Aa

Không gian công cộng đô thị ở Việt Nam: Vẫn còn xa xỉ

Thứ Tư, 21/11/2018 - 23:30

Các không gian công cộng đô thị đúng nghĩa vẫn chỉ tồn tại trong các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn… là do được thừa hưởng từ thời Pháp thuộc để lại. Còn các không gian phát triển sau này, để có được một KGCC đô thị quả là những điều xa xỉ.

Theo quan niệm của đại đa số, không gian công cộng (KGCC) có thể hiểu là những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, quyền này được bảo vệ bởi pháp luật. Môi trường công cộng được cấu thành từ các yếu tố không gian (space), môi trường (evironment), tính công cộng (public) và cộng đồng (community), bao gồm cả các yếu tố vật thể như không gian thuộc sở hữu công cộng và được tham gia các hoạt động sống, lao động, nghỉ ngơi… bởi cộng đồng, dân chúng.

Tháp Eiffel

Tháp Eiffel

Thông thường, các KGCC có thể là một khu vực rộng lớn được quy hoạch cho quảng đại người dân của đô thị như công viên, quảng trường, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa, hành chính… Hoặc cũng có thể đơn giản là các không gian chung của một khu vực dân cư nhỏ các vỉa hè, bờ hồ, sân chung,… Thường thì KGCC được giới hạn bao gồm các không gian mở, người dân được tự do tiếp cận.

Từ xưa đến nay, khi các khái niệm về đô thị được hình thành thì việc xây dựng những KGCC là một thành phần quan trọng không thể thiếu của đô thị. Khi nhìn vào hệ thống KGCC của một thành phố, có thể đánh giá được thành phố ấy có phát triển hay không. Một thành phố phát triển sẽ có một hệ thống KGCC chất lượng cao, cảnh quan đẹp, hấp dẫn, thân thiện với người sử dụng và bền vững với môi trường.

Bên cạnh các giá trị về thẩm mỹ, cảnh quan, môi trường mang lại thì một KGCC tốt sẽ mang lại những trải nghiệm sống tốt cho người dân và những trải nghiệm du lịch tốt đối với khách du lịch.

Có thể nói, nếu như các KGCC quan trọng như thế nào thì nghệ thuật công cộng (NTCC) cũng đóng vai trò không thể bỏ qua trong các KGCC của đô thị. Đó là hai thực thể không thể tách rời, KGCC được ví như phần cơ thể, còn các công trình NTCC là phần hồn làm cho phần cơ thể có thêm nhiều ý nghĩa.

NTCC được hiểu giản dị là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở những nơi công cộng, dành cho tất cả công chúng. Đó có thể là điêu khắc, tượng đài, phù điêu, vườn tượng, tranh tường, nghệ thuật graffiti, các sự kiện nghệ thuật biểu diễn ngoài trời, các triển lãm nghệ thuật trưng bày ngoài trời… Rõ ràng các công trình hay tác phẩm NTCC là không thể thiếu trong các đô thị, đặc biệt là trong các KGCC đô thị.

Le voyageur

Le voyageur

NTCC cần sự tương tác giữa các nhà quản lý, các cơ quan vận hành, các tác giả và sự tham gia của cộng đồng. Đó có thể bao gồm bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào được trưng bày trong KGCC, bao gồm cả các tòa nhà có thể truy cập công cộng. Đôi khi, chính các công trình kiến trúc với việc sử dụng các khoa học công nghệ trong thiết kế và xây dựng cũng được người ta định nghĩa là công trình NTCC. Trong tiếng Pháp, tác phẩm nghệ thuật được gọi là “l’oeurve”, hoặc “l’oeuvre d’art”, hoặc “l’ouvrage d’art” – Chính các công trình kiến trúc cần sử dụng nhiều đến khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cũng được định nghĩa là “l’ouvrage d’art”: Tác phẩm nghệ thuật.

Kinh nghiệm tổ chức không gian công cộng trên thế giới

Đã từ lâu, tác phẩm nghệ thuật đặt ở nơi công cộng là một phần của văn hóa thế giới. Trong dự án quy hoạch của nhiều thành phố lớn, không gian dành cho một tác phẩm nghệ thuật luôn được các chuyên gia tính đến. Đôi khi, chính những tác phẩm nghệ thuật trở thành biểu tượng của chính đô thị đó, thành phố đó. Điển hình như tháp Eiffel ở Paris (Pháp) hay nhà hát Opera của Sydney…

Ở những tác phẩm có quy mô nhỏ hơn, chúng ta phải kể đến Maneken Pis ở Brussel, Bỉ. Chỉ với kích thước hết sức khiêm tốn, đặt trong một quảng trường cũng không hề rộng, nhưng chính bởi những câu chuyện, hay tính nghệ thuật của tác phẩm đã làm cho KGCC nơi đây được sống lại, thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi ngày. Hay tác phẩm “le voaygeur” của tác giả người Pháp Bruno Catalano nằm ven biển thành phố Marseilles (CH Pháp) cũng có vai trò tương tự như vậy.

