Aa

5 định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam

Thứ Sáu, 12/08/2022 - 06:56

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khu công nghiệp tiếp tục được xác định là một mô hình hiệu quả, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.

Nội dung được lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề cập tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng nay (11/8) tại TP.HCM.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn,…

Ông Trần Quốc Phương nêu, nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc… Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương.

Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng đề cập, hiện nay trên thế giới, các mô hình khu tiếp tục được xác định là một mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, các mô hình đang có sự thay đổi về động lực phát triển, theo đó các mô hình khu truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Các yếu tố này sẽ tác động đến mô hình, định hướng phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, bối cảnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đã có những thay đổi với thuận lợi và khó khăn đan xen.

Cụ thể, bối cảnh trong nước hiện nay tạo thuận lợi cơ bản cho sự phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế như môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông kết nối vùng, với thị trường quốc tế được nâng cấp và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên và thị trường xuất khẩu được rộng mở thông qua các hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương và nguồn lao động có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh - xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Do vậy, Thứ trưởng cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có chính sách để tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết XIII của Đảng vừa qua đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất.

Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó xác định một số định hướng phát triển như sau:

Một là, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề.

Hai là, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế làm nền tảng.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bốn là, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thứ trưởng nêu, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dung đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top