Aa

"Không phải bàn cãi vì đáng lẽ Hà Nội phải điều chỉnh sớm hơn!"

Minh Minh (thực hiện)
Minh Minh (thực hiện) lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 04/12/2020 - 13:38

Đó là nhận định của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khi trao đổi với Reatimes về câu chuyện đang gây tranh cãi liên quan đến việc điều chỉnh tên người sử dụng đất trong quyết định giao đất dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5.

Lời toà soạn

Kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do chủ đầu tư chậm trễ trong việc lập, hoàn thiện dự án để điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần để kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Một số trường hợp lại cố tình chây ỳ không làm thủ tục hay chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính.

Nguyên nhân quan trọng khác khiến nhiều dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến độ bắt nguồn từ thực tế một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư. Không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Đặc biệt, nhiều dự án xây dựng theo hình thức BT rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” cả thập kỷ khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí.

“Nhiều dự án khi lập hồ sơ ban đầu thì rất nhanh, nhưng quá trình tổ chức triển khai rất chậm, đội vốn. Kết quả chất lượng dự án lại thường không đạt yêu cầu. Dự án có quy mô càng lớn thì tiến độ càng chậm, đối vốn càng nhiều. Vấn đề diễn ra nhiều năm chưa có hồi kết. Đây có thể coi là vấn nạn của quốc gia”, một vị ĐBQH từng phát biểu.

Trước thực trạng đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan chức năng thành phố phải rà soát các dự án chậm triển khai. Thường trực HĐND thành phố phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi mà để dự án chậm tiến độ, quá thời hạn quy định.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, TP. Hà Nội cần có sự sát sao trong việc kiểm tra, giám sát, để đưa ra những phương án xử lý kịp thời, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai.

Đơn cử như, dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5, vốn được giao đất từ năm 2008, tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và nhiều vấn đề liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn Nhà nước nên đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã sửa đổi tên chủ sở hữu trong quyết định giao đất của dự án này sau hàng loạt đề nghị của cơ quan điều tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Tổng cục Đất đai…

Dưới góc nhìn nghiên cứu và phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Rà soát dự án có dấu hiệu sai phạm nhìn từ bài học KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5.

Trân trọng giới thiệu!

Cuối năm 2020, thời điểm các doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị những chiến lược đầu tư mới để đưa thị trường bất động sản vào giai đoạn phục hồi và lấy đà tăng tốc trở lại sau giai đoạn đầy khó khăn, mục bất động sản các trang báo cũng dày đặc các thông tin, báo cáo về diễn biến thị trường và dự báo cho năm 2021. Tuy nhiên, những ngày gần đây, dòng chảy thông tin lại đang dồn sự chú ý về một quyết định được cho là “gây sốc” cho doanh nghiệp - Quyết định 5269 của UBND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh tên người sử dụng đất trong quyết định giao đất của dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5.

Quyết định 5269 đang gây tranh cãi của UBND TP. Hà Nội. 

Thông tin này đang tạo ra hai chiều dư luận hoàn toàn trái ngược, đồng thời trở thành vụ việc gây tranh cãi lớn. Bởi cả “tên cũ” và “tên mới” đều có những lý lẽ riêng để cho rằng - “ tôi là chủ sở hữu thực sự của dự án, quyết định giao đất phải ghi tên người sử dụng đất là tôi”.

Cụ thể, doanh nghiệp bị thay tên là “Cienco 5 Land” phản ánh với báo chí rằng, quyết định của UBND TP. Hà Nội gây sốc cho doanh nghiệp, trong phút chốc đã biến 182ha dự án của doanh nghiệp này về tay kẻ khác.

“Doanh nghiệp cảm thấy bất ngờ và khó hiểu trước quyết định của UBND TP Hà Nội. Bởi quyết định này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp (Cienco 5 Land) trực tiếp thực hiện dự án và hàng vạn người dân ở đây nhưng không hề được UBND TP. Hà Nội tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định.

“Về mặt câu chữ là điều chỉnh tên của quyết định thu hồi đất, thế nhưng bản chất khi sang tên cho một đối tượng khác rồi thì doanh nghiệp Cienco5 Land là cái gì ở dự án này?"

