Aa

Không kiễng chân để sống

Chủ Nhật, 31/07/2022 - 06:12

Nếu không phải tỏ ra ta sống hơn người thì kiễng chân lên để sống là rất mệt. Ta cứ học cây trên núi, học bình dị như người ở núi, thì sống ở Hà Nội vẫn là thiên đường của không gian văn hóa nghệ thuật...

Người ở núi, sống bên núi cao cứ bình dị như loài cây cỏ, đá xám, sống gần với vạt hoa cứ nở tung rực rỡ rồi lặng lẽ lụi tàn cùng năm tháng, như nhiên. Không có lời ngợi khen, càng không có ai ngó nghiêng, hoa tự nở tự tàn, tự nhiên như nhiên vậy. Không cần cố gắng. Không cần ai kiễng chân để nhìn hoa. Ở trên núi rất ít người kiễng chân nhìn hoa, và cũng ít người kiễng chân để bon chen sống.

Đi núi, tôi nghiệm ra người ở núi bình thản với cỏ cây rau quả trong vườn. Đến mùa thì thu hoạch rồi dành tiền chi tiêu cho con học hành. Hình như ở núi không thấy tâm lý các bậc cha mẹ chạy trường chuyên cho con, không thấy cảnh xếp hàng lấy số thứ tự ghi tên cho con vào trường thi thố. Giống như ngàn cây hàng trăm năm tuổi vẫn rù rì bên núi và bên thác, bọn trẻ đến lớp vẫn như cha mẹ ra đồng làm lúa trồng đậu. Ắt hẳn họ không dạy con phải kiễng chân lên để cố gắng, để có thành tích, bằng khen hay giấy khen. Nhưng sức học tập của trẻ em ở núi vẫn rất hiệu quả. Đó cũng là một giá trị sống, một quan niệm sống của người ở núi, khác biệt người dưới xuôi.

Không gian văn hoa Mường ở Hòa Bình (Ảnh: HVH)

Từ lần đầu lên tới sông Đà, tôi đã trở lại nhiều lần mà không bao giờ thấy chán. Sông có sức hút riêng, vẫn có những bè nứa, những thuyền nan như những chiếc lá tre, trôi thư thả trên dòng nước; người đi buông lưới và bắt ốc núi, nó làm cho tôi liên tưởng tới phim "Ai xuôi Vạn lý" của đạo diễn Lê Hoàng, con thuyền lao trong nước xiết với một chiếc ba lô đựng bình tro của người lính trở về quê.

Năm tháng đã lùi xa, những thước phim đã đóng máy, mà số phận người lính còn ám ảnh đến se sắt trong những ngày tháng 7 này, tháng 7 của một ngày biết ơn những người vô danh, những chiến sỹ không tiếc tuổi xuân hiến dâng thân mình cho cuộc chiến, giành ngày hòa bình trở lại trên đất nước ta. Không chỉ có tháng 7, mà cả nhiều tháng năm nhân dân ta vẫn chưa quên công sức và máu xương của những người lính tình nguyện.

Đời sống của người Mường ở bản Mường cổ vẫn êm đềm trôi. Hình như dịch bệnh cũng chưa ngó nghiêng đến nơi này. Du khách đi lên Thác Bờ ngày một đông sau hai năm dịch giã. Sông Đà giang vẫn có người thả bè lau đi đánh bắt cá lăng sinh sống.

Ở Hòa Bình còn có một bảo tàng tư nhân của Vũ Đức Hiếu. Khi tôi đến thấy có mấy đôi bạn trẻ tìm địa chỉ bảo tàng này để thăm thú văn hóa Mường và họ chọn cách đi chơi trên núi ở ngay trong vườn bảo tàng. Không gian văn hóa Mường cổ rất đáng để đi, để xem, để thấy ngôi nhà Lang hơn 100 năm đã bị cháy, bị xóa đi bởi thời gian và được phục dựng lại dưới con mắt bảo tàng văn hóa chuyên nghiệp của nhà báo Vũ Đức Hiếu.