Công trình nghệ thuật, điểm nhấn trên đường cao tốc

Công trình nghệ thuật, điểm nhấn trên đường cao tốc

Bên cạnh những tác phẩm NTCC trong lõi các đô thị, các tác phẩm nằm trên các tuyến đường cao tốc cũng không kém phần quan trọng. Chúng không chỉ đóng góp về vấn đề nghệ thuật mà chúng còn làm cho không gian cảnh quan được thay đổi, tránh đi sự nhàm chán của các tuyến đường. Ví dụ như trạm thu phí cao tốc A77 của KTS Dubosc và cộng sự, hay các công trình nghệ thuật điểm nhấn trên các đường cao tốc khác.

Thực trạng về nghệ thuật công cộng và không gian công cộng tại Việt Nam

Trong các đô thị ở Việt Nam, dường như các KGCC chưa được đánh giá một cách đúng mức, việc quy hoạch đô thị, hay xây dựng các khu đô thị mới chưa đề cao các KGCC, không gian xanh, không gian mặt nước hay các không gian thư giãn đô thị. Các nhà đầu tư tư nhân thì chỉ quan tâm tối đa đến lợi ích kinh tế, sao cho có thể tạo ra nhiều nhất các quỹ đất thương mại và thương phẩm đạt được mật độ cao nhất để nhanh chóng thu hồi vốn. Các nhà quản lý thì có vẻ như mất kiểm soát bởi các lý do về kinh nghiệm hay các điều luật chưa được chặt chẽ… Chính vì thế, các KGCC đúng nghĩa dường như rất ít, cùng với việc đó, các tác phẩm NTCC cũng không được đề cập đến, nhiều người vẫn nói, “cơm còn chưa đủ ăn thì nói gì đến nghệ thuật”. Có chăng tồn tại đâu đó một số KGCC quy mô nhỏ, nằm trong các tiểu khu nhà ở, trong các dự án bất động sản với vai trò như củ cà-rốt để dụ những chú thỏ vào tròng.

Các KGCC đô thị đúng nghĩa vẫn chỉ tồn tại trong các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Cần Thơ… là do được thừa hưởng từ thời Pháp thuộc để lại. Còn các không gian phát triển sau này, để có được một KGCC đô thị quả là những điều xa xỉ.

Trong một nghiên cứu về NTCC gần đây, nhóm tác giả đưa ra kết luận: “Nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng những tác phẩm nghệ thuật được đặt trong KGCC. Trong khi đó, các tác phẩm lại phải ráng sức tìm chỗ đứng mà… không có”. Thậm chí theo nhà điêu khắc Phan Gia Hương: “Người Việt chúng ta không hề thiếu các tác phẩm nghệ thuật phù hợp, thậm chí sau nhiều lần tổ chức các trại sáng tác điêu khắc, lần nào cũng “tồn đọng” hàng trăm tác phẩm được chắt lọc từ sáng tạo của các nghệ sĩ và đã đoạt giải thưởng, xong lại bị “xếp kho”, chất đống lên hoặc đổ nát dần dưới nắng mưa, không hề được sắp đặt, trưng bày cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tầm, đạt hiệu quả về thẩm mỹ và mang lại lợi ích cho cộng đồng”. Điển hình cho thấy do không đặt vào vị trí hợp lý mà cả một “vườn tượng Bách Thảo” đã bị lãng quên với rất nhiều tác phẩm có giá trị.

Cầu Ánh Sao – Phú Mỹ Hưng

Cầu Ánh Sao – Phú Mỹ Hưng

Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, chúng ta đang cố gắng xây dựng, cải tạo, chỉnh trang KGCC trong các đô thị. Các tác phẩm có thể kể đến như: Con đường gốm sứ (Hà Nội), đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM), hay các tuyến đường nghệ thuật ven biển ở Đà Nẵng, tượng đài Lý Thái Tổ Hà Nội…

Ngoài ra, trên các tuyến đường cao tốc, các công trình nghệ thuật cũng bắt đầu manh nha, những nhà đầu tư cũng đang dần nhận thức được tầm quan trọng của các công trình nghệ thuật trong những dự án của mình. Như công trình biểu tượng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hay Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Cả của tác giả nhóm KTS Dubosc và cộng sự.

Nếu như KGCC đô thị là cơ thể, NTCC sẽ là tâm hồn, làm cho không gian đó trở nên sống động và có ý nghĩa. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là trong các đô thị của Việt Nam, KGCC vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy mà các tác phẩm NTCC đương nhiên chưa thể có chỗ đứng, như một số nghệ sỹ nhận xét: “Tác phẩm nghệ thuật thì nhiều, nghệ sỹ điêu khắc tài hoa không ít, nhưng những tác phẩm NTCC không biết để ở đâu”. Qua đây, mong muốn như một thông điệp nhỏ gửi tới những người liên quan, từ các cán bộ quản lý đến các nhà hoạch định chính sách, những nhà tư vấn lập quy hoạch, những nhà thiết kế đô thị… Hãy quan tâm đúng mức đến KGCC, hãy đánh giá đúng vai trò và giá trị của tác phẩm NTCC. Bởi chính những không gian đó, tác phẩm đó, sẽ đóng vai trò hồn cốt, thậm chí là biểu tượng của cả thành phố: Đó chính là không gian giao lưu, thư giãn, không gian tái tạo sức lao động của những người dân thành phố, lá phổi xanh của đơn vị ở xung quanh nó, không gian cân bằng sinh thái xoá tan đi những ngột ngạt của mật độ đô thị dày đặc..

Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ

TS.KTS.DPLG Nguyễn Việt Huy – KTS. Nguyễn Hải Vân Hiền

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top