Kể từ lúc thông tin Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) được đề xuất trở thành đặc khu kinh tế, cơn sóng đổ tiền đầu tư vào nơi đây dần trở nên sôi động và tăng mạnh ở thời điểm sau Tết.
Trong mắt nhiều nhà đầu tư, cơ hội kiếm tiền “khủng” nhiều năm mới có một lần đã tới cùng sự kỳ vọng các đặc khu kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ với hàng loạt cơ chế đặc thù. Áp dụng chiến thuật “đi trước đón đầu” ở một nơi được đự đoán là mức độ sinh lời cao, cộng thêm sự mờ mịt về thông tin quy hoạch chi tiết, đã trở thành lợi thế cho các nhà đầu tư khi tham gia "lướt sóng" và đẩy giá đất tại các đặc khu lên cao. Cũng bởi việc đẩy chênh giá, thông tin quảng cáo truyền tai nhau liên tục nên giá đất đặc khu liên tục tăng theo cấp số nhân.
Tâm lý “làm giàu không khó” được lan truyền đến nỗi… có những người bất chấp tất cả quy luật đầu tư chỉ bởi khao khát có được một mảnh đất ở đặc khu để sang tay, ăn chênh lệch tức thì. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những nhà đầu tư nhảy vào thị trường bất động sản đặc khu từ 2 năm trước, “lướt sóng” ở giai đoạn giữa và kiếm được lợi nhuận khủng đã bắt đầu rục rịch rút vốn.
Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Hùng Vương, cho biết: “Các nhà đầu tư vào đặc khu kinh tế chủ yếu là người miền Bắc hoặc từ TP.HCM. Sau "lướt sóng đặc khu" thành công, nhiều nhà đầu tư miền Bắc đã quay trở lại rót tiền vào đất nền ven Hà Nội hoặc đất nền tỉnh”.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, thị trường đất nền khu vực Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh sôi động hơn hẳn bởi sự tham gia của các nhà đầu tư đang rút vốn, trở về từ Phú Quốc, Vân Đồn. Sau khi kiếm tiền đủ thì nhóm các nhà đầu tư này bắt đầu quay trở lại việc lựa chọn đầu tư an toàn. Trước đó, họ gom góp bán tất cả để dồn lực vào đặc khu. Đến thời điểm gần đây, khi bị siết chặt về quản lý mua bán, giao dịch, thông tin quy hoạch chi tiết ở đặc khu sắp được công bố và đặc biệt kiếm được lợi nhuận lớn rồi thì họ lại tính phương án “ăn chắc” và rút vốn”.
Sau 'lướt sóng' thành công, nhiều nhà đầu tư miền Bắc đã quay trở lại rót tiền vào đất nền ven Hà Nội hoặc đất nền tỉnh.
Theo khảo sát của Công ty Bất động sản Hùng Vương, giá đất nền dự án tại khu vực Đông Anh có mức độ tăng 20 - 30%. Tại khu vực Gia Lâm bao gồm Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, khu đất tại chân cầu Phú Thụy, Đa Tốn, Đông Dư, Cổ Bi, giá đất nền được đẩy lên 30 - 50%. Ở Long Biên, khu vực Thạch Bàn, Cự Khối, giá đất nền cũng đang rục rịch tăng.
Theo ông Minh, nguyên nhân của việc giá đất nền tại các khu vực Gia Lâm và Long Biên tăng mạnh là do đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã bắt đầu khởi công, dự án Vincity Gia Lâm chuẩn bị được đưa vào hoàn thiện. Gia Lâm và Long Biên còn là vị trí đắc địa kết nối các tỉnh thành, đặc biệt khoảng cách vào trung tâm thành phố khá ngắn, chỉ dao động khoảng 13km.
Ông Minh phân tích: “Các nhà đầu tư ở đặc khu khi trở lại đầu tư tại những khu vực Gia Lâm, Long Biên thường mua đất lô lớn từ 500 - 1.000m2 và sau đó chia lô nhỏ để chuẩn bị bán lại. Nhiều dự án trong ngày mở bán đã nhanh chóng được thu gom.”
Ngoài thị trường đất nền Gia Lâm, Long Biên, giới đầu tư cũng không bỏ lỡ cơ hội sở hữu đất nền tại vùng ven ở Hoài Đức, Hà Đông. Ông Nguyễn Hưng, một nhà môi giới bất động sản, chia sẻ: “Đất dịch vụ ở vùng Hoài Đức, nhất là khu vực vùng ven đang có chiều hướng tăng. Có những vị trí đẹp, sát mặt đường, giá lên tới hơn 30 triệu đồng/m2 dù chưa có giấy tờ pháp lý đầy đủ. Đất dịch vụ khu vực An Thọ, An Khánh, Hoài Đức đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các nhà đầu tư từ đặc khu cũng về đây rót vốn vào một số lô dịch vụ để chờ cấp sổ đỏ.”
Theo nhận định của ông Hưng, dù tỷ suất lợi nhuận từ phân khúc đất nền ở vùng ven Hoài Đức không quá cao như ở các đặc khu nhưng nơi đây được đánh giá là thị trường đầu tư an toàn và lâu dài cho các nhà đầu tư muốn đầu cơ trung hạn. “Khu vực ven Hoài Đức được dự đoán sẽ còn phát triển gấp nhiều lần hơn so với hiện tại khi có nhiều dự án chung cư tập trung ở đây hút dân về ở. Thông tin sắp tới có tuyến đường BRT qua đây và hạ tầng cơ sở được nâng cấp càng khiến nhiều nhà đầu tư muốn rót tiền vào đây chờ sẵn”, ông Hưng nói.
Trong cuộc đua đất nền, Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc cũng không nằm ngoài danh sách điểm sinh lời đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.
Ông Tuấn (Hoài Đức, Hà Nội), một nhà đầu tư tiết lộ: “Với khoản tiền đầu tư thấp, khoảng 800 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể sở hữu 1 lô đất tầm hơn 100m2. Dù không quá sốt nhưng một số nhà đầu tư lựa chọn phướng án “bỏ trứng vào nhiều giỏ” bằng cách chồng tiền vào một số lô đất được dự đoán có tiềm năng cao. Tôi mới mua một lô đất tái định cư sát Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc và nhượng lại nhanh chóng chỉ sau 9 ngày. Một số nhà đầu tư khác có tiền sẽ ôm hàng lâu hơn"./.