Ô tô ở bảo tàng Mường cổ, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: HVH)

Tất cả cho thấy một người đam mê ra sao và bảo tàng văn hóa nó dụng công và tốn nhiều công sức thế nào. Cho thấy làm lạ, không hiểu sao một người Kinh lại đam mê văn hóa Mường, một người làm bảo tàng về dân tộc Mường lại là người Kinh? Nhà báo Vũ Đức Hiếu còn trẻ, anh còn đủ thời gian đam mê phục dựng và bảo tồn văn hóa Mường. Cũng như nhà thơ Đỗ Thị Tấc, người dân tộc Kinh 100% lại dành hết phần đời còn lại để chỉ làm một việc: gây dựng bảo tàng văn hóa Thái. Thật kỳ diệu.

Khi xem bảo tàng này, có một bạn trẻ người Mường hỏi tôi: “Sao cô không bán nhà phố lên đây mà sống cho khỏe, xa rừng bê tông chả sướng hơn à?”. “Nhưng tôi yêu Hà Nội, làm sao bỏ đi đây?”. Ấy là khi còn trẻ, bạn mới nghĩ được như thế. Khi tuổi đứng bóng như tôi, phải sống gần bệnh viện, và còn một điều là tôi sinh ra và ở đó đến hết cuộc đời rồi. Không gian sống ở Hà Nội, thường xuyên cho tôi được đi xem những triển lãm nghệ thuật về ảnh hay triển lãm mỹ thuật, thật đẹp. Những địa chỉ như Trường Đại học Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, là Bảo tàng Mỹ thuật phố Nguyễn Thái Học, là Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, 29 Hàng Bài, luôn luôn có những không gian văn hóa tuyệt đẹp mà không dễ gì nơi khác có. Không gian văn hóa này chỉ có ở Hà Nội, thường xuyên giới thiệu cho người dân xem. Nó có một sức hút riêng, nâng bước chân bạn đi nhanh hơn, hoặc muốn bạn ngồi lại bên thềm cửa nghĩ ngợi về cuộc đời với những lát cắt khác của cuộc sống mà bạn vừa xem. Nó làm giàu cho đời sống tinh thần của bạn với nhiều chiêm nghiệm khác.

Buồng chuối, giàn ngô ở bảo tàng Mường cổ, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: HVH)

Khác với thiên nhiên ở núi vùng Hòa Bình, Hà Nội của tôi có hẳn một không gian thị giác của họa sỹ thị giác Ly Hoàng Ly, chị ở Mỹ về triển lãm trưng bày ở ngõ Hàng Bún với “Người mơ” trong một không gian hẹp nhưng đầy ngỡ ngàng của một nữ họa sỹ nhỏ nhắn, đã làm được những điều vượt xa vóc dáng của chị. Những tấm ảnh của món xương nấu phở, khi xa xứ nhớ quê nhà, từ mớ xương nấu phở ninh nước ngon cho con ăn mà ngẫm ngợi về đủ thứ trên đời, trong đó chị chất chứa nỗi niềm da diết yêu Hà Nội, vị Hà Nội và cánh cổng của nhà ông bà, cha mẹ ta xưa, cánh cổng đóng chiện trong ký ức đời người. Triển lãm đánh thức người xem về nỗi quê hương và tâm trạng day dứt khác khi người Việt xa quê, có những đau đáu.

Ở một không gian khác, họa sỹ Đỗ Quyên Hoa cũng trưng bày 39 tranh sơn dầu và acrylic, ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chị vẽ chuyên về miền núi cao, tranh của chị thấm đẫm hồn núi sông, cỏ hoa và núi rừng nước Việt; triển lãm tranh cũng kết hợp tặng 5.000 xuất quà cho bữa cơm có thịt của chương trình vì trẻ thơ, với sự chia sẻ của trái tim làm mẹ, nỗi niềm nhân ái của Đỗ Quyên Hoa vì trẻ thơ sống ở núi. Và đây nữa, triển lãm ảnh thật đa dạng của 12 tác giả, nhóm họa sỹ với chủ đề “Trở lại” của nhóm tay trái, mà ảnh chân dung và ảnh góc nhìn về chung cư cũ Hà Nội thật ấn tượng.

