Aa

Không gian xanh và vai trò cải thiện chất lượng sống của người dân đô thị

Thứ Ba, 26/05/2020 - 05:55

Không gian xanh rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và bền vững của đô thị. Đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, các đô thị cần áp dụng các biện pháp toàn diện để kiến tạo không gian xanh.

Dân cư sống ở các thành phố đang có nhu cầu lớn hơn về không gian xanh để có được cuộc sống lành mạnh, đảm bảo sức khoẻ và cân bằng các mối quan hệ xã hội. Vô hình chung, điều này đã làm gia tăng áp lực lên không gian xanh - vốn đã bị hạn chế, xuống cấp... thậm chí, không gian xanh còn bị cắt bỏ tại nhiều đô thị mới.

Để hiểu rõ về tâm quan trọng của không gian xanh, định nghĩa về không gian xanh và giải pháp kiến tạo không gian xanh trong các đô thị mới, Reatimes xin lược ghi nhận định và quan điểm của KTS.TS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng trong nội dung dưới đây.

Tại sao chúng ta cần không gian xanh?

“Đô thị xanh”, “kiến trúc xanh” tạo ra các không gian xanh đang là vấn đề cấp bách của thế giới, của xã hội về trách nhiệm và lương tâm của những người thiết kế công trình trong thế kỷ XXI trong bối cảnh sự khủng hoảng nghiêm trọng về sinh thái, môi trường và của biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống trên trái đất. 

Xây dựng các đô thị với không gian xanh rộng lớn cũng không phải là một trào lưu mới, mà là sự kết hợp, hòa hợp các yếu tố quy hoạch, kiến trúc, con người hòa nhập với thiên nhiên, bảo tồn sinh thái, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng.

Các khu cây xanh, vườn hoa tạo không gian mở, nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời kết hợp với kiến trúc tiểu cảnh và các tiện ích để người dân có thể luyện tập thể thao, đi dạo..

Mở rộng phát triển các không gian xanh là hướng đi tất yếu của ngành quy hoạch, kiến trúc - xây dựng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và tương lai bởi nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại, quá khứ cũng như tương lai.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với nhiều công bố, nghiên cứu về tầm quan trọng của không gian xanh đối với việc sống tốt và sức khỏe cộng đồng đã chỉ ra rằng, các không gian xanh đô thị như công viên, sân thể thao, rừng cây, ven hồ và vườn mang đến cho mọi người không gian để hoạt động thể chất, thư giãn, yên bình và thoát khỏi nhiệt độ nóng bức. Theo đó, những không gian này làm giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Không gian xanh cũng góp phần giúp cho chất lượng không khí được cải thiện, giảm tiếng ồn giao thông.

Hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng trong thành phố có quy mô nhỏ, nhiều nhà cao tầng, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, thiết kế mở rộng các không gian xanh tự nhiên, nhân tạo…

Mặc dù cũng đã có rất nhiều hoạt động của chính quyền, các nhà quản lý, các tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình đưa ra các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc xanh nhưng thực chất, do nhận thức chưa đầy đủ đã dẫn đến những cách làm chưa triệt để, thiếu tính bền vững.

Về mặt kiến trúc, chưa phát huy được các lợi thế của điều kiện tự nhiên, các kinh nghiệm truyền thống của thế hệ đi trước trong việc tạo dựng môi trường ở xứ nhiệt đới. Về mặt quản lý và sử dụng công trình, chưa chú trọng vào vấn đề tiết kiệm năng lượng, việc quản lý chất thải, khí thải chưa được thực hiện triệt để. Về quy hoạch, chưa có sự nghiêm túc trong quản lý, giám sát thực hiện, dẫn đến tình trạng diện tích không gian xanh, không gian công cộng bị cắt xén.

KTS.TS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng 

Không gian xanh cần phải hiểu một cách toàn diện

Theo GS. Simon Bell, trường Đại học tổng hợp Estonian - Hoa Kỳ: “Không gian xanh bao gồm các công viên và các khu vườn công cộng, vườn cá nhân, nghĩa trang, cây xanh trên các tuyến đường phố, dọc các bờ sông với cây xanh và các thảm thực vật, các hành lang giao thông vận tải với các cây xanh và các thảm thực vật…”.

