Ai cũng biết rằng thờ cúng tổ tiên là hoạt động tâm linh quan trọng nhất của người Việt. Hơn cả phong tục, nó đã trở thành một nhu cầu trong đời sống văn hoá tâm linh của hết thảy mọi người. Tuy nhiên, từ hàng ngàn năm nay, trong môi trường sống ở nông thôn, trong điều kiện làm nông nghiệp, nhu cầu thờ cúng đã được giải quyết một cách tự nhiên, không gặp nhiều phiền toái. Khi bước vào cuộc sống đô thị nhiều vấn đề mới đặt ra cho việc thờ cúng, mà trước hết là câu hỏi: Đặt bàn thờ ở đâu trong ngôi nhà đô thị - một tổ chức không gian sống khác nhiều so với ngôi nhà truyền thống của người Việt ở nông thôn?
Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt mà Nghệ An là một ví dụ, nơi thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Đó là gian chính giữa trong ngôi nhà ba gian hoặc năm gian. Gian giữa được gọi một cách trang trọng là Trung cung, hoặc trong một số ngữ cảnh nhất định còn được gọi là Gian bảy. Bàn thờ được kê sát vào tường hoặc vách phía trong của gian nhà. Có nơi, người ta còn xây hoặc nới gian giữa rộng ra phía sau, gọi là hậu lâu. Và dĩ nhiên, bàn thờ được đặt trong hậu lâu. Trước đây, bàn thờ còn được gọi là giường thờ, có lẽ vì nó làm giống như một cái giường có chân rất cao, trên cũng trải chiếu.
Gần đây, chủ yếu bàn thờ được làm dưới dạng là bàn hoặc tủ thờ, cũng có khi chỉ là tấm ván hoặc tấm đan bê tông gắn chặt trên tường. Hình ảnh chiếc giường thờ hầu như chỉ còn trong ký ức. Một bàn thờ được coi là đầy đủ thường có khám (đặt ngai, ỷ hay ảnh); mâm tiện hay còn gọi là mâm bồng, mâm cao; mâm dài (đặt đài rượu, đài trầu…); ngũ sự (bao gồm đỉnh, hai cây nến, hai cây đèn), hoặc tam sự (bao gồm đỉnh và hai cây nến). Tất nhiên, trên bàn thờ không thể thiếu bát hương, một hay nhiều bát hương, tuỳ theo nội dung và cách thờ cúng của gia chủ. Tưong tự, gia chủ cũng có thể đặt thêm một số thứ khác như hoa, hoa quả, mâm cỗ, thậm chí cả đồ vàng mã, thuốc lá… Trước bàn thờ có y môn, được làm bằng ván hay vải.
Hiện nay, chủ yếu được may bằng vải, dưới dạng một tấm ri đô có thể kéo ra hai phía. Một số gia chủ thay y môn bằng cửa võng, thêu hoặc vẽ, viết các hoạ tiết truyền thống, các câu đại tự, ghi nhớ công ơn tiền nhân, hoặc khuyên nhủ con cháu. Hai bên bàn thờ thường có một hoặc một số đôi câu đối với những nội dung tương tự. Đó là bàn thờ gia tiên trong ngôi nhà truyền thống. Trong các nhà thờ họ hay nhà thờ chi họ thường phức tạp và phong phú hơn.
Thông thường, ngoài bàn thờ được bày biện phía trong thì gian giữa cũng là nơi tiếp khách. Chủ nhà thường kê tràng kỷ, bàn ghế, hoặc có khi là sập gụ tủ chè tuỳ theo gia cảnh. Như vậy, gian giữa, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà người Việt bao giờ cũng giành cho những gì thiêng liêng hoặc quý giá nhất: nơi thờ cúng và nơi tiếp khách. Động chạm đến gian giữa, hay tục gọi là gian bảy là sự xúc phạm không thể chấp nhận.
