Aa

“Khối u” dự án giữa lòng thành phố Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 23/07/2019 - 20:31

Suốt 14 năm qua, dự án khu xen cư hồ Toàn Thành (phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa) đã có hàng loạt vấn đề khiến người dân vô cùng bức xúc...

Chưa thu hồi đất đã đem đấu giá

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thuộc các tuyến phố Đinh Công Tráng, Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Trãi và Trần Phú, sinh sống ven hồ Toàn Thành, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa đã gửi đơn thư khiếu nại lên chính quyền các cấp, tố cáo về những sai phạm tại dự án xen cư hồ Toàn Thành.

Vụ việc tạo điểm nóng dư luận, khiếu kiện, gây nên hệ lụy khiến nhiều gia đình bị thu hồi đất phải lao đao. 

Theo tài liệu mà Reatimes có được, dự án khu xen cư hồ Toàn Thành thuộc mặt bằng số 155, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 29/11/2004, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Ngày 16/12/2004, UBND TP. Thanh Hóa có văn bản đề nghị Hội đồng xác định giá đất TP. Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan thực hiện việc xác định giá đất khu vực này trước ngày 25/12/2004.

Ngày 14/6/2005, dù chưa có quyết định thu hồi đất Dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã vội vã ban hành quyết định số 1571/QĐ-CT do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh ký, "Phê duyệt mức sàn để đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư hồ Toàn Thành, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa".

Hơn 2 tháng sau, vào ngày 15/8/2005, UBND tỉnh mới ban hành quyết định thu hồi đất dự án, quyết định vẫn do ông Mai Văn Ninh ký, thu hồi 5.962,77m2 đất (đất ở 3681m2, đất ao 2281,77m2). Khu đất liên quan đến 47 hộ dân đã sinh sống ổn định từ hàng chục năm qua.

Bỏ qua các quy định, UBND TP. Thanh Hóa không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay, mà đấu giá dự án trước để giao cho doanh nghiệp.

Ngày 14/9/2005, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, Nguyễn Ngọc Hồi đã ký quyết định số 3774/QĐ-CT "Thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng số 155XD/UBTH khu xen cư hồ Toàn Thành".

Hai đơn vị gồm "Công ty cổ phần xây dựng và Đầu tư phát triển Thanh Hóa" và "Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh Hóa" tham gia đấu giá khu "đất vàng" trên với mức sàn đưa ra là 2.217.000 đồng/m2 (giá đất thị trường theo Hội đồng thẩm định là 9,8 triệu đồng đến 10,5 triệu đồng /m2)

Kết quả, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh Hóa trúng đấu giá với mức 2.217.942,51 đồng/m2. Chênh lệch chưa tới 1 ngàn đồng/m2. Công ty còn lại chỉ đấu giá đúng mức sàn.

Chia lô bán nền ngay trên... giấy

Sau khi được UBND TP. Thanh Hóa ký giao đất mặt bằng 155 bằng hợp đồng kinh tế số 01/2005/HĐKT ngày 7/10/2005, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh Hóa đã bán ngay phần diện tích đã trúng đấu giá cho những cá nhân, tập thể khác bằng "Hợp đồng cùng đầu tư" ký giữa Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh Hóa với nhiều khách hàng bắt đầu từ ngày 27/10/2005.

Theo đó, người mua sẽ "cùng đầu tư tiền vào dự án, để sau này sở hữu lô đất và công trình kiến trúc trên lô đất đó", nhưng vẫn phải tự bỏ vốn ra xây nhà. Tuy nhiên, suốt 14 năm qua, người mua lâm vào tuyệt vọng vì chờ đợi, bởi dự án "treo" tới nay vẫn chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường dẫn vào dự án

Tuyến đường dẫn vào dự án

Không những người mua rơi vào cảnh tuyệt vọng mà hàng chục hộ dân sống tại dự án này cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì phải 4 năm sau từ ngày dự án được đấu giá, tức ngày 2/7/2009 thì UBND TP. Thanh Hóa mới ban hành Quyết định 2163/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, phương án đền bù. Kể từ đó, hàng chục gia đình sống tại đây mới bàng hoàng phát hiện mảnh đất của mình sử dụng hàng chục năm qua đã bị đem đấu giá từ lâu.

Bà Hoàng Thị Mùi, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho biết: “Sau khi được bàn giao đất, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh Hóa đã chia lô bán nền ngay trên... giấy. Bán luôn cả diện tích đất của gia đình chúng tôi đang sinh sống hàng chục năm qua, 4 năm sau họ đến thu hồi, cưỡng chế đất thì gia đình mới phát hiện đất nhà mình đã bị bán từ lâu. Cũng trong suốt 4 năm đó, những hộ gia đình chúng tôi sống tại đây chưa nhận được quyết định thu hồi đất, chưa được thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng”.

Bà Hoàng Thị Mùi trao đổi sự việc với phóng viên.

Bà Hoàng Thị Mùi trao đổi sự việc với phóng viên.

Do dự án không thể triển khai vì vấp phải nhiều sai phạm, ngày 8/11/2012, UBND TP. Thanh Hóa đã làm một việc trái thẩm quyền là điều chỉnh lại mặt bằng quy hoạch dự án do UBND tỉnh phê duyệt.

Nhưng khi UBND TP. Thanh Hóa tiến hành điều chỉnh quy hoạch, đền bù, thì những phần đất do người dân khai hoang, phù hợp Luật Đất đai 2003, lại bị quy là đất lấn chiếm, không đền bù về đất. Trong khi đó, năm 1997, UBND phường Ba Đình đã xác minh nguồn gốc đất và xác định 47 hộ dân khu phố Đinh Công Tráng (thuộc dự án này) sử dụng đất thổ cư, ổn định từ trước năm 1980 bằng biên bản UBND phường họp dân phố.

Năm 2016, UBND TP. Thanh Hóa ra quyết định cưỡng chế, nhưng bất thành. Vụ việc được khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ. Trực tiếp Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có tới 3 văn bản chỉ đạo, yêu cầu Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý, giải quyết quyền lợi công dân. Nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Vậy là, Dự án khu xen cư hồ Toàn Thành đã kéo dài tới 14 năm, gây cho người dân nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Nhưng những sai phạm do UBND TP. Thanh Hóa gây ra, thì chưa hề bị xử lý.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top