Aa

Không chủ quan với đường đi của dòng tiền về BĐS nghỉ dưỡng

Thứ Sáu, 30/06/2017 - 06:01

Không cần lực kích nào, thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn tự hấp dẫn dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ vốn FDI, vốn ngân hàng đến vốn đầu tư trong dân… Nhưng cũng chính vì vậy, mà câu chuyện khi bàn về thị trường này có lẽ không phải là làm thế nào để khơi thông, mà là làm sao có thể kiểm soát được đường đi của dòng tiền.

Kênh đầu tư hấp dẫn

Tại Việt Nam hiện nay, du lịch được đánh giá là ngành phát triển không giới hạn và tăng tiến theo thời gian. Nhu cầu vui chơi nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế và tất yếu ngày một cao, nhất là khi nền kinh tế phát triển hơn. Chưa kể đến việc Chính phủ luôn ưu tiên phát triển ngành công nghiệp xanh. Đó là lý do tại sao thị trường BĐS nghỉ dưỡng không chỉ hút dòng vốn từ các doanh nghiệp lớn cho những siêu dự án đẳng cấp quốc tế, mà còn là kênh đầu tư hữu hiệu cho nhà đầu tư cá nhân.

Liên tục trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn như Vingroup, FLC, BIM Group, CEO Group, Sun Group... đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng xây dựng các khu nghỉ dưỡng từ 3 - 6 sao tại vùng trọng điểm như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Không chỉ vậy, những địa phương "ít nhộn nhịp hơn" như Cần Giờ, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng, Sa Pa... cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn tới, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ khi Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong những hiệp định kinh tế đa phương và song phương. Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam thì BĐS nghỉ dưỡng sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của họ.

Phối cảnh dự án Shareton Đà Nẵng - BRG

Phối cảnh dự án Shareton Đà Nẵng - BRG

Gần đây, những nhà đầu tư hạng trung và đặc biệt là cá nhân có vốn nhàn rỗi cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Dòng vốn nhỏ chảy vào thị trường thông qua loại hình kinh doanh dịch vụ như Timeshare, hay các hình thức sở hữu như condotel, hometel... đã tạo nên sức hút đối với những người có nguồn tiền dư thừa. Những người có kỳ vọng khi rót vốn vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ được chia sẻ lợi nhuận với chủ đầu tư và đặc biệt mức lợi nhuận đó cao hơn lãi suất ngân hàng được kỳ vọng tăng theo thời gian.

Lường trước rủi ro dòng vốn

Trong các nguồn vốn chảy về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, dòng vốn tư nhân nước ngoài và ngân hàng đang mạnh nhất; còn vốn trong dân đang là dòng tiền tiềm năng. Tuy vậy, mỗi dòng vốn trên thị trường này lại có đặc thù riêng.

Ví dụ, FDI là một trong những dòng vốn mạnh của thị trường BĐS khi có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư qua hình thức: phát triển dự án, hợp tác đầu tư, quản lý dịch vụ… Dù nhiều triển vọng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để hỗ trợ và quản lý một cách tốt nhất đối với các dự án FDI tốt và ngăn chặn ngay từ đầu những dự án FDI có biểu hiện xấu.

Trong tất cả các nguồn vốn, tiền trong dân đang được đánh giá là dồi dào nhất. Nhu cầu đầu tư BĐS tăng cao khi các kênh đầu tư khác giảm độ hấp dẫn và khi niềm tin vào sự trỗi dậy của thị trường BĐS quay trở lại. Nhận định về dòng tiền này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng riêng trong năm qua, BĐS nghỉ dưỡng đã thực sự “lôi được vàng cất trong dân” khi vươn lên trở thành phân khúc có tiềm năng phát triển tốt nhất. BĐS nghỉ dưỡng đã tạo ra lợi ích thực sự cho việc đầu tư kinh doanh, rất nhiều dự án hút được vốn từ dân.

Dù không ai biết chính xác số "vàng" trong dân thực sự là bao nhiêu và chuyên gia cũng không khẳng định kênh đầu tư nào kéo được số "vàng" này song những tín hiệu ghi nhận được từ thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2016 đã chứng minh rằng câu chuyện này là hoàn toàn khả thi trong năm 2017.

Khi nói đến nguồn tiền chảy vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng không thể thiếu sự góp mặt của tín dụng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ chế ngân hàng đối với dòng vốn về BĐS nghĩ dưỡng hiện nay khá thuận lợi khi các ngân hàng đều sẵn sàng hợp tác, liên kết cho vay để mở rộng thị trường. Hơn nữa, cho vay BĐS nghỉ dưỡng an toàn hơn cho vay tiêu dùng thông thường do các đối tượng vay đều có khả năng tài chính và chuyên nghiệp cao; lại có tài sản thế chấp là những BĐS có khả năng sinh lợi tốt.

Tuy vậy, dòng vốn này lại khiến nhà đầu tư băn khoăn khi cho vay theo thời hạn dài, trong khi NHNN đang "xiết" lại tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn và nâng tỷ lệ dự phòng rủi ro và hệ số rủi ro cho vay BĐS nhằm xiết lại dòng vốn vào BĐS. Ngoài ra, cơ chế thế chấp và xử lý tranh chấp tài sản tương lai là BĐS nghỉ dưỡng chưa thật minh bạch giữa cả 3 chủ thể người mua, người bán và ngân hàng... nên có thể gây quan ngại cho người vay và ngân hàng.

Hiện tại, thị trường BĐS nghỉ dưỡng được đánh giá vô cùng tiềm năng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để duy trì được độ hấp dẫn của thị trường này cũng như duy trì được nguồn tiền, nhà đầu tư cũng nên lường trước rủi ro dòng vốn của chính mình. Thực tế khi khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng cần trường vốn và cân nhắc khả năng tài chính an toàn cá nhân. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, nhà đầu tư sẽ có thể gặp rủi ro nếu sử dụng vốn vay với tỷ lệ lớn và lãi suất thả nổi và càng rủi ro hơn nếu lãi suất vay lớn hơn mức lợi nhuận cam kết mà chủ đầu tư dự án BĐS giành cho mình.

Ở tầm vỹ mô, theo các chuyên gia, để nhìn nhận dòng vốn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng nên giải bài toán có quy hoạch tổng thể đến chi tiết để phân bổ một cách hiệu quả các nguồn vốn. Bởi khi nguồn vốn được đầu tư đúng chỗ sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo cơ hội lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngược lại, khi nguồn vốn dù có dồi dào nhưng đầu tư chủ quan thì địa phương và cả doanh nghiệp đều thất bại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top