Aa

Không chỉ gây thất thu ngân sách, tỉnh Ninh Bình còn để doanh nghiệp “xài chùa” cả nghìn ha đất

Thứ Năm, 04/11/2021 - 10:42

"Nhiều diện tích đất đã giao cho một số công ty sử dụng từ nhiều năm nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước".

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình. Theo đó, hàng loạt các tồn tại, hạn chế đã được cơ quan thanh tra chỉ rõ, đồng thời đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Buông lỏng công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc lâm trường?

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, cụ thể: Trước đây việc giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng được thực hiện trên bản đồ, không đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới cụ thể trên thực địa, vì vậy diện tích đất do các nông lâm trường quản lý, sử dụng chênh lệch nhiều so với thực tế. Cũng do đó, việc quản lý sử dụng đất không cụ thể và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sau khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi các nông trường, UBND tỉnh Ninh Bình chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, không chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các trình tự, thủ tục để quản lý đất đai theo quy định của Nghị định số 170/2004 như: Không kịp thời tiến hành rà soát, phân loại các diện tích đất, đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các công ty được giữ lại sử dụng; không ban hành quyết định giao đất và chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích công ty được tiếp tục sử dụng; không ban hành quyết định thu hồi đối với các diện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng; không ký hợp đồng thuê đất đầy đủ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.

Những tồn tại, vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo UBND huyện, thành phố có liên quan.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty (có tiền thân là nông trường), làm cơ sở cho việc giao đất, thu hồi đất còn chậm, đến năm 2016 UBND tỉnh Ninh Bình mới phê duyệt đối với 2/4 công ty, còn 2/4 công ty chưa được UBND tỉnh phê duyệt (gồm Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Công ty TNHH MTV Bình Minh), dẫn đến công tác quản lý đất đai tại các công ty này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm đối với một số diện tích đất bị lấn, chiếm ở một số công ty, như: 241,02ha đất đang do một số hộ dân sử dụng từ khi nhận giao khoán của nông trường Phùng Thượng (đã hết hạn hợp đồng từ năm 2015) nhưng không ký hợp đồng tiếp hoặc bàn giao lại đất cho Công ty Cổ phần giống bò thịt sữa Yên Phú; 2,78ha đất giao cho nông trường quốc doanh Đồng Giao trước đây quản lý, sử dụng nhưng một số hộ dân đã sử dụng làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp.

Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình.
Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình.

Đối với 2 Ban quản lý rừng Nho Quan và Tam Điệp, sau khi ban hành Quyết định số 500/2004/QĐ-UBND ngày 9/3/2004 về việc thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô và thị xã Tam Điệp, UBND tỉnh Ninh Bình chậm chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện việc tổ chức điều tra, xác định, phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và trên thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; chậm tiến hành giao rừng, thu hồi rừng, lập và quản lý hồ sơ giao rừng và đất để phát triển rừng cho Ban quản lý rừng Tam Điệp theo quy định tại Điều 7, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình còn chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng (đến năm 2013 mới thực hiện)”, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết.

Những tồn tại, vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Bình và các đơn vị trực thuộc; trực tiếp là lãnh đạo, cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực của các thời kỳ.

Về công tác thu hồi đất, giao đất có nguồn gốc từ nông trường, đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để đấu giá đất do UBND thành phố Tam Điệp làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết, có 2 dự án được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện có diện tích lớn hơn so với kế hoạch sử dụng đất được HĐND TP. Tam Điệp thông qua tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 26/12/2011 và Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 28/12/2013, gồm: Dự án quy hoạch khu dân cư mới phường Bắc Sơn vượt 2,76ha và dự án quy hoạch khu dân cư mới xã Quang Sơn vượt 8,13ha.

Nguyên nhân là do khi khảo sát, lập, phê duyệt dự án, chủ đầu tư không tính toán để loại trừ diện tích đất đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao thế chạy qua khu vực dự án, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô dự án.

Ngoài ra, UBND TP. Tam Điệp phê duyệt quy hoạch chi tiết của 3 dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư nằm ngoài khu vực ranh giới đô thị đã được xác định tại bản đồ quy hoạch sử dụng đất, thuộc đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tam Điệp đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 442 ngày 19/3/2003, gồm: Dự án quy hoạch khu dân cư tại phường Tây Sơn (5,64ha), dự án quy hoạch khu dân cư tại phường Tây Sơn (7,79ha) và dự án quy hoạch khu dân cư mới xã Quang Sơn.

Việc UBND thành phố Tam Điệp phê duyệt quy hoạch chi tiết nằm ngoài ranh giới khu vực đô thị được UBND tỉnh phê duyệt là chưa đúng quy định theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Trách nhiệm được xác định thuộc UBND TP. Tam Điệp và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Gây thất thu ngân sách Nhà nước, ai phải chịu trách nhiệm?

Về việc quản lý nguồn thu từ đất, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, sau khi sắp xếp, chuyển đổi các nông trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình không quyết định chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất (cho các nông trường trước đây) sang thuê đất đối với diện tích đất các công ty được tiếp tục sử dụng theo quy định gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm thanh tra còn nhiều diện tích đất đã giao cho một số công ty sử dụng từ nhiều năm nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước, cụ thể như: Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khoảng 1.007ha; Công ty Cổ phần giống bò thịt sữa Yên Phú 241,02ha; Công ty TNHH MTV Bình Minh 545ha.

Những tồn tại, vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Về việc miễn, giảm tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình miễn tiền thuê đất cho Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Công ty Cổ phần giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc Cục Thuế tỉnh Ninh Bình.

Tuy nhiên, các công ty nêu trên thuộc đối tượng được miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, do vậy cần phải xem xét, điều chỉnh lại việc áp dụng quy định của pháp luật về miễn, giảm tiền thuê đất đối với 2 công ty nêu trên.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện xác định lại toàn bộ diện tích phải nộp tiền thuê đất của 4 công ty nông nghiệp đã và đang quản lý, sử dụng nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính kế từ thời điểm xắp xếp, chuyển đổi theo đúng quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm đối với diện tích 2,78ha đất một số hộ dân đã xây dựng nhà ở (từ trước khi sắp xếp, chuyển đổi nông trường Đồng Giao) theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu UBND huyện Nho Quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng hơn 400 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất của Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú nhưng không ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao đất cho công ty quản lý sử dụng. Sớm hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xác định nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất 241,02ha đã giao cho công ty quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, chỉ đạo Cục Thuế tỉnh xử lý dứt điểm việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao và Công ty Cổ phần giống, vật nuôi cây trồng Đồng Giao theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top