Những vệt nắng, ánh sáng và bóng râm đã là đề tài thu hút của tay máy như nhiếp ảnh Cường Tuse, anh dành cho sự sống biết bao sự đáng yêu của đất kinh kỳ dưới góc nhìn sắc sảo khác. Họ là họa sỹ, và ngành nghề khác, bấm máy là tay trái. Có tấm ảnh giống như một dấu lặng về sự cảm thông với hai cha con. Đứa con bị bệnh tâm thần, trên áo ngực của em đeo tới 2 số điện thoại, người cha đi sau đứa con. Vậy thôi. Và ảnh kể rằng người cha đằng đẵng cả đời theo gót chân con đến lúc ngưng thở.

Rất nhiều tâm trạng và không gian sống trong các phòng tranh và ảnh. Ở không gian nghệ thuật phố cổ số 22 Hàng Buồm còn có những tấm ảnh của người Hà Nội chụp phố Hà Nội, góc phố còn nguyên viên gạch mòn vẹt, một gánh hàng rong, hay góc phố Tạ Hiện lúc nào cũng đông khách tới ăn uống và ánh đèn đêm khuya gần hồ Gươm. Ẩm thực Việt hay ẩm thực Hà Nội đã đi vào tâm thức nhiều thực khách, người ăn tinh tế và người ăn sành điệu ở đây.

Ảnh triển lãm nghệ thuật phố cổ ở 22 Hàng Buồm (Ảnh: HVH)

Chưa bao giờ phố cổ lại đông hàng quán và đông khách thập phương đến vậy. Du khách nước ngoài đến Hà Nội với nhiều điểm đến, có địa chỉ văn hóa sử thi, có địa chỉ vui chơi giải trí và nhiều cách lựa chọn khác. Họ có thể xem sân khấu chèo Hà Nội, hay múa rối nước ở nhà hát Thăng Long; họ có thể thuê xe máy lên hồ Tây ngồi uống trà sen và nhìn sen tàn nở. Họ có thể nghe nhạc ở phố đi bộ hồ Gươm và đi qua Ô Quan Trưởng thì ghé ăn bún ốc nguội ở phố Hàng Chiếu…

Có thể lên núi, lên đỉnh Thác Bờ xem hầu đồng, xem 5 giá Cô 3 giá Hoàng, nghe hát ở nơi núi cao và mộng mị cũng lắm thứ ngờ vực lắm. Bà chúa Thác Bờ có nghe con dân xin đủ thứ và vẫn mỉm cười nhìn họ đấy thôi. Cuộc đời có lẽ ngay dưới chân Bà vẫn còn người mò cua bắt ốc đá đi kiếm ăn từng bữa. Cơ man nào lời giải cho ấm no hạnh phúc con người.

Nhưng quả thật, người ở núi không có tham vọng như người dân phố thị. Phố thị vẫn có người chọn an nhiên để sống, họ không kiễng chân đi xem tranh, xem ảnh và xem phim. Có người Hà Nội cũ chỉ chọn sống đạm bạc, chỉ mơ được sống như ý thích, được nhàn tản đi bộ mua một chiếc vé xem phim, hay ăn một bát mỳ vằn thắn ở phố Huế, nơi có hiệu sách mậu dịch ngày xưa, rồi thư thả về góc sân rêu hiên nhà đọc sách. Hà Nội có không gian sống, không cần phải kiễng chân lên chạy vạy mua ô tô trả góp, chạy vạy mua nhà trả góp.

Nếu không phải tỏ ra ta sống hơn người thì kiễng chân lên để sống là rất mệt. Ta cứ học cây trên núi, học bình dị như người ở núi, thì sống ở Hà Nội vẫn là thiên đường của không gian văn hóa nghệ thuật, nơi mà các nghệ sỹ ưu tú nhất vẫn có những phòng tranh, phòng ảnh đem đến cho người dân một vẻ đẹp mà người ta nên học cách cúi đầu khiêm nhường như hạt lúa, lúa chín tỏa hương thơm thôi. Lúa đâu có nói gì, rì rào gì, lúa đâu có kiễng chân khi trổ bông?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top