Aa

Khơi thông các nguồn lực đầu tư, giúp Cà Mau “cất cánh“

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Hai, 11/12/2023 - 08:38

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”.

Mới đây, tại TP Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau.

Quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực mới… giúp vùng đất điểm đầu cực Nam Tổ quốc “cất cánh”

Phát biểu khai mạc Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, năm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản. Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước; với địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, có nhiều nắng và gió, Cà Mau còn có tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo…

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng 7,83%; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 32,6% GRDP; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 30,6%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,9%. Số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gần 5.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 61.790 tỷ đồng; có 449 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 145.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Cà Mau vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực ĐBSCL, thậm chí là tỉnh khó khăn nhất cả nước, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối rất yếu kém; địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa chất đất yếu; không có vật liệu xây dựng tại chỗ… Cà Mau còn là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thông sông Mê Kông. Đây là những nút thắt chưa được tháo gỡ và là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tin rằng, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê sẽ tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và xứng tầm là vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. ảnh HL

Đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo

Công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển, đảo làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện. Quy hoạch đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; ứng dụng khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với các động lực tăng trưởng, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, du lịch, các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, một số mục tiêu cụ thể được xác định trong quy hoạch tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 30 - 35% GRDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 0,5%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt trên 27%.

Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ; ưu tiên hạ tầng giao thông; cho khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và các khu chức năng quan trọng khác. Phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với phát triển lưới điện, nguồn điện phục vụ xuất khẩu điện. Đồng thời, bảo đảm vững chắc QPAN, chủ quyền biển, hải đảo; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm QPAN; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ông Huỳnh Quốc Việt chia sẻ, tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại… ông Huỳnh Quốc Việt cho rằng, để triển khai hoàn thành các mục tiêu Quy hoạch tỉnh Cà Mau ở mức cao nhất, tỉnh Cà Mau đề ra 6 nhóm giải pháp: (1) về huy động vốn đầu tư; (2) về phát triển nguồn nhân lực; (3) về môi trường, khoa học và công nghệ; (4) về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; (5) về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; (6) tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. ảnh HL

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi và là động lực để tỉnh tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km. Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quy hoạch tỉnh sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Cà Mau, đây là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

Để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Cà Mau, Thủ tướng cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải có “tư duy - hành động”, làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao đáp ứng với sự kỳ vọng của Trung ương, niềm tin của doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, Cà Mau cần đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, sớm nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay như Airbus A320/A321 và tương đương giúp rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Cà Mau với các vùng miền trong nước, đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo đột phá cho địa phương có thêm điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top