Trong điều kiện đô thị không còn nhiều chỗ cho ngôi nhà truyền thống. Nhiều vấn đề đặt ra từ đó, trong đó có vấn đề không gian thờ cúng. Khảo sát sơ bộ ở thành phố Vinh hiện có gần 50.000 hộ gia đình sinh sống và có nhà ở dưới các hình thức khác nhau. Trong đó, trên 3.000 hộ (chiếm 6%) đang ở trong các khu tập thể cũ có từ thờ bao cấp. Tuyệt đại bộ phận các hộ gia đình này chỉ có một gian nhà chính để ở. Và, dĩ nhiên, đó cũng là gian giữa. Bàn thờ ở các gia đình này đơn giản chỉ là một tấm ván hoặc bê tông gắn trên tường. Vị trí của bàn thờ thưòng đặt trên bức tường phía trái hoặc phải, hoặc phía trước bên cạnh cửa ra vào. Thông thường gia chủ cố gắng sắp xếp sao cho hợp phong thuỷ trong điều kiện có thể, nhưng tránh đặt phía trên giường nằm.
Tuy nhiên, thành phố đã có đề án xoá dần các khu tập thể loại này. Khi đó, vấn đề thờ cúng trong các gian nhà tập thể chắc cũng được giải quyết theo một hướng khác. Bên cạnh các khu tập thể cũ, TP. Vinh còn có các khu chung cư cao tầng. Ngoài khu Quang Trung đã có tuổi thọ trên dưới 30 năm, là các khu mới như Tecko, Đội Cung, Hưng Dũng… Hiện nay, đang có trên 2.000 hộ gia đình sống trong các khu chung cư (chiếm khoảng 4%).
Theo quy hoạch thành phố sẽ có hàng chục khu đô thị mới, với hàng chục vạn người ở. Và, đây sẽ là mô hình cư trú chủ yếu trong tương lai đô thị. Không gian thờ cúng trong các căn hộ chung cư này đã và đang là một vấn đề thách thức cho các nhà kiến trúc và xây dựng. Trước hết, người ta khó xác định được địa điểm đặt bàn thờ, vì trong căn hộ mỗi phòng đều đã có chức năng riêng. Khó khăn này thường được giải quyết bằng cách đặt bàn thờ tại những nơi được coi là không gian chung cho cả nhà, thường đó chính là phòng khách. Tuy nhiên, khi đặt bàn thờ ở đây thường gặp hai mâu thuẫn: không phù hợp với không gian nội thất chung và đặc biệt rất khó xử lý vấn đề ám khói mỗi khi thắp hương. Đó là chưa kể nhiều khu chung cư vấn đề nơi thờ cúng không được đặt ra ngay từ khi thiết kế, mà chỉ được các gia chủ tự khắc phục khi dọn đến ở.
Do đó, vấn đề thường không được xử lý một cách triệt để và hợp lý. Một số người cố gắng đặt bàn thờ gần cửa sổ hoặc nơi có thể thông khói. Có người buộc phải gắn thêm tấm kính hoặc dán giấy lên trần phía trên bàn thờ để định kỳ thay khi đã bị ám khói. Một số người cẩn thận hơn còn lên các nhà ở tầng trên, xem phía trên vị trí mình đặt bàn thờ các gia đình phía trên có giành cho việc gì được coi là không sạch sẽ hay không. Dĩ nhiên, với những ngưòi này thì việc lựa chọn không gian đặt bàn thờ trong căn hộ của mình càng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Rõ ràng, đã đến lúc các nhà kiến trúc và xây dựng cần đặt vấn đề nghiên túc để nghiên cứu và giải quyết vấn đề nơi thờ cúng trong chung cư một cách khoa học và hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu về phong thuỷ, vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Ngoài hai dạng cư trú trên đây, ở thành phố Vinh có khoảng trên 80% các hộ gia đình có nhà riêng. Trong đó, có khoảng 40% là nhà kiên cố, chủ yếu là nhà cao tầng. Số còn lại là nhà một tầng. Ở các gia đình ở nhà một tầng, vấn đề nơi thờ cúng được giải quyết chủ yếu theo cách truyền thống. Vấn đề đặt ra là ở các gia đình có nhà cao tầng. Tại các gia đình này cách lựa chọn phổ biến nhất là chọn một gian trên tầng cao nhất để đặt bàn thờ, hoặc xây thành gian thờ riêng. Một số gia đình còn giành hẳn tầng cao nhất để làm nơi thờ cúng. Thậm chí, chúng ta có thể nhận thấy những mái đầu đao cong vút trên nóc một số ngôi nhà hiện đại, dấu hiệu cho thấy gia chủ dành gian nhà đó hoặc tầng nhà cao nhất đó cho không gian thờ cúng.