“Chính quyền với sự bất nhất của mình đã đưa ra một quyết định mà gây thiệt hại rất nặng nề cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng không hiểu là chính quyền lấy đâu ra một khoản tiền hàng chục ngàn tỷ đồng mà chúng tôi đã bỏ ra để làm dự án này, để đền bù lại cho chúng tôi”.

Đó là những chia sẻ đầy “ấm ức” của ông Lê Xuân Danh, Phó Tổng giám đốc Cienco 5 Land trên báo chí mấy ngày qua.

Còn đây là câu trả lời của người ký quyết định - ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Tôi không quan tâm đến chuyện tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp. Còn việc đổi tên như vậy là theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, các cơ sở mà UBND TP. Hà Nội đưa ra để đổi tên người sử dụng đất tại Quyết định 5269 là dựa trên Quyết định 963 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 (huyện Thanh Oai); Quyết định 24 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP.

Ngoài ra, lý do điều chỉnh còn dựa trên đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Cienco 5 tại văn bản số 05/TCT5-C5HN ngày 24/3/2020 (kèm theo Biên bản thoả thuận số 10/BBTT ngày 21-8-2017 giữa Cienco5 và Cienco5 Land); Văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục Quản lý đất đai.

Các căn cứ được đưa ra là rất rõ ràng, cho thấy Quyết định của UBND TP. Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Cienco 5 Land lại “kêu trời” như vậy, và tại sao doanh nghiệp này lại gọi Cienco 5 - “tên” mới được đổi lại trong quyết định giao đất nói trên, vốn là công ty mẹ thành lập ra Cienco 5 Land là “đối tượng khác” và cho là đã “cướp” mất dự án vốn thuộc về doanh nghiệp này. Hãy cùng Reatimes phân tích bản chất của vụ việc này.

Ai mới là chủ đầu tư thực sự của dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5?

Đây là câu hỏi đang gây tranh cãi nhất. Trên báo chí, Cienco 5 Land liên tục khẳng định, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án tuyến đường BT trục Nam Hà Tây cũ và 3 dự án đối ứng hoàn vốn là Thanh Hà - Cienco 5 A+B, Mỹ Hưng - Cienco 5. Nên việc “bỗng dưng” Hà Nội đổi tên người sử dụng đất tại quyết định giao đất mà doanh nghiệp này đã được UBND Hà Tây giao trước đó được cho là phi lý. Do đó, Cienco 5 Land mới đây đã khiếu nại Quyết định này của UBND TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, đọc lại hồ sơ vụ việc có thể thấy, căn cứ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt dự án BT và dự án khác để đối ứng hoàn vốn là dự án khu đô thị Thanh Hà A-B; Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5 cho nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Để thực hiện chủ trương đầu tư theo hình thức BT, Tổng công ty xây dựng Cienco 5 đã thành lập công ty con là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) để thực hiện dự án này. Điều này có nghĩa Cienco 5 Land chỉ là doanh nghiệp dự án chứ không phải là nhà đầu tư. Chủ đầu tư trên danh nghĩa hiện nay vẫn là Cienco 5. Nhưng vấn đề là, trong quyết định giao đất mà UBND tỉnh Hà Tây ký Quyết định 3123 ngày 30/7/2008) lại ghi tên người sử dụng đất là doanh nghiệp dự án chứ không phải nhà đầu tư.

Dự án tuyến đường BT trục Nam Hà Tây (cũ).

Mặt khác, Cienco 5 hiện nay đã cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước (Hải Phát đang được cho là doanh nghiệp đã chi phối hoàn toàn doanh nghiệp này) và Cienco 5 Land cũng đã chuyển nhượng gần như hoàn toàn cổ phần chi phối cho tập đoàn Mường Thanh vào năm 2016 thông qua việc tập đoàn này bỏ ra 1.500 tỷ đồng để mua lại 95% cổ phần Cienco 5 Land. Hai “mẹ - con” nay đã “đường ai nấy đi”, “không còn thuộc về nhau". Có lẽ, đây chính là ngọn nguồn nảy sinh các tranh chấp hiện nay.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thường xuyên theo dõi các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu đất đai, chuyên gia có bình luận gì về Quyết định 5269, điều chỉnh tên người sử dụng đất đang gây tranh cãi những ngày gần đây của UBND TP. Hà Nội?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, không có gì phải bàn cãi ở đây cả. Quyết định của UBND. TP Hà Nội là hoàn toàn đúng và đáng lẽ ra, quyết định này đã phải được thực hiện từ sớm để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Lý do để Hà Nội đưa ra quyết định điều chỉnh này đã được lý giải rõ trong văn bản. Các cơ sở hoàn toàn dựa trên quy định của pháp luật.

