Aa

Không ưu đãi sẽ khó phát triển công trình xanh

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 29/09/2018 - 06:00

"Ngoài việc có một quy chuẩn bắt buộc và một hệ thống bộ tiêu chí đánh giá tự nguyện, yếu tố để có thể phát triển công trình xanh tại Việt Nam chính là ưu đãi”, đó là nhận định của bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình tiết kiệm năng lượng thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại hội thảo Giá trị nhà ở xanh diễn ra mới đây.

Ưu đãi cùng với xử phạt

Theo một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Kiến trúc xanh thế giới, các doanh nghiệp bất động sản đang thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng cung cấp và thỏa mãn nhu cầu về các công trình xanh cho thị trường bất động sản.

Tại Việt Nam, phong trào công trình xanh đã bắt đầu phát triển từ hơn 10 năm qua. Thống kê các công trình nhà ở xanh tới tháng 8 năm nay cho thấy có 7.919 căn hộ được chứng nhận với một hệ thống uy tín, 2.500 căn đang trong quy trình chứng nhận.

Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng công trình xanh là tất yếu và dường như cũng là thời cơ để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt cho những công trình trong quá trình định vị và xây dựng thương hiệu xanh. Nhưng thực tế theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh, Việt Nam chậm hơn các nước khác về số lượng công trình xanh cũng như trong đào tạo, nhận thức. Số lượng công trình đạt chứng chỉ quốc tế năm 2017 chưa đến 3%.

Theo bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình tiết kiệm năng lượng thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định: “Ngoài việc có một quy chuẩn bắt buộc và một hệ thống bộ tiêu chí đánh giá tự nguyện, yếu tố để có thể phát triển công trình xanh tại Việt Nam chính là ưu đãi. Để phát triển công trình xanh bắt buộc phải có ưu đãi. Cụ thể ở đây là ưu đãi tài chính hay tài chính đến từ chính quyền”.

Không ưu đãi sẽ khó phát triển công trình xanh

Không ưu đãi sẽ khó phát triển công trình xanh

Bà Diệp dẫn chứng, tại Malaysia, Chính phủ quy định phần chi phí phụ trội thêm để chủ đầu tư xây dựng một dự án trở thành công trình xanh theo tiêu chuẩn sẽ được miễn thuế. Rất nhiều thành phố đã đưa ra những ưu đãi khác nhau. Tại Trung Quốc, nước này trợ cấp cho các công trình dựa trên mức tuân thủ với 7 USD/m2 cho 1 tòa nhà hai sao và 13 USD/m2 cho tòa nhà ba sao. Ngoài các biện pháp hỗ trợ tài chính, chính quyền còn phải truyền đi thông điệp. Còn ở Indonesia vừa có những quy định về tiêu chuẩn công trình xanh, ngay lập tức Thị trưởng ban Tuân thủ đăng bài viết thông báo lên Facebook của mình và lập tức nhận được phản hồi từ người dân.

Bà Diệp cho hay: “Công cụ tài chính do các tổ chức tài chính và ngân hàng đưa ra như gói vay ưu đãi cho công trình xanh cũng là yếu tố có thể kích cầu phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Bên cạnh những ưu đãi, Chính phủ cũng cần có các biện pháp xử phạt vi phạm một cách nghiêm minh. Hiện ở Việt Nam chưa có những động thái mạnh mẽ trong câu chuyện xử phạt các dự án gắn mác xanh”.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House cho biết: "Công trình xanh chính là xu hướng tất yếu, là giá trị hướng tới đối với các công trình của Việt Nam. Để phát triển được nhiều dự án bất động sản xanh tại Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu chính sách khuyến khích phát triển công trình xanh chỉ mang tính chung chung thì sẽ không đem lại hiệu quả".

Định hướng rõ ràng tiêu chí để phát triển

Hiện tại, trên thế giới có 2 hướng phát triển công trình xanh: theo tiêu chuẩn bắt buộc và tự nguyện chọn những hệ thống công cụ đánh giá công trình. Những chủ đầu tư muốn làm tốt hơn các doanh nghiệp khác trên thị trường sẽ theo chứng chỉ tự nguyện.

Theo đó, tại Hội thảo giá trị nhà ở xanh, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam được tiếp cận với phát triển công trình xanh nhẹ nhàng hơn và đơn giản nhất bắt đầu từ quy chuẩn năng lượng hiệu quả. Quy chuẩn này bao gồm các tiêu chí là lớp vỏ công trình, hệ thống chiếu sáng, thông gió tự nhiên và thiết bị sử dụng điện khác.

Trong khi tại một số quốc gia, họ thường bắt đầu bằng những quy chuẩn rộng và khắt khe hơn. Điển hình Indonesia hay Phillipines không chỉ tiếp cận về năng lượng mà còn đánh giá các mặt khác như nước, môi trường,...

Mặt khác, những tiêu chuẩn không bắt buộc tại Việt Nam lại phát triển khá sớm. Cụ thể, từ năm 2007, nhà máy Colgate Palmolive ở Bình Dương có chính sách về trách nhiệm xã hội nên đã đăng ký công trình tiêu chuẩn LEED – hệ thống đánh giá công trình xanh của Mỹ. Vào năm 2009, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam đã tạo ra công cụ tiêu chuẩn Lotus hướng đến các tiêu chí phù hợp với Việt Nam. Năm 2015, IFC cho ra đời bộ tiêu chí Edge giải quyết ba vấn đề là năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu.

GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng: “Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ xanh cho các dự án khu đô thị và các nhà ở chung cư cao tầng, nhà biệt thự như hiện nay các tổ chức liên quan cần vận động và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nhà ở xanh một cách rộng rãi tới phân khúc các nhà ở gia đình trong các khu dân cư xây mới, và khu dân cư hiện hữu, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top