nhà của 1 doanh nhân, viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Bác tiếp xúc với giới doanh nhân, kêu gọi giới doanh nhân đóng góp cho ngân sách xây dựng đất nước. Như ông Trịnh Văn Bô đóng góp đến 5.000 lượng vàng. Chính quyền cách mạng đã có ngân sách để xây dựng đất nước, giới doanh nhân là ân nhân với chính quyền cách mạng.
Ngày 13/10 là ngày Công thương đoàn thành lập, đó là tuyên ngôn đầu tiên của C ách mạng ta về doanh nghiệp, doanh nhân. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng chính là nền công thương thịnh vượng. Bác Hồ đã nói: Chính phủ và tôi sẽ tận tâm xây dựng thị trường để phát triển giới doanh nhân.
Tôi luôn coi ngày 13/10/2004 là ngày khai sinh ra giới doanh nhân Việt. Sau quyết định của Chính phủ, cộng đồng doanh nhân mới chính thức có tên gọi cho chính mình. Hiện nay cộng đồng doanh nhân đang ở sinh nhật thứ 15, độ tuổi trăng tròn, độ tuổi đẹp nhất.
Giới doanh nhân đã xúc động tuôn trào khi diễu hành qua Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh, đội ngũ doanh nhân, lần đầu được xác lập vị trí của mình trong cộng đồng.
Nói về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, Bác Hồ đã nói xây dựng nền kinh tế là vai trò của doanh nhân. Giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự tương đồng, vị khách đầu tiên của Bác ở Phủ Chủ tịch là doanh nhân, còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức thư cuối cùng Đại tướng để lại là cho giới doanh nhân. Đại tướng đã căn dặn doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong quá trình phát triển đất nước.
Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành. Sự phát triển của giới doanh nhân đã vươn lên. Có hơn 700.000 doanh nghiệp, có 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, như ông Nguyễn Trần Nam nói, doanh nhân Việt Nam vất vả rất nhiều, ngoài những thách thức thương trường thì còn là thách thức ở thể chế. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, hiện giờ chúng ta cần thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo. Luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Phát triển bền vững và chuyển đổi số, chuyển đổi số là nền tảng cho đổi mới và sáng tạo. Chuyển đổi số sẽ là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển.
Trong quá trình phát triển, đô thị hóa chính là động lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng. Trong quá trình này, chính các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bất động sản phát triển đúng hướng sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ. Để phát triển lành mạnh thì cần có vai trò định hướng quan trọng của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.
Phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nhân Việt Nam phát triển. Thế hệ doanh nhân dũng cảm nhân văn nhưng rất sáng tạo. Các doanh nhân đang hoạt động cũng cần phải đổi mới sáng tạo, bắt đầu khởi nghiệp cho một trào lưu mới.
Để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. 30 năm vừa qua chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp.
VCCI sẵn sàng yểm trợ hợp tác cùng Reatimes, cùng các nhà khoa học, nhà văn. Chúng tôi sẽ xây dựng một cơ chế khởi nghiệp thông minh, bảo tồn và phát triển gene của doanh nhân Việt. Chúng tôi mong hy vọng khắc hoạ hình ảnh cộng đồng doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt, là động lực phát triển của đất nước, để lại cho muôn đời sau.
9h10: Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm.
"Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc là việc làm có ý nghĩa đúng thời điểm Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế rất tốt so với tình hình chung của thế giới, đó là nhờ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những sự đóng góp vươn lên khó khăn của giới doanh nhân Việt Nam...
Ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật như chúng ta, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là con buôn. Nhưng giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997- 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó.
Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn.
Đáng mừng là hiện nay, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến giới truyền thông và trong dư luận xã hội, quan điểm với giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tốt dần lên. Mới đây Tổng Bí thư cũng đã có những lời động viên tới giới doanh nhân. Về mặt chủ trương chính sách của Đảng cũng có nhiều hỗ trợ.
Dù là giới doanh nhân phấn đấu đóng góp thế nào, bận rộn thế nào thì cách nhìn nhận của xã hội của truyền thông với doanh nhân cũng rất quan trọng. Và phải khẳng đinh, giới truyền thông gần đây đã nhìn nhận doanh nghiệp, doanh nhân với thái độ khách quan hơn, tích cực hơn. Để có được điều đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực cố gắng mạnh mẽ của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong họat động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng".
9h00: Toạ đàm chính thức bắt đầu với sự tham dự của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Đỗ Viết Chiến, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI); PGS. TSKH Võ Đại Lược; Ông Nguyễn Trần Bạt; PGS.TS Nguyễn Xuân Phong; TS. Nguyễn Hồng Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, ông Lê Khắc Hiệp – PCT Tập đoàn Vingroup; Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư; Nhà văn Nguyễn Thành Phong – điều phối viên Tọa đàm...
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes phát biểu chào mừng và giới thiệu Dự án Truyền thông Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc.
Lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Doanh nhân là lực lượng tiên phong trong các cuộc cách mạng kinh tế, công nghiệp và là “bà đỡ” của sáng tạo, phát triển.
Ở Việt Nam, ngày 13/10/1945, ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của giới chủ doanh nghiệp - những doanh nhân tiên phong để bàn chuyện kiến quốc. Người chia sẻ, đồng cảm và kêu gọi sự đóng góp cũng như khẳng định sự công nhận về vai trò, sự đóng góp của giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm nên sự nghiệp lớn. Tinh thần kinh doanh vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ trong lớp lớp doanh nhân Việt Nam, từ một "tư thương" đầy định kiến dăm bảy thập kỷ trước, hay những "tỷ phú Forbes" bây giờ. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước.
Do đó, việc nhìn lại hành trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam, từ những thăng - trầm đã bộc lộ bản lĩnh - khát vọng, cho đến những cống hiến - đồng hành cùng vận nước, là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới; Đánh giá khách quan hơn vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng là cách để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, đồng hành cùng nhân loại tiến bộ. Đồng thời, việc nhìn lại và đánh giá đúng sự đồng hành của giới doanh nhân Việt Nam với dân tộc còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, sự nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và đứng trước những thời cơ mới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội.
Nhân dịp tròn 15 năm từ khi Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945-13/10/2020), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) quyết định thực hiện Dự án Truyền thông: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc. Dự án nhận được sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế, chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam; sự bảo trợ thông tin của nhiều cơ quan báo chí – truyền hình; với chuỗi các chương trình, sự kiện diễn ra từ ngày 10/10/2019 – 15/10/2020.
Khởi động cho Dự án, Reatimes tổ chức Tọa đàm và Giới thiệu dự án Truyền thông: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Với sự tham dự của Lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia – nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, phóng viên các cơ quan báo chí – truyền hình.
Thời gian: 9h00 – 11h30, ngày 10/10/2019;
Địa điểm: Phòng Hội thảo, Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Số 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.