PV: Tại sao Quyết định này lẽ ra phải được thực hiện từ sớm, thưa chuyên gia?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Bởi ngay từ đầu, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành quyết định giao đất sai. Đặc biệt là khi Cienco 5 đã cổ phần hóa mà không sửa ngay thì lại càng sai.

Hợp đồng BT ký với nhà đầu tư thì quyết định giao đất phải ghi tên người sử dụng đất là nhà đầu tư, chứ không phải doanh nghiệp dự án. Đó là nguyên tắc.

Trước đây, Cienco 5 được Nhà nước giao thực hiện dự án BT, chính vì thế, Cienco 5 là chủ đầu tư của dự án. Còn Cienco 5 Land thời điểm đó là công ty con của Cienco 5, được lập ra với mục đích duy nhất là để thực hiện dự án BT và các dự án hoàn vốn cho nhà đầu tư chứ không phải chủ sở hữu. Nên về mặt pháp lý, dứt khoát dự án đó thuộc về Cienco 5, nhà đầu tư - người ký hợp đồng BT với Nhà nước.

Nói cách khác, Cienco 5 là người ký hợp đồng BT với UBND tỉnh Hà Tây. Vì có hợp đồng BT nên mới phải thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Anh có thực hiện dự án BT thì anh mới được giao mảnh đất đó. Người được giao thực hiện dự án BT ở đây là Cienco 5. Còn Cienco 5 Land chỉ là doanh nghiệp được Cienco 5 thành lập ra để thực hiện dự án đó thôi, xong dự án thì cũng phải giải tán. Nên rõ ràng, mọi quyền liên quan đến dự án là của Cienco 5. Về mặt pháp lý thì điều này rất rõ ràng, không có gì phải bàn cãi cả.

Nên nếu UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thời điểm đó ghi tên người sử dụng đất là Cienco 5 Land thì chủ sở hữu quyền sử dụng đất dự án vẫn thuộc về Cienco 5.

Vì UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định không đúng nên dựa trên các đề nghị của các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục đất đai và chính nhà đầu tư Cienco 5, UBND TP. Hà Nội ra quyết định điều chỉnh lại tên người sử dụng đất cho phù hợp với quy định của pháp luật là hoàn toàn đúng. Lẽ ra việc này phải làm sớm hơn, để không dẫn đến những tranh cãi như hiện tại.

Phối cảnh Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5 được quảng cáo trên internet.

Cần minh bạch giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

PV: Như ông vừa phân tích, rõ ràng, Quyết định của Hà Nội đưa ra là hoàn toàn có cơ sở, bên cạnh việc sửa sai sót của UBND tỉnh Hà Tây trước đây, quyết định này còn giúp  minh bạch pháp lý của dự án Mỹ Hưng - Cienco 5 về đúng chủ sở hữu là doanh nghiệp ký hợp đồng BT- Cienco 5 nhưng vì sao, Cienco 5 Land vẫn rất ngỡ ngàng và có phần “ấm ức”, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực ra, Cienco 5 Land (trên thực tế là Mường Thanh) cũng có lý của mình vì cũng xuất phát từ Quyết định giao đất của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nên khi mua lại cổ phần của Cienco 5 Land, có thể Mường Thanh cho rằng, dự án BT và 3 dự án Khu đô thị đối ứng là của Cienco 5 Land.

Nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong câu chuyện xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Trước đây, khi đang là “mẹ - con” nên Cienco 5 có thể ủy quyền cho Cienco 5 Land thực hiện dự án, các lợi ích có thể vẫn bị chi phối lẫn nhau. Nhưng khi đã tách ra (Cienco 5 đã cổ phần hóa, Cienco 5 Land cũng đã chuyển nhượng cổ phần - PV) thì phải rạch ròi. Đó là chưa kể đến việc, quá trình cổ phần hóa đó có sai phạm gì hay không thì phải chờ rà soát lại.

Mặt khác, nếu trước đây, giữa hai công ty có giao kết hợp đồng, Cienco 5 Land đã thanh toán các khoản lợi nhuận liên quan thì vấn đề này cũng phải rạch ròi. Đó là những khoản phải thu, phải trả khi tách bạch các quyền lợi.

Nhưng rõ ràng, để xảy ra tình trạng như hiện nay là do quá trình chuyển đổi, xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đã không được làm đến nơi đến chốn. Tài sản đất đai, cụ thể là quyền sử dụng đất tại các dự án hoàn vốn cho dự án BT trục phía Nam đó là của ai, phải rõ ràng ngay từ đầu. Nếu rõ ràng, thì có lẽ không có ai mua cổ phần chi phối Cienco 5 Land làm gì vì nó chỉ là doanh nghiệp dự án. Ngoài ra, thời điểm đó, nếu được xác định rõ ràng, thì quyết định giao đất ghi sai tên người sử dụng đất phải được sửa để minh bạch pháp lý cho dự án, không gây ra hệ quả như ngày hôm nay.

PV: Vậy trong câu chuyện này, ai sai, ai đúng, thưa chuyên gia?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, cả hai bên đều sai, cả chính quyền Hà Tây (cũ ) và cả các doanh nghiệp khi mua bán, cổ phần, sáp nhập.

Doanh nghiệp mua lại cổ phần lẽ ra cũng phải tìm hiểu kỹ trước khi mua. Cụ thể hơn, chủ sở hữu của Cienco 5 Land hiện tại có trách thì nên trách mình trước vì đã không cẩn thận mà mua phải cái “vỏ rỗng ruột”. Nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì cũng không thể trách họ được nếu việc xác định giá trị doanh nghiệp đã không minh bạch ngay từ đầu. Chính doanh nghiệp cũng phải chịu thiệt hại lớn. Và đến thời điểm này, có lẽ khách hàng mua nhà tại dự án cũng rất hoang mang.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Hà Nội không nên ban hành Quyết định sửa đổi tên người sử dụng đất nói trên mà ngược lại, dù muộn còn hơn không, đó là việc làm cần thiết. Nhưng cũng không thể “đem con bỏ chợ”, trong câu chuyện này, chính quyền nên có giải pháp xử lý để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp một cách tối đa.

PV: Chung quy lại, có hai vấn đề cốt lõi của câu chuyện này. Trước hết, đó là chính quyền Hà Tây cũ có sai sót nhưng chậm sửa, thứ hai là vấn đề thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, mua bán cổ phần, sáp nhập… Các chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp đã cổ phần hóa lại là người “khổ sở” nhất. Vậy, theo chuyên gia, để câu chuyện này không lặp lại ở những dự án khác, cần phải có giải pháp gì?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, phải khẳng định rằng, dù quyết định của UBND Hà Tây (cũ) là đúng hay sai và quyết định điều chỉnh của UBND TP. Hà Nội là sai hay đúng thì các doanh nghiệp đã mua cổ phần đều bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tranh chấp nảy sinh là do quá trình cả hai doanh nghiệp “vỏ” đã cổ phần hóa và  “chúng ta đã không còn thuộc về nhau”.

Đối với dự án BT thì rõ ràng hiện nay đã bị loại khỏi hình thức đối tác công tư - PPP, tức là sẽ không có dự án BT nào được phê duyệt nữa. Tuy nhiên, những dự án còn sót lại có thể chưa khởi công hoặc đang khởi công dở dang thì vẫn được triển khai tiếp. Ngoài ra, ở một số dự án đang hoàn thành rồi nhưng hiện tại giữa công ty mẹ và công ty con vẫn tranh nhau quản lý.

