Aa

Không còn trưởng đặc khu: Đặc khu kinh tế có thực sự hấp dẫn?

Thứ Sáu, 27/04/2018 - 06:00

Theo nhiều chuyên gia, đặc khu kinh tế không chỉ là những ưu đãi về kinh tế mà còn là sự đặc biệt về thể chế hành chính. Nếu không có được cả hai yếu tố này, đặc khu sẽ khó có thể đảm bảo được sự hấp dẫn của mình.

Dự thảo luật mới không còn trưởng đặc khu

Trước đó, tại nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ được ký ban hành đầu tháng 9/2017, Chính phủ đã cơ bản thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế) trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo đó, Chính phủ đã đồng ý việc đặc khu kinh tế sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND). Phương án tổ chức chính quyền đặc khu được thực hiện theo mô hình trưởng đơn vị, người đứng đầu chính quyền đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm. Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về cơ chế giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với trưởng đặc khu.

Thủ tướng cũng khẳng định dự án Luật đặc khu kinh tế là dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, đồng thời thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Huyện đảo Phú Quốc, nơi chuẩn bị trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam

Huyện đảo Phú Quốc, nơi chuẩn bị trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của Việt Nam

Dự án luật phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành, có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế trong đó cần có một số chính sách ưu đãi cao hơn các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trong khu vực nhằm thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp đầu tháng 4/2018 mới đây, thiết chế trưởng đặc khu như đề xuất ban đầu của Chính phủ đã không còn.

Theo đó, chính quyền đặc khu được xác định là một cấp chính quyền có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9 -15 đại biểu, không tổ chức thường trực và các ban.

Uỷ ban nhân dân đặc khu bao gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn.

Phó chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch UBND đặc khu và được chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.

Về hệ thống chính trị tại các đặc khu, phương án được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra tại hội nghị chiều 23/4 là thành lập đảng bộ đặc khu là đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ tỉnh.

Ban tổ chức Trung ương đưa ra phương án đối với bí thư đảng ủy đặc khu, một phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND, kiêm mặt trận; một phó bí thư kiêm chính quyền.

Về hình thức tổ chức bầu được chính quyền mới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại hội nghị cũng nhấn mạnh cần thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành.

Đâu là sức hấp dẫn của đặc khu kinh tế?

Phương án tổ chức chính quyền đặc khu theo dự thảo luật mới đã nhận được sự đồng ý cao của lãnh đạo cả ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang và các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, về phía các chuyên gia kinh tế, trước sự thay đổi mang tính "bước ngoặt" này đã có nhiều ý kiến khác nhau.

 TS. Lưu Bích Hồ

TS. Lưu Bích Hồ

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ,nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và đầu tư, đặc khu kinh tế của Việt Nam nếu được thực hiện cách đây 20 - 30 năm thì rất có ý nghĩa. Khi đó thể chế kinh tế thị trường theo hướng tự do hoá thương mại chưa phát triển mạnh, rất cần sự tháo cởi về thể chế tại các đặc khu để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong khi đó, ở giai đoạn hiện nay, cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đang tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại có tính tự do hoá rất cao về thương mại, đầu tư kinh doanh. Do đó, ý nghĩa của việc thành lập các đặc khu kinh tế bị mất đi rất nhiều so với trước đây.

Xét về tính hấp dẫn của đặc khu kinh tế của Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, về mặt kinh tế, các quy định đưa ra đạt mức gần như cao nhất về mặt ưu đãi thương mại, thuế suất, xuất nhập khẩu, thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, về mặt thể chế, dự thảo luật đặc khu mới đây lại quy định chính quyền đặc khu có cả HĐND, UBND, rồi cũng bầu cử, hợp nhất chức danh bí thư đảng uỷ và chủ tịch UBND đặc khu. "Như vậy, rõ ràng không có gì khác so với mô hình hành chính hiện nay".

"Mặt khác, đặc khu hành chính của Việt Nam nhưng lại đặt trong đơn vị là huyện, huyện không thể quản lý được. Phải coi như đặc khu thuộc cấp tỉnh và dưới sự quản lý của Trung ương như dự thảo luật trước đó", ông Hồ nhận định.

Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng về đặc khu kinh tế của các nước khác giống như một đơn vị tự quản. Trong đó, trưởng đặc khu có quyền hạn rất lớn, chính quyền nước sở tại chỉ quản lý vấn đề quốc phòng, an ninh chính trị trong đặc khu còn an ninh kinh tế, an ninh xã hội họ thuê các nước khác quản lý để đảm bảo tính tự quản.

Do đó, ông Hồ cho rằng, với thể chế của đặc khu như ở Việt Nam, sẽ rất khó tạo sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và phát triển. Trong khi đó, mục đích xây dựng đặc khu quan trọng nhất vẫn là thử nghiệm về mặt thể chế.

"Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thể chế đó có gì chưa được, chưa tốt thì phải thử nghiệm tại các đặc khu để sau đó nhân rộng ra các địa phương trên cả nước, lan toả các mô hình tốt để phát triển", TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do quốc tế, các ưu đãi về thuế, xuất nhập khẩu trong các đặc khu kinh tế đã trở nên rất phổ biến, không còn đủ sức hấp dẫn.

"Sức hút của đặc khu kinh tế hiện nay chính là ở thể chế. Đặc khu kinh tế nếu như không có bộ máy hành chính làm việc chuyên nghiệp mang tính quốc tế hóa cao, gọn nhẹ, nhanh chóng, mà vẫn phải theo cơ chế xin cho, thủ tục phiền hà thì sẽ không thể hấp dẫn nhà đầu tư", ông Doanh nhận xét.

Ở khía cạnh khác, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, với dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế mới nhất đã cho thấy rõ ràng là Quốc hội vẫn muốn bảo vệ hệ thống HĐND của mình.

Ông Thắng nhớ lại trước đây, có thời gian Việt Nam đã thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, nhiều ý kiến cho rằng điều này là rất tốt, góp phần giảm bớt bộ máy hành chính cồng kềnh ở các địa phương và giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách. Tuy nhiên, một thời gian sau HĐND lại trở lại như cũ.

"Ở các đặc khu hiện nay cũng vậy, lý do được Quốc hội đưa ra HĐND là để giám sát hoạt động của đặc khu, song có nhiều cách để làm việc này. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng của đặc khu kinh tế là nơi để thử nghiệm thể chế, tạo dựng một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả. Có như vậy, đặc khu kinh tế mới đảm bảo tính đột phá và thu hút các nhà đầu tư", Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nói.

'

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top