Aa

Khơi thông pháp lý để hút vốn vào khu công nghiệp

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 30/08/2022 - 06:09

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam mang lại nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những rào cản pháp lý sẽ làm hạn chế thu hút nguồn lực đầu tư vào các khu công nghiệp.

Rào cản pháp lý

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) trung bình hằng năm chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Chỉ trong vòng hơn 3 thập kỷ, đã có hàng trăm KCN đi vào hoạt động, hệ thống KCN, KKT của Việt Nam là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút vốn FDI. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, các KCN, KKT vẫn là điểm nhấn thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình đầu tư ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít chuyên gia và doanh nghiệp, việc thu hút đầu tư FDI vào các KCN hiện nay vẫn đối diện với những thách thức như thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài làm tăng thêm chi phí và thời gian, giảm hiệu quả dự án đầu tư; các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao…

Tại diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Nghị định 35 được đánh giá mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà nhưng việc thực hiện, triển khai nghị định này vẫn có nhiều điểm cần được giải đáp, tháo gỡ.

Cụ thể, Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP như: phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN; cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như: lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt, lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…

Bên cạnh đó, Nghị định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”; ban quản lý các KCN, KKT được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, Nghị định 35 cũng vẫn tồn tại một số điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế khách quan, dễ dẫn tới tình trạng thực hiện tùy tiện, gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.

Nói rõ hơn về những bất cập của nghị định này, từ góc độ nhà đầu tư, ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc Western Pacific, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư và đây là một trong những vướng mắc của các doanh nghiệp.

Khoản 4 Điều 8 Nghị định 35 quy định rõ không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư và phân kỳ đầu tư thật trên thực địa.

“Làm một KCN 250ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng… Việc này không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả một chủ đầu tư. Nghị định còn quy định rõ, nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác”, ông Trần Anh Vương chia sẻ.

Theo Tổng Giám đốc Western Pacific, cần có những thông tư hướng dẫn cho phù hợp, còn nếu để như hiện nay các nhà đầu tư đều rất bối rối.

Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển khu công nghiệp

Các chuyên gia và doanh nghiệp khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý KCN, KKT để phù hợp với thực tế khách quan, tạo thuận lợi cho cơ quan Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, cũng như cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.

Theo đánh giá của Luật sư Trần Đại Nghĩa, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là chính sách quan trọng, đúng đắn trong việc định hướng phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam giai đoạn sắp tới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình KCN chuyên dụng như KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao. Đồng thời cũng định hình phát triển hệ thống các KCN chuyên sâu, làm rõ khái niệm về loại hình KCN chuyên sâu trong điều kiện nước ta; đối với từng mô hình sẽ có những quy định cụ thể để triển khai.

Tuy nhiên, thực tế đối chiếu với các quy định còn có một số điểm chưa thực sự thuận lợi cho việc áp dụng. Do đó, để đưa chính sách vào thực tiễn, cần tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật có liên quan; cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương; tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KCN.

Việc thu hút đầu tư FDI vào các KCN hiện nay vẫn đối diện những thách thức như thủ tục hành chính còn rườm rà. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Còn TS. Hán Minh Cường, đại diện Công ty CP Tập đoàn Sgroup lưu ý sẽ còn một số khó khăn tiềm ẩn cũng như rào cản nảy sinh đối với việc chuyển đổi KCN mà các nghị định đang thực thi cũng như sắp ban hành tới đây cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Trong giai đoạn này, khi các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đang được lập cho giai đoạn 2021 - 2030, các quy hoạch chung xây dựng đang được điều chỉnh cho kỳ quy hoạch mới thì cần có những dự báo, tính toán chính xác về nhu cầu phát triển để từ đó xác định đúng tính chất của các KCN, quy hoạch hợp lý vị trí, quy mô của các khu vực nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội bởi đó là giải pháp căn cơ và bền vững để phát triển KCN.

Bài toán nhà ở cho công nhân kỳ vọng sớm được giải

Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP đặc biệt chú trọng vấn đề phát triển nhà ở công nhân. Đây cũng là điểm mới của nghị định khi công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN. Cụ thể, các chủ đầu tư để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng KCN phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân là một trong các điều kiện xem xét mở rộng KCN.

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, với người công nhân trong các KCN, họ không chỉ cần nhà ở mà cả các hạ tầng xã hội khác như trạm xá, trường học, siêu thị...; là sự đồng bộ giữa hạ tầng KCN và hạ tầng xã hội mà Nghị định 35/2022 nhấn mạnh.

PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng.

Theo ông Hải, đây là tiến bộ quan trọng, nhưng cũng là vấn đề vĩ mô, cần có các quy định, hướng dẫn tiếp theo trong những văn bản vi mô về thế nào là những hạ tầng xã hội phải có.

Trước đây, Bộ Xây dựng không được giao quyền hạn, trách nhiệm về nhà ở trong các KCN, nhưng Nghị định số 35 mới đây đã có quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, mang đến nhiều hơn sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Văn Chính, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết sự xuất hiện của các KCN sẽ kéo theo sự gia tăng dân số cơ học lớn, gây áp lực về hạ tầng và nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân ở các khu vực phát triển mạnh KCN. Trên thực tế, việc quy hoạch và hạ tầng thường đi sau, không theo kịp tốc độ phát triển, tốc độ đầu tư của các KCN. Do đó, cần có sự chuẩn bị và quy hoạch từ trước. Thời gian qua, do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp nên quy hoạch này chưa được thực hiện một cách triệt để dẫn đến khó thực hiện.

Ngoài ra, một số địa phương chưa bố trí các quỹ đất phù hợp nên việc xây dựng nhà ở cho công nhân chưa mang tính khả thi cao, mặc dù Nhà nước đã có những cơ chế để giúp doanh nghiệp hạch toán các chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân vào chi phí hợp lệ của doanh nghiệp, nhưng thực tiễn rất ít doanh nghiệp có thể thực hiện được cơ chế này.

Với nghị định mới, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết nhà ở cho công nhân lao động và nhà ở chuyên gia sẽ và cần được quy hoạch bài bản cùng với quy hoạch các KCN. Nhà ở cho công nhân tại các KCN cần được Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng, tháo bớt các rào cản để nhà đầu tư có thể tiếp cận triển khai đầu tư phát triển một cách hài hòa và đồng bộ cùng với việc phát triển các KCN. “An cư lạc nghiệp” sẽ tạo tâm lý ổn định giúp người lao động yên tâm sản xuất, tạo ra nhiều giá trị gia tăng đóng góp cho xã hội. Cùng với đó, cũng cần chú trọng việc đầu tư phát triển các hạ tầng xã hội khác để tạo thành quần thể sinh thái KCN phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, đảm bảo an ninh trật tự và thân thiện môi trường. Bài toán nhà ở cho công nhân tại các KCN sẽ từng bước được giải quyết. Phân khúc này sẽ có tiềm năng và dư địa phát triển mạnh trong các năm tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top