Cách làm này tạo nên một cảm giác ngồ ngộ về kiến trúc và chắc không nằm trong tính toán của các kiến trúc sư! Đặt nơi thờ tự ở nơi cao nhất có vẻ hợp lý vì một cách nghĩ đơn giản: nơi cao nhất là nơi trang trọng nhất và sạch sẽ nhất, giành nó cho một chức năng thiêng liêng là hợp lý nhất. Thực tế thì cách xử lý này cũng giải quyết được mâu thuẫn khi đặt bàn thờ trong phòng khách. Đồng thời, cũng tổ chức được một không gian thờ cúng trang trọng, riêng biệt, tránh được sự phiền phức khi đặt bàn thờ trong phòng khách, đảm bảo cho sự thờ cúng không bị phi thiêng hoá. Vì những lẽ đó, đây là cách lựa chọn phổ biến của các gia đình khi chuẩn bị xây dựng ngôi nhà mới.
Nghĩ trước bàn thờ
Khi còn ở nhà một tầng
Ngày nào cũng nhìn ảnh mẹ
Bàn thờ gia tiên gần gũi thế
Vừa tầm con cháu thắp hương
Nhà cửa bây giờ cao sang
Nơi thờ tự đặt tầng cao chót vót
Nhìn ảnh mẹ mỗi năm chỉ một
Và ngày tết nữa là hai…
Nhà thơ Vũ An
Tuy nhiên, thực tế lại đặt ra vấn đề như nhà thơ Vũ An đã viết. Nơi thờ cúng đặt ở tầng cao nhất đã làm cho bàn thờ gia tiên vốn gần gũi trở nên cao vời, không gian thờ cúng vốn ấm cúng trở nên lạnh lẽo. Việc chăm sóc bàn thờ gần như chỉ được thực hiện vào các dịp sóc vọng hay ngày tết, ngày giỗ. Đó là chưa kể, đối với người cao tuổi, những người gắn bó nhiều nhất với việc thờ cúng thì đôi khi leo lên được gian thờ là một thử thách không dễ vượt qua, thậm chí bất khả kháng. Rõ ràng, đặt bàn thờ ở tầng cao nhất không phải là một giải pháp tối ưu.
Nhận thức được điều này, một vài gia đình có điều kiện đã xây hẳn nơi thờ tự thành một ngôi nhà riêng. Tuy nhiên, mô hình này là không thể “nhân rộng”. Có người cố gắng thu xếp nơi thờ cúng ngay ở tầng một hoặc tầng hai, với điều kiện các tầng trên đó không dùng cho các chức năng được coi là không sạch sẽ. Xem ra, những cố gắng này cũng chưa thật thuyết phục. Một lần nữa, không gian thờ cúng trong ngôi nhà cao tầng lại được treo lên như một câu hỏi.
Những vấn đề đặt ra trên đây cũng chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, cụ thể, nằm trong mâu thuẫn lớn của quá trình đô thị hóa, một quá trình chuyển làng thành phố! Dĩ nhiên "Sự sống chẳng bao giờ chán nản" (Xuân Diệu), chắc chắn rồi, những câu hỏi này sớm muộn sẽ có lời giải. Một hay một số lời giải sẽ như thế nào, chưa rõ. Nhưng, chắc chắn nó phải đáp ứng trước cả yêu cầu về văn hoá và về kỹ thuật.
Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống. Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899 Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây. |