Aa

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Ba, 21/11/2023 - 08:35

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm.

 

Ngày 17/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch, kế hoạch liên quan. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. ảnh  HL

Mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Về kinh tế; Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%. Trong đó, GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 30 - 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân trên 7%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2030 bình quân tăng 12 - 15%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 36%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

Về tài nguyên và môi trường; Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt trên 27% (trong đó: Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 18,5%).

Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 70%. Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

Có 70% tổng lượng nước thải đô thị thành phố Cà Mau, 40% - 50% nước thải các đô thị Sông Đốc, Năm Căn và khoảng 20% nước thải ở các đô thị còn lại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tỷ lệ nước thải từ các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%. Trên 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.

Về phát triển kết cấu hạ tầng; Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông. Các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V đồng bằng, 100% đường huyện được cứng hóa, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI đồng bằng.

Cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hoàn chỉnh các tuyến vận tải đường thủy kết nối. Phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, toàn diện, hiện đại. Nâng cấp cảng hàng không Cà Mau phù hợp với định hướng phát triển của ngành giao thông vận tải.

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ cho khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và các khu chức năng quan trọng khác.

Hạ tầng thông tin và truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định và thịnh vượng; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, bắt kịp các xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số trong một môi trường số an toàn, rộng khắp.

Phát triển kết cấu hạ tầng mạng lưới cấp điện bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa, tính đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện. Phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với phát triển lưới điện, nguồn điện phục vụ xuất khẩu điện.

Chủ động kiểm soát nguồn nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát mặn và các loại hình thiên tai khác (sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn). Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, bảo đảm thích ứng với các tác động của thiên tai.

Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến và phù hợp.

Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. ảnh HL

Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển

Tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phát triển kinh tế biển; Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng chú trọng đến quy hoạch hệ thống đô thị; Phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị bền vững, có kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh; hình thành chuỗi đô thị động lực, chuỗi đô thị ven biển kết nối với hệ thống đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Khi có đủ điều kiện theo quy định, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có 29 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%.

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt  khảo sát  tuyến Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Dự án này được xem là động lực để thúc đẩy phát triển tỉnh Cà Mau

Định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm như sau:

Xây dựng thành phố Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thành lập thị xã Sông Đốc (đô thị loại III) là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kinh tế biển.

Thành lập thị xã Năm Căn (đô thị loại III) là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Đông, mang bản sắc đặc thù sông nước và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết phát triển với Khu kinh tế Năm Căn và là điểm dừng chân của trục thành phố Cà Mau - Đất Mũi trong các hoạt động kinh tế và du lịch.

Thành lập thị trấn Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) là đô thị loại IV, chuyên ngành về năng lượng, công nghiệp, thủy sản và logistics.

Phát triển thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) là đô thị loại IV, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Ngọc Hiển, phát triển thương mại dịch vụ, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Ngoài ra, phát triển hệ thống cụm công nghiệp; Phát triển các cụm công nghiệp xung quanh các hành lang kinh tế, các vị trí kết nối giao thông thuận lợi, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ phục vụ người lao động. Tập trung thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo hướng chọn lọc, có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, đồng thời kết hợp xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp có liên quan.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top