Aa

Không mặc cả với sông Gâm

Thứ Hai, 24/01/2022 - 06:15

Tôi đứng giữa đồng đất ngẩn ngơ khi phát hiện phía chân núi hàng xoan đổ lá vàng, bầy chim sâu lích rích gọi nhau ngay bên vườn hoa cải...

Mùa xuân đi thuyền ở bến Thượng Lâm, tôi đã không mặc cả với sông Gâm khi leo lên thác Khuổi Nhi (xã Thượng Lâm, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Sau khi leo núi, nhìn thác lội suối, rồi đứng im nín thở cho bầy cá liếm chân, cảm giác cá liếm chân như được đi mát xa ở các tiệm spa sáng lóa trong ánh đèn ở phố thị.

Thác Khuổi Nhi và nhiếp ảnh. (Ảnh: HVH)

Lội suối dưới thác Khuổi Nhi, sang Khuổi Sung, vượt qua mấy dốc rêu trơn xanh mướt để tới Nà Khuôn ngồi dưới ngôi làng chân núi chỉ có 7 ngôi nhà. 7 ngôi nhà mới di dân lên đó từ dưới lòng sông, rời nước lên núi ở. Họ vỡ đất trồng ngô, gieo lạc, chăn nuôi đủ sống an nhàn ở vùng quê kỳ diệu có 99 ngọn núi thần tiên này. Ở đây núi chồng núi mà trong nhân dân truyền miệng huyền thoại rằng, từng có 99 con chim đậu lại ở mỗi ngọn núi, đến con chim đầu đàn bay về thì không có núi thứ 100, do đó bầy chim bay đi. Chim bay về Hà Nội, để Hà Nội dấu yêu trở thành Thủ đô bây giờ. Dân làng vẫn say sưa kể, về núi, nên tôi chả dại gì mà mặc cả với sông Gâm.

Tôi đi sông suối một ngày, còn dành cả tuần cho núi, sông Gâm chắc không giận tôi. Sáu ngày ở Nà Đông hay Nà Thuôn, tôi phải test Covid-19 tới 3 lần. Tôi đi Khuổi Nhi về, tối xem nhảy sạp, rồi nghe đàn tính, nghe sáo của người H’Mông, vi vu thật buồn nhưng cũng thật đẹp như trăng dậy thì treo nghiêng vách núi. Sáng ra, tôi bỏ bữa sáng để đạp xe lên Nà Thuôn gặp cháu Thùy, cùng gieo ngô và trò chuyện về những ngày Covid-19.

Bến thuyền Thượng Lâm vắng khách du lịch. Thuyền ngủ trưa ngủ tối buồn hiu. Những bao tải ngô, thóc chất đầy nhà sàn, người dân dùng hàng ngày, ăn không hết thì chăn nuôi. Chăn nuôi gà, ngan, ngỗng béo quay mà ra chợ không có ai mua thì về để nuôi heo tiếp. Ngan cũng già và ngỗng cũng già, Tết này đem quay. Lợn quay hay gác bếp, hay nướng, hay cho tủ đá chờ sang mùa xuân, người dân chưa biết tính sao.

sông Gâm
Trên sông Gâm. (Ảnh: HVH)

Tôi đứng giữa đồng đất, ngẩn ngơ khi phát hiện phía chân núi hàng xoan đổ lá vàng, bầy chim sâu lích rích gọi nhau ngay bên vườn hoa cải. Sự bình yên tĩnh lặng đến nỗi người gieo ngô cứ việc gieo ngô, chim sâu, chim ngũ sắc cứ sà xuống vườn cải gieo lẫn ngô bắp ra hoa, họ trồng gối vụ. Chiếc máy bừa đỏ chót đang cần mẫn cày ải, đất tơi ra.

Ở Nà Đông, tôi hỏi đường một cháu đang say rượu, hỏi tên biết cháu là Viên, cháu bỏ cối xay bột đi chỉ đường cho tôi tới vườn cam nhà dân. Hắn say rượu mà chạy chân đất để chỉ đường, Viên bảo: “Cháu là Nông Văn Viên, cháu chỉ đường cho cô nhé”. Lắc lư chân nam đá chân chiêu, cậu nói: “Cháu sẽ chụp ảnh thật đẹp cho cô ở vườn cam”. Lối vào vườn cam nhà anh Văn Ngôn không xa lắm, đường đi đầy tre nứa và những chiếc ao nhỏ. Ven đường, những vườn cọ ngả nghiêng xòe lá. Người dân trồng cọ và dùng cọ để lợp mái bếp, chuồng lợn, chuồng trâu mùa rét, họ biết che chắn và bảo vệ gia súc, gia cầm. Gà eo óc gáy ở cuối vườn. Ngan ngỗng từng đàn ở dưới ao, tre trúc lòa xòa quanh mình.

