Theo kết quả rà soát, thống kê của Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2017, trên địa bàn Thành phố còn 72 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Việc khắc phục vi phạm của các chủ đầu tư còn chậm chễ trong khi cuộc sống của người dân đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Trong danh sách 72 công trình đã đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC xuất hiện rất nhiều những “ông lớn” trong thị tường BĐS Hà Nội như: Coma, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1), Sông Đà Thăng Long. Trong đó, HICC1 với 5 tòa nhà vi phạm gồm: CT1A, CT1B, CT2B, CT2B - Khu đô thị mới Nghĩa Đô và dự án 2.6 Lê Văn Lương. Kế tiếp, Coma 6 với 3 tòa vi phạm (CT1, CT2, CT3 dự án Dream Tower); Sông Đà Thăng Long với 2 tòa vi phạm (CT1 Usilk City và CT2 Văn Khê)…
Liên quan tới tình trạng vi phạm an toàn PCCC của nhiều chủ đầu, phát biểu tại buổi làm việc với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP. Hà Nội ngày 15/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, PCCC là vấn đề rất lớn, nếu không có giải pháp khoa học, căn cơ thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo được đô thị văn minh, an toàn, bình yên cho người dân.
Với những chủ đầu tư, công trình không đảm bảo PCCC thì tiếp tục kiểm tra, xử phạt, đặc biệt phải làm quy trình cưỡng chế. “Không thể để yên được. Vi phạm về PCCC có thể bị đến tội hình sự bởi đe dọa tính mạng của rất nhiều người. Tôi đề nghị khẩn trương xây dựng quy trình này. Phải đảm bảo tính mạng cho người dân. Cả vạn người vào chung cư như vậy mà anh thiếu trách nhiệm”, ông Hải nói.
Phân tích thêm, ông Hải cho biết, quy định về PCCC có rồi nhưng chủ đầu tư không thực hiện thì lực lượng PCCC phải có quyền cưỡng chế. “Tôi cưỡng chế thực hiện các quy định về PCCC để đảm bảo an toàn cho người dân. Bây giờ một khu chung cư không đảm bảo về PCCC thì bắt phải thực hiện, nếu không sẽ đưa xe, đưa trang thiết bị đến. Có hai cách, hoặc là đưa người dân ra hoặc là đưa trang thiết bị đến để đảm bảo an toàn. Chi phí đó thì ai sai phải chịu”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, phải sớm ra quy trình hướng dẫn chứ không để “trắng án”, vi phạm rồi mà PCCC đến cũng không làm gì được. “Xử phạt hành chính thì họ cười ngay, mấy chục triệu ăn thua gì. Phải có giải pháp.
Một tòa nhà, một khu chung cư, kể cả đã có đủ các phương tiện PCCC theo đúng quy định mà nếu bị cháy thì thiệt hại vẫn rất lớn. Mà ở đây lại không đủ trang thiết bị nữa thì lớn đến mức nào? Mà một chung cư hàng vạn người. Đề nghị cái đó phải rõ, trách nhiệm, thời hạn để thực hiện”, ông Hải kết luận.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch thực hiện liên quan đến các chế tài, quy định theo Nghị quyết của HĐNĐ thành phố.
“Tới đây, UBND thành phố sẽ có thông báo kết luận về 79 công trình vi phạm PCCC đã đưa vào sử dụng. Hiện nay đã khắc phục khá khá rồi nhưng sẽ tiếp tục làm. Thông báo của Ủy ban cũng sẽ chỉ ra 1 – 3 vị trí để làm điểm. Quy trình thì Cảnh sát PCCC đang làm, thời gian cố gắng trong tháng 7 phải xong. Sở Tư pháp sẽ giám sát quy trình để khi thực hiện không xảy ra vi phạm, xảy ra khiếu nại. Xử phạt người ta mà người ta lại khiếu nại mình thì không được”, ông Sửu nói.
Riêng đối với những công trình vi phạm đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, theo ông Sửu, tới đây UBND thành phố sẽ tiếp tục ra văn bản yêu cầu nghiêm cấm việc cấp điện, cấp nước. “Đơn vị nào ký hợp đồng bán nước, bán điện thì người đại diện pháp luật của chủ doanh nghiệp đó phải xử lý hình sự. Sở Xây dựng, Sở Công thương là cơ quan quản lý nhà nước phải theo dõi, giám sát”, ông Sửu yêu cầu.
Theo thống kê của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 447 vụ cháy, 03 vụ nổ, làm 06 người chết, 04 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng và khoảng 05 ha rừng. Trong đó, Trung tâm Thông tin chỉ huy đã tiếp nhận, xử lý trên 2.000 tin báo cháy, kịp thời điều động trên 1.000 lượt xe chữa cháy và xe chuyên dụng đến hiện trường trực tiếp cứu chữa 302 vụ cháy, tham gia CNCH 35 vụ… |