Aa

Không gian ngầm: “Mỏ vàng” của kinh tế đất

Thứ Ba, 24/07/2018 - 06:00

Nguồn thu từ kinh tế đất đai đang có nguy cơ bị chững lại do đất không tự “nở” ra được… Làm thế nào để giải quyết bài toán đất cho doanh nghiệp và gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước đang là một thách thức lớn.

Nếu không mở rộng khai thác kinh tế đất, rõ ràng ngân sách của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ gặp khó khăn.

Kinh tế đất: Nguồn thu quan trọng cho ngân sách

Theo thống kê, nguồn thu ngân sách Nhà nước trực tiếp từ đất đai có 7 khoản chính theo quy định của Luật đất đai. Nhà nước còn tiếp tục thu ngân sách được nhiều hơn, bền vững hơn sau quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở, để đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển các khu đô thị, dân cư...  

Đối với kinh tế của 1 địa phương, nguồn thu từ đất chiếm khoảng 8 - 10% ngân sách địa phương, là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Một trung tâm thương mại ngầm (Ảnh minh họa)

Một trung tâm thương mại ngầm (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, nguồn thu từ đất chiếm 8,76% tổng thu ngân sách thành phố năm 2017. Nguồn thu này có xu thế tăng dần qua các năm cùng với tiến trình gia tăng tốc độ đô thị hóa: Năm 2014, thu 8.298 tỷ đồng (chưa bao gồm số thu từ thuế thu nhập do chuyển nhượng bất động sản và lệ phí trước bạ); Năm 2015, thu 21.720 tỷ đồng; Năm 2016, thu 24.632 tỷ đồng; Năm 2017, thu 30.507 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trong giai đoạn thị trường bất động sản bị đóng băng thì nguồn thu ngân sách từ đất đai bị sụt giảm nghiêm trọng, điển hình là năm 2013, số thu tiền sử dụng đất chỉ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa số thu năm 2012 (10.000 tỷ đồng).

Không gian ngầm: Vẫn ở thì… hứa hẹn

Tại TP.HCM, năm 2018 chính quyền đã tính đến việc lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm để mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất nhằm giảm áp lực kẹt xe, đồng thời đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay. Đây là phần bổ sung mới và quan trọng vào đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010..

Tuy nhiên, áp dụng vào phát triển không gian ngầm tại thành phố cũng còn khá mới. “Khai thác không gian ngầm chính là một phần quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP.HCM nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại”, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chia sẻ.

Ngoài quy hoạch chung có tầm nhìn xuyên suốt trên bình diện rộng ở đô thị lớn nhất cả nước, nơi cũng đang có nhu cầu phát triển không gian - khai thác quỹ đất lớn để phục vụ quá trình tăng trưởng cũng như tốc độ đô thị hóa vũ bão của địa phương, thì năng lực khai thác và xây dựng hạ tầng, cơ sở bất động sản cung ứng cho mọi nhu cầu thương mại dịch vụ an cư của các doanh nghiệp là rất quan trọng.

Hiện, TP.HCM có không nhiều doanh nghiệp đáp ứng năng lực tài chính và quản trị, thi công, vận hành công trình gắn với các nhà cung ứng thiết kế, xây dựng, quản lý… Một số công trình nhà cao tầng khu vực trung tâm thành phố tận dụng không gian ngầm dưới lòng đất để phát triển không gian cho dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí đều thuộc các Tập đoàn hàng đầu, như Vingroup... Một số khác lại đang mắc kẹt bởi nhiều nguyên nhiên, điển hình như dự án khai thác không gian ngầm của công viên Lê Văn do CTCP Đầu tư Phát triển Không gian ngầm thực hiện. Ngay cả quy hoạch và thi công một số tuyến xe điện (metro) trong đó có nhiều đoạn đi ngầm dười lòng đất cũng chưa thực sự đi “đến nơi đến chốn” và cho ra kết quả như mong đợi. 

Do vậy, khai thác không gian ngầm, thúc đẩy kinh tế đất vẫn đang là cơ hội ngỏ và là hướng đi hứa hẹn góp phần hóa giải áp lực cạn quỹ đất của các vùng đô thị lớn ở thì tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top