Aa

Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu

Thứ Bảy, 16/03/2019 - 15:00

Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu; Đầu tư bất động sản tỉnh lẻ: Coi chừng vỡ mộng; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đối thoại với cư dân ngoại giao đoàn... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu

Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán), số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho Ban Quản trị nhà chung cư khi Ban Quản trị được thành lập. Đối với các chủ đầu tư, việc thu quỹ này chỉ là thu hộ.

Tuy nhiên, những tranh chấp quanh việc quỹ này là do nhiều chủ đầu tư chiếm dụng cho mục đích riêng, không minh bạch, không bàn giao cho Ban quản trị. Cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này thì Ban Quản trị cũng tùy tiện sử dụng không đúng mục đích.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TPHCM), tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trong thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu vẫn còn quy định khi mua nhà chung cư, người mua nhà phải nộp kinh phí bảo trì 2% sẽ còn phát sinh tranh chấp.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, trong các loại tranh chấp tại nhà chung cư thì tranh chấp việc quản lý 2% phí bảo trì đang đứng hàng đầu và rất dai dẳng.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Đầu tư bất động sản tỉnh lẻ: Coi chừng vỡ mộng

Việc chuyển hướng đầu tư tỉnh lẻ của các ông lớn trong ngành bất động sản đã khiến cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp, môi giới “rồng rắn” chạy theo trong thời gian qua. Nhưng trên thực tế, bất động sản tỉnh lẻ không "dễ xơi" bởi khi tầm nhìn không dài, nắm bắt thông tin yếu và chậm đã khiến việc ôm mộng làm giàu của nhiều người vỡ tan.

Theo lời chia sẻ của ông Trần Đ.Q, chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản đã có kinh nghiệm phát triển dự án tại thị trường tỉnh lẻ, từ giữa năm 2018 đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp phải chuyển hướng đầu tư ra vùng ven vì tình hình kinh doanh xây dựng tại các thành phố lớn thời gian qua xảy ra quá nhiều sai phạm cũng như gặp vướng mắc về thủ tục hành chính bị ách tắc và chậm trễ, doanh nghiệp không thể nào chờ nổi việc duyệt xây dựng các dự án.

Những tưởng khi rời khỏi thị trường lớn truyền thống, doanh nghiệp ông sẽ dễ thở hơn song khó khăn vẫn chồng chất. Theo vị lãnh đạo đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với 5 thách thức lớn.

Xem chi tiết tại đây

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đối thoại với cư dân ngoại giao đoàn

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội theo hướng gia tăng mật độ xây dựng tại các khu vực vốn được quy hoạch xây dựng công viên cây xanh, công trình công cộng khiến các cư dân bức xúc và đồng loạt gửi đơn kiến nghị hơn một năm qua, ngày 14/3, Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có buổi đối thoại trực tiếp, ghi nhận những ý kiến của người dân.

Bức xúc trước việc chủ đầu tư không lấy ý kiến của cư dân trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, các cư dân đã tiếp tục có đơn kiến nghị mới về điều chỉnh lại một số ô đất và yêu cầu đối thoại gửi tới Chủ tịch TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và chủ đầu tư Hancorp.

Theo đó, cuộc đối thoại trực tiếp đã diễn ra vào ngày 14/3 dưới sự chủ trì của ông Ngô Quý Tuấn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc và đầy đủ các thành phần gồm: Lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đại diện chính quyền phường Xuân Tảo và quận Bắc Từ Liêm, chủ đầu tư Hancorp và đại diện cư dân một số tòa chung cư ở khu Đoàn ngoại giao.

Sở Quy hoạch Kiến trúc đã ghi nhận các kiến nghị của cư dân, trong đó liên quan đến việc xin ý kiến của cộng đồng dân cư trong quá trình tham mưu cho thành phố ra Quyết định 2905, Sở yêu cầu chủ đầu tư Hancorp chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND phường Xuân Tảo rà soát, giải trình bằng văn bản gửi tới Sở để báo cáo UBND TP.

Xem chi tiết tại đây

Hàng trăm người bao vây công ty bất động sản tại Đà Nẵng đòi sổ đỏ xuyên đêm

Sự việc xảy ra vào tối 14/3 tại trụ sở công ty cổ phần đầu tư Hoàng Nhất Nam (đường Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Hàng trăm người dân nhiều địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Nội… đã tập trung trước trụ sở công ty Hoàng Nhất Nam buộc ban lãnh đạo phải đối thoại.

Theo trình bày của người dân, họ mua đất tại các dự án Sakura, dự án Hera, Eco Future Park thuộc phường Điện Nam (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ nhà phân phối là công ty Nhất Nam Land (thành viên của Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Nhất Nam). Cả 3 dự án trên đều có chung chủ đầu tư là công ty Bách Đạt An.

Trả lời các ý kiến của khách hàng, ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hoàng Nhất Nam, cho biết đang tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư các dự án là công ty Bách Đạt An làm thủ tục ra sổ đỏ cho khách hàng. "Chúng tôi cần thêm thời gian để làm các thủ tục cần thiết để có thể đảm bảo quyền lợi cho khách hàng", ông Tâm nói.

Tuy nhiên, ông Tâm từ chối đưa ra cam kết về thời điểm cụ thể ra sổ đỏ cho các khách hàng.

Xem chi tiết tại đây 

“Tín dụng tiêu dùng mở ra cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân”

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư đã tổ chức sáng 15/3/2019.

Tại Tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cung cấp số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp.

Cùng bàn thảo tại Tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến “tín dụng đen” có mảnh đất màu mỡ để nở rộ.

Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, LS. Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO cho rằng: “Cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài”.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top