Theo WHO, không gian xanh như công viên, sân thể thao cũng như rừng và các đồng cỏ tự nhiên, đất ngập nước hoặc các hệ thống sinh thái, là một thành tố cơ bản của bất kỳ hệ sinh thái đô thị nào…

Theo quan điểm của Nhà nước, trong thực tế hiện nay, cụm từ “không gian xanh” đã được sử dụng trong một số đồ án quy hoạch chung đô thị và thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là không gian xanh thì chưa có định nghĩa một cách rõ ràng, minh triết. Đồng thời, trong thực tiễn cũng đã có những khó khăn khi xác định không gian xanh trong đồ án quy hoạch đô thị cũng như triển khai quản lý không gian xanh theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. 

Do vậy, để làm rõ thuật ngữ “không gian xanh” cần thiết phải nghiên cứu các khái niệm, định nghĩa của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đưa ra khái niệm không gian xanh, để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý không gian xanh của đô thị.

Những tòa chung cư gắn liền với thương hiệu Văn Phú - Invest đang mang lại không gian sống xanh, trong lành cho người dân Hà Nội

Trong quy định của pháp luật hiện hành, thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị đã xác định không gian xanh bao gồm “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị”. Ngoài ra “cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa” đã được quy định tại các văn bản về quy hoạch đô thị trước đây gồm: Nghị định 64/2010, Nghị quyết 1210/2016/NQ-UBTVQH, Tiêu chuẩn số 4449/1987/TCVN. Như vậy, hiện nay khái niệm về không gian xanh chưa có khái niệm cụ thể và rõ ràng trong các quy định của văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Từ việc nghiên cứu những quan điểm của các nhà khoa học và quy định tại các văn bản pháp luật trong nước và nước ngoài, đồng thời, với phương pháp tiếp cận hệ thống, theo tôi, định nghĩa "không gian xanh là không gian mặt đất, mặt nước với các đặc điểm địa lý khác nhau được bao phủ bởi các loại thực vật, động vật; không gian xanh tồn tại và phát triển khi không có hoặc có sự tác động của con người với các mức độ khác nhau". Với mục tiêu phát triển đô thị bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, không gian xanh có thể được phân chia thành 3 loại gồm: Không gian xanh tự nhiên, không gian xanh bán tự nhiên và không gian xanh nhân tạo.

Không gian xanh tự nhiên là không gian xanh đang tồn tại những loài thực vật, động vật đặc trưng bản địa tái sinh mà không có sự can thiệp của con người. Các tác động của con người vào không gian xanh tự nhiên nếu có thì rất hạn chế, chỉ nhằm mục đích chính là bảo vệ sự đang dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Không gian xanh bán tự nhiên là các không gian xanh tự nhiên nhưng có sự can thiệp của con người theo các mức độ khác nhau tuỳ thuộc mục tiêu bảo vệ và phát triển các không gian xanh này và các mục tiêu phát triển khác.

Để tạo không gian xanh tại các dự án diện tích có hạn thì cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng không gian xanh tự nhiên, không gian xanh nhân tạo và không gian xanh bán tự nhiên 

Không gian xanh nhân tạo là không gian xanh tự nhiên, bán tự nhiên hoặc các khu vực đất trống đã được con người đầu tư trồng cây xanh, thảm thực vật; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình, trang thiết bị với các hoạt động nhằm phục vụ các mục tiêu nâng cao sức khoẻ tinh thần, thể chất của người dân và các mục tiêu khác (thẩm mỹ đô thị, môi trường đô thị và kinh tế đô thị). Không gian xanh nhân tạo bao gồm công viên, vườn hoa, cây xanh trong các khu dân cư, công trình công cộng, trụ sở cơ quan, cây xanh đường phố.

