Aa

Không kiên quyết, khó lòng xử lý triệt để

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 18/09/2020 - 06:00

Có tới hàng trăm dự án vẫn đang mòn mỏi chờ khởi động cả chục năm giữa đất vàng Thủ đô, “treo” cả cuộc sống của người dân, gây lãng phí vô cùng nhưng đến nay bài toán xử lý triệt để vẫn còn bỏ ngỏ.

Hà Nội vẫn còn 300 dự án "treo"

Dự án "treo"... treo đến bao giờ! Đó là câu cảm thán mà dư luận đã nhiều lần thốt lên khi nhìn vào thực tế của các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang, sử dụng sai mục đích (vẫn được gọi chung là dự án "treo") trong thời gian qua. Việc xử lý các tồn tại hay thu hồi đất vàng ở những dự án này vẫn là điệp khúc chưa có hồi kết. Các dự án “treo” vẫn tồn tại nhan nhản rải khắp các huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô.

Trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay mới chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp Thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên lộn xộn, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, không ít hộ dân rơi vào cảnh bi đát. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh này.

Theo đó, trong hơn 300 dự án, có những dự án đã nằm đắp chiếu, phơi sương từ 10 - 20 năm, tạo thành những mảng màu nhếch nhác giữa lòng Thủ đô. Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng cho sử dụng sai mục đích, lấn chiếm đất công, nguy cơ thất thoát cao. Đó là chưa kể đến các hệ lụy khác như đời sống người dân bấp bênh, hạ tầng tạm bợ, ô nhiễm môi trường...

du-an-thinh-liet-bo-hoang
Dự án khu đô thị Thịnh Liệt (Hoàng Mai) bỏ hoang nhiều năm.

Đơn cử, tại huyện Quốc Oai có dự án khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm. Tại quận Tây Hồ, dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long kéo dài tới hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng xong. Quận Hai Bà Trưng, dự án của công ty CP Tu tạo và phát triển nhà, chậm tiến độ 17 năm. Quận Hoàng Mai, dự án khu đô thị Thịnh Liệt có tổng diện tích 35ha chậm tiến độ 10 năm. Quận Cầu Giấy, có dự án B9, C3 khu đô thị Nam Trung Yên cũng chậm triển khai nhiều năm.

Không ít dự án sở hữu các lô đất vàng, gần trung tâm như Tháp Tài chính Quốc tế - IFT (quận Cầu Giấy), dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng - quận Ba Đình), dự án Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm) cũng nằm trong danh sách dự án “treo”.

Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của TP. Hà Nội, lãng phí hàng triệu mét vuông đất, nguồn tài nguyên quý giá và ảnh hưởng đời sống của người dân trong vùng dự án.

Dự án càng “treo”, đô thị càng “rỗng”

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); Thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; Thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; Vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... Trong đó, sự dễ dãi trong việc giao đất, cấp phép để dự án rơi vào tay chủ đầu tư không có năng lực là lý do lớn nhất khiến các dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích.

“Có một thời gian chúng ta cũng rất dễ dãi, thiếu kiểm soát khi cấp giấy phép cho dự án. Trong quá trình phát triển, xuất hiện cơ chế xin - cho, luồn lách cửa sau, bất chấp các thủ tục. Chủ đầu tư bằng những cách như thế để có được dự án nhưng lại không có năng lực triển khai, dẫn đến sử dụng sai mục đích, kinh doanh tạm, cho thuê tràn lan…, kiếm lời trên mảnh đất của đô thị và đôi khi chính quyền đô thị biết nhưng làm ngơ vì nhóm lợi ích”, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận.

trương van quang
TS.KTS. Trương Văn Quảng.

Theo vị chuyên gia, nếu không kiên quyết thu hồi và xử lý các dự án tồn đọng, sẽ tạo ra những đô thị “rỗng”, khi dự án cấp phép dày lên nhưng không có sự phát triển:

“Nếu cứ cấp cho cả trăm dự án làm mà doanh nghiệp không xây thì đô thị đó “quá rỗng”. Dự án cứ khoanh đất ở đấy, rào lại nhưng không phát triển, người dân ở trong đó thì chưa được giải tỏa, đền bù. Người dân sống trong đó sẽ rất khổ. Lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng vì đường sá, hạ tầng không có, nhà cửa hư hỏng không được sửa hay xây mới, cảnh quan môi trường không có... Thậm chí tạo ra một cảnh quan đô thị rất nhếch nhác", ông Quảng nói.

Những bất cập và hệ lụy có thể nhìn thấy từ các dự án treo đã quá rõ ràng và trở thành nỗi ám ảnh cho của người dân Thủ đô kể từ sau cuộc chạy đua ồ ạt cấp phép dự án 10 năm trước khi Hà Nội mở rộng. Pháp luật đã có chế tài cho dự án treo nhưng việc xử lý vẫn chỉ như nước đổ lá khoai từ năm này qua năm khác. 

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 11 nêu rõ, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai nhưng việc triển khai dường như vẫn theo chiều hướng “trên nóng, dưới lạnh”. Thậm chí có những dự án đã có quyết định thu hồi nhưng việc xử lý vẫn rất chậm. 

nam-trung-yen
Dự án tại Nam Trung Yên chậm triển khai nhiều năm.

Sau một thời gian dài chạy theo sự phát triển, chắc chắn sẽ có những dự án gặp sai sót về thủ tục đầu tư. Mặt khác, trong thời gian “treo” dự án, có thể chủ đầu tư thứ cấp đã vào. Dự án lớn có thể chia sẻ thành nhiều dự án con thậm chí chuyển nhượng, bàn giao cho nhiều chủ đầu tư thứ cấp và vì quá trình này không quản lý được nên rất khó khăn trong việc thu hồi.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Đối với những dự án đã chuyển nhượng thì phải xem xét xem doanh nghiệp thứ cấp có đủ khả năng triển khai dự án hay không, nếu không đủ thì cũng phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở ban ngành cần đưa ra một bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án nào sẽ thu hồi 100%, dự án nào thu hồi theo từng phần.

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng, trong việc xử lý dự án treo, cũng cần phải xác định được nhu cầu thật của phát triển đô thị, ví dụ với chừng này dân thì yêu cầu chừng này diện tích đất, còn lại để dự trữ. Đất để dự trữ thì vẫn để người dân sống, phát triển về nông nghiệp, dịch vụ. “Cần phải hạn chế một cách tối đa quy hoạch treo đang dẫn đến việc tình trạng “cái áo rất rộng” nhưng thực ra bên trong đó không có gì cả”, ông Quảng nói.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. 

“Tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án.

Theo cách này, ngân sách Nhà nước vừa được lợi rất lớn, trong khi nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai, hạn chế tối đa các nhà đầu cơ đất, ôm đất chờ thời", GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đề xuất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top