PV: Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, có đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có quy hoạch xây dựng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Phùng Văn Hùng: Tôi cho rằng, không cần thiết phải có quy hoạch xây dựng. Đây cũng là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội khác. Thảo luận về vấn đề này tại hội trường cũng như phiên thảo luận tổ, có khoảng 65% tổng số đại biểu Quốc hội phát biểu ủng hộ bỏ quy hoạch xây dựng.
Lý do bỏ vì quy hoạch xây dựng gồm 6 loại là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trong đó, theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, được quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, nên nếu vẫn giữ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nằm trong quy hoạch xây dựng là trái với nguyên tắc của Luật Quy hoạch. Hơn nữa, Luật Quy hoạch đô thị đã điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy hoạch nông thôn, nên để 2 loại quy hoạch này nằm trong quy hoạch xây dựng là không hợp lý.
Kể cả bỏ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thì vẫn cần quy hoạch xây dựng vì quy định này điều chỉnh 4 loại quy hoạch khác là quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện, thưa ông?
Sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì quy hoạch xây dựng tỉnh không còn cần thiết nữa, vì quy hoạch xây dựng tỉnh trùng lắp với quy hoạch tỉnh được quy định trong Luật Quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh là quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch khu chức năng, cùng một số loại quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác. Trong quy hoạch tỉnh có cả danh mục các dự án, giải pháp, nguồn lực để thực hiện quy hoạch, nên không cần thêm các loại quy hoạch xây dựng khác nữa.
PV: Giả sử Quốc hội vẫn đồng ý để quy hoạch xây dựng, theo ông sẽ dẫn tới bất cập gì?
Ông Phùng Văn Hùng: Trên cùng một phạm vi lãnh thổ cấp tỉnh, nếu tồn tại 2 quy hoạch là quy hoạch tỉnh thực hiện theo Luật Quy hoạch và quy hoạch xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng thì các địa phương phải đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch có nội dung giống nhau. Trong đó, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt, còn quy hoạch xây dựng tỉnh do Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt.
Như vậy, có 2 quy hoạch giống nhau do 2 bộ khác nhau thẩm định, dẫn đến có thể có các nội dung không bảo đảm thống nhất, phát sinh thêm thủ tục, lãng phí thời gian và kinh phí cho hoạt động quy hoạch và cho cả xã hội. Một hệ lụy nữa là nếu một trong hai quy hoạch có sự điều chỉnh thì quy hoạch còn lại cũng phải điều chỉnh theo và một lần nữa phát sinh thêm thủ tục, lãng phí thời gian cũng như tiền bạc.
Ngoài ra, quy hoạch xây dựng tỉnh có nhiều nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của các ngành khác, không thuộc phạm vi quản lý của ngành xây dựng như giáo dục, đào tạo; văn hóa, thể thao; y tế; thương mại, dịch vụ…, nên nếu để quy hoạch xây dựng tỉnh bao trùm cả các quy hoạch có tính chất chuyên ngành khác là không phù hợp.
PV: Một số đại biểu Quốc hội ủng hộ để quy hoạch xây dựng khi cho rằng, hiện nay, các địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch xây dựng tỉnh rất tốt, thưa ông?
Ông Phùng Văn Hùng: Khi xây dựng Luật Quy hoạch cũng có không ít ý kiến cho rằng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ hiện tại là phù hợp với thực tế của nước ta, nếu không có các loại quy hoạch và Nhà nước quản lý, điều tiết thị trường bằng quy hoạch thì người người nuôi tôm, nhà nhà trồng thanh long, nhiều địa phương cùng sản xuất ra một số loại sản phẩm sẽ dẫn tới hiệu quả thấp, lãng phí. Nhưng cuối cùng, Luật Quy hoạch cũng ra đời và bãi bỏ toàn bộ những quy hoạch bất hợp lý.
Luật Quy hoạch ra đời là sự đột phá vì đã bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ không còn phù hợp với kinh tế thị trường, làm giảm số lượng quy hoạch từ khoảng 19.000 loại xuống khoảng 200 - 300 loại, khắc phục đáng kể tình trạng dàn trải, chồng chéo, tùy tiện trong công tác quy hoạch, gây lãng phí rất lớn trong phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước, làm méo mó, xấu xí nhiều vùng, khu vực, khu đô thị.
Tất cả những cái gì trong quá khứ có thể tốt trong giai đoạn đó, nhưng bây giờ không phù hợp thì cần phải sửa đổi, mạnh dạn xóa bỏ. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, quy hoạch xây dựng không hề tốt, minh chứng rõ nhất là hầu hết các bản quy hoạch được lập rất “long lanh”, nhưng trong quá trình triển khai bị phá vỡ, nên chúng ta mới chịu hậu quả là những khu đô thị méo mó.
Tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, đại diện nhiều bộ, ngành cho rằng, nếu có quy hoạch xây dựng tỉnh thì cũng cần phải có các quy hoạch ngành cấp tỉnh tương đương như quy hoạch thủy lợi, đê điều, giao thông, y tế, đào tạo, thể thao, thương mại... Nếu ngành nào cũng làm quy hoạch thì sẽ phá vỡ sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.