Vì vậy, để tạo không gian xanh tại các dự án diện tích có hạn thì cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng không gian xanh tự nhiên, không gian xanh nhân tạo và không gian xanh bán tự nhiên để đảm bảo tính thẩm mỹ, tính hợp lý, công dụng thực tế. Nói chung, để tạo được không gian xanh cho các dự án cần tuân thủ các chỉ tiêu về Quy hoạch đã được quy định trong các đồ án.

Kiến tạo không gian xanh phải hài hoà lợi ích các bên

Ý tưởng xanh hóa đô thị không dễ dàng để thực hiện, và đặc biệt, không hề giống nhau ở các đô thị. Mỗi nơi có một điều kiện khác nhau, do đó, cần phải có các giải pháp thực tiễn hợp lý, có quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo và cộng đồng nhân dân cùng chung tay hợp sức. Đặc biệt, các nhà đầu tư khi lập dự án thường yêu cầu chặt chẽ về mật độ xây dựng tối đa và hệ số sử dụng đất lớn nhất. Tuy nhiên, với diện tích có hạn, việc tổ chức không gian xanh vẫn có thể thực hiện được dưới bàn tay của các kiến trúc sư.

Để thành công với các dự án không gian xanh có diện tích hẹp, người thiết kế và chủ đầu tư cần làm rõ dự án phục vụ đối tượng nào? Lĩnh vực nào? Phạm vi đáp ứng nhu cầu của dự án cho đối tượng nào? Khó nhất trong dự án không gian xanh là phải hài hoà lợi ích của các bên Nhà nước - Nhà đầu tư (kinh doanh) - Nhà sử dụng. Vì vậy, cần cân đối để phát triển một cách bền vững.

Để tạo ra một dự án xanh mọi người đều hiểu rằng không chỉ đơn thuần là dự án có nhiều cây xanh mà dự án đó phải đáp ứng được một số tiêu chí theo các nhóm vấn đề sau: Lựa chọn vị trí và tôn trọng đặc trưng địa điểm; quy hoạch và thiết kế không gian xanh; quy hoạch và tổ chức giao thông; công trình xanh; hạ tầng xanh; quản lý vận hành các sáng kiến khác. Tuỳ khả năng và nhu cầu của chủ đầu tư có thể lựa chọn các tiêu chí trên cho dự án của mình với các yêu cầu tổ chức không gian xanh cho toàn bộ dự án.

Đặc biệt, để phát triển một đô thị có không gian xanh, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, không chỉ đối với khu đô thị hay tòa nhà xây mới 100% mới có thể áp dụng kiến trúc xanh mà ngay cả những tòa nhà, những khu chung cư cũ cần cải tạo cũng có thể sử dụng các giải pháp kỹ thuật xây dựng xanh như mặt đứng sử dụng cửa 2 lớp (ngoài gỗ trong kính) để mùa hè giảm nhiệt, mùa đông giữ nhiệt, sử dụng đèn điện tiết kiệm năng lượng, mặt nhà thiết kế zic zac nhiều cửa sổ, sử dụng làm mát mái bằng cách trồng cỏ, bể nước… sử dụng nước thải để tưới cây, rửa xe, tận dụng năng lượng mặt trời… để giảm chi phí vận hành, loại trừ sự tác động của công trình đến môi trường và sức khỏe con người, tổ chức sân chơi, vườn hoa trong các khu vực đất trống trong các khu chung cư cũ.

Với các toà nhà cao tầng trong các dự án có thể đề cập đến việc lắp đặt mái nhà xanh hoặc cây xanh thẳng đứng. Với kiến trúc này có thể xử lý nước, làm sạch không khí trong và xung quanh tòa nhà và giữ cho tòa nhà mát mẻ một cách tự nhiên, do đó giảm sử dụng năng lượng và lượng khí thải carbon. Hơn nữa, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh bao gồm việc tạo hành lang sinh thái, hệ thống công viên và rừng đô thị, tất cả đều giúp bảo vệ đa dạng sinh học, điều chỉnh nhiệt độ và lọc không khí và nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top