Nà Đông
 Ở Nà Đông người dân thu hoạch ngô. (Ảnh: HVH)

Vườn cam của chủ vườn Văn Ngôn khá rộng. Sau tiếng gọi của Nông Văn Viên, Viên say rượu bảo: “Có người Hà Nội lên vườn anh Ngôn ơi”, rồi bàn giao cho chủ vườn: “Em về để xay bột tiếp, không vợ em mắng”.  Sự nồng hậu nhiệt tình của dân bản địa thật ấm lòng mỗi khách phương xa. Ở đây nhà không bao giờ khóa cửa, càng không có người nghiện hút, không có ma túy và không bao giờ có trộm cắp. Người dân ở đây chấp nhận nghèo để giữ rừng và bảo vệ rừng.

Anh Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch huyện Lâm Bình cho tôi biết: “Môi trường ở đây trong lành, dù huyện còn 4 xã cực kỳ nghèo khó, nhưng dân chấp nhận nghèo chứ không phá rừng”. Bạn đi, tre nứa ở đâu cũng gặp. Khi anh Văn Ngôn ở bến thuyền Thượng Lâm trở về, anh bảo có bạn gọi ra lấy cá về ăn. Cá chép vẩy vàng, nấu với lá theo chua ngon phải biết. Chủ vườn cam mời khách ăn cam, nhưng tôi không có bụng dạ nào ăn cam mà đi thăm vườn cam chín đẹp như mơ.

Anh Văn Ngôn trồng cam và nếu không có dịch Covid-19, khách du lịch sẽ đến thăm thú rất đông. Họ mua cam và chụp ảnh vườn, chụp phong cảnh núi non xanh biếc. Văn Ngôn có một thuyền ở bến Thượng Lâm, anh cho hay, vì 2 năm dịch bệnh vắng khách du lịch, anh đầu tư cho vườn cam và năm 2021 cũng thu được gần 100 triệu đồng. Đời sống mà người dân cho rằng dân trí nghèo thì quả là giấc mơ vàng của người thành phố. Theo TS. Ngô Kiều Oanh: “Dân ở Thượng Lâm không nghèo, nhất là mấy xã Nà Đông, Nà Thuôn, Nà Liềm. Rừng đã nuôi họ sống ấm no, vì người dân bản địa biết giữ gìn, bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”. Bà Ngô Kiều Oanh cũng đang làm dự án phủ xanh môi trường từ việc trồng cây thuốc nuôi ong và chăn nuôi. Sản phẩm địa phương Lâm Bình sẽ được nhân rộng từ nấm hương, măng, mật ong và các vị của lá thuốc dân gian.

Bến thuyền thượng lâm
Bến thuyền Thượng Lâm. (Ảnh: HVH)

Ở đây có rất nhiều nhà sàn homestay, giá ngủ đêm cho mỗi người là 80.000 đồng/ngày, những bữa ăn từ 50 đến 100 ngàn cho bữa trưa, tùy theo sở thích món ngon. Đặc biệt nhất ở Thượng Lâm có các món cá bỗng nướng, món pắc pi hoa chuối trộn thịt băm với các vị lá rừng. Bạn ăn sẽ không muốn nuốt ngay vì vị quá thơm, vị ngọt của hoa chuối cứ dậy lên mùi hương. Nếu thưởng thức hương và vị của núi rừng thì ở đây, quyến rũ những du khách sành ăn hạng nhất luôn là món ăn. Mâm cơm ở đây là mâm mẹt lót lá chuối, không có đĩa, mâm cơm 6 đến 7 món chỉ bày trên mẹt mà thôi. Bạn leo núi đi suối về, ngồi thưởng thức cơm mâm lá cảm giác rất ngon miệng. Bao nhiêu mệt nhọc đường xa tan biến. Không tin bạn hãy đến với Lâm Bình, nơi cách Hà Nội gần 400 cây số, nếu đi núi bạn hãy hỏi thăm dân địa phương, họ rất nhiệt tình giúp bạn.

Mâm cơm ở vùng sơn cước. (Ảnh: HVH)

Đến với Tuyên Quang, nơi đây không chỉ có hồ, sông, suối và núi non rừng già. Lâm Bình ở nơi xa nhất, cao nhất. Vùng sơn cước này, những nhà sàn bếp lửa, bạn sẽ được nhìn và được nghe hát then, vi vút sáo H’Mông, những đêm lửa trại sẽ đem lại cho bạn những ngày tháng gần gũi với đất và rừng xanh, dịch giã như lùi ra xa, hạnh phúc êm đềm trở lại bên lữ thứ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top