Quay trở lại vấn đề, cần phải xác định rõ ràng, và công khai, minh bạch tài sản của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa hay mua bán, sáp nhập. Nếu có vướng mắc, tranh chấp thì hai bên phải giải quyết với nhau cho rành mạch ngay từ đầu, tức là từ khi bắt đầu tách ra bán cổ phần.

Những khoản phải chi trả cho nhau như lợi nhuận chẳng hạn thì đó là những khoản phải thu phải trả, cần xác định lại để khi thanh toán cho nhau thì tách bạch. Nếu dự án chưa hoàn thành, mà doanh nghiệp mẹ thời điểm đó đã nhận khoản lợi nhuận thì phải tính toán để trả lại các phần thừa thiếu.

Cần phải rà soát lại và có các quy định pháp lý đầy đủ, rõ ràng để xác định ai là chủ sở hữu thực sự của dự án đó. Khi bán cổ phần, thoái vốn nhà nước phải minh bạch câu chuyện tài chính và các quyền sở hữu tài sản để nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần nắm được để không gặp phải những rủi ro về sau như việc mua phải cái “vỏ rỗng” chẳng hạn.

PV: Bức xúc vì quyết định của UBND TP. Hà Nội, mới đây, Cienco 5 Land đã gửi đơn khiếu nại. Ông có bình luận gì về động thái này không?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, đây là việc làm vô ích. Như đã phân tích ở trên, chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp này đã mua phải chiếc “vỏ” rỗng. Và thực ra, họ cũng không có quyền khởi kiện. Vì bản chất, UBND TP. Hà Nội đang sửa sai cho quyết định trước đó của tỉnh Hà Tây (cũ) chứ không phải “bỗng dưng” lại đi điều chỉnh một quyết định giao đất đã có cách đây 12 năm.

Xin cảm ơn chuyên gia vì những chia sẻ!

Như Reatimes đã phân tích ở bài trước, từ giữa năm 2016, Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết số 784/NQ-TCT5 xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án hoàn vốn (Dự án) với tư cách là nhà đầu tư/chủ đầu tư Dự án. Đồng thời, xem xét trách nhiệm pháp lý của Cienco 5 và trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dự án có dấu hiệu làm thất thoát vốn Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước.

Theo đó, Nghị quyết thống nhất chủ trương dừng hoạt động của doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land đối với Dự án Đầu tư BT đường trục Nam Hà Tây (cũ) và các dự án đối ứng Thanh Hà Cienco 5 A, B, Cienco 5 - Mỹ Hưng. Bên cạnh đó, Tổng công ty với vai trò là nhà đầu tư dự án BT và là chủ đầu tư dự án đối ứng sẽ trực tiếp triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định 24 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP cũng yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 CTCP có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Như vậy, rõ ràng, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP. Chính Công ty này đã đề nghị lên UBND TP đổi tên người sử dụng đất tại dự án, bởi lúc này, Cienco 5 Land đã không còn là doanh nghiệp dự án như 12 năm về trước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Biên bản Thỏa thuận số 10/BBTT ngày 21 tháng 8 năm 2017 giữa Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 –CTCP (nhà đầu tư) và Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) về việc thống nhất triển khai thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và dự án khác để hoàn vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Trong đó, hai đơn vị thống nhất, đối với phân đoạn 1 của dự án BT (từ Km00 đến Km 19+900) và dự án Khu đô thị Thanh Hà A-B- Cienco 5, doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục triển khai như quy định tại hợp đồng BT… Đối với phân đoạn 2 của dự án BT (từ Km19+900 đến Km 41+500) và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5, nhà đầu tư là chủ thể trực tiếp thực hiện và quản lý Dự án BT- phân đoạn 2 và dự án Khu đô Thị Mỹ Hưng-Cienco5.

Đại diện Sở TN&MT cho hay đến nay dự án BT là dự án đường trục phía Nam mới thực hiện được 19,9 km và dự án đối ứng là Khu đô thị Thanh Hà A - B đã được đầu tư xây dựng và đưa vào kinh doanh, sử dụng một số hạng mục. Hiện còn lại gần 22 km dự án đường trục phía Nam (đoạn cuối) và Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top