Là tỉnh đồng bằng ven biển, có 53km bờ biển với nhiều bãi ngang rộng, trên đó nổi lên các cồn cát như cồn Vành, cồn Thủ, cồn Ðen với những khu rừng ngập mặn diện tích lớn còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, Thái Bình được đánh giá có tiềm năng không nhỏ để phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch nghỉ mát.
Cồn Vành - cái tên không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là với người dân, du khách ở vùng phía nam Đồng bằng sông Hồng. Mấy năm gần đây, Cồn Vành là địa chỉ "vừa miếng" với đông đảo du khách mỗi dịp lễ, tết, ngày hè oi bức.
Trong khi các ngành các cấp từ tỉnh đến xã của Thái Bình đang từng ngày nỗ lực để đưa Khu du lịch sinh thái Cồn Vành trở thành địa chỉ tham quan, nghỉ mát, thúc đẩy ngành du lịch vốn bị ngủ quên quá lâu ở địa phương bứt phá, thì một bộ phận không nhỏ lại khiến Cồn Vành chưa kịp đẹp lên đã lại dần xấu đi trong mắt du khách thập phương. Và rồi theo quy luật, điều gì cũng có giới hạn, khi mà "con giun xéo lắm cũng quằn".
Muốn xuống biển phải nộp "lệ phí" và nguy cơ đuối nước
Chưa xuống đến bãi biển đã phải nộp "lệ phí", đó là câu chuyện gây xôn xao ở Cồn Vành trước dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua. Theo phản ánh của khách du lịch và ghi nhận của PV, suốt một thời gian dài, muốn vào khu du lịch biển này, du khách buộc phải trả mức phí là 5.000 đồng/xe máy và 20.000 đồng/ôtô tại một chốt được Ban Quản lý dựng lên ngay cửa ngõ.
Trước sức ép của dư luận và báo chí, UBND tỉnh Thái Bình đã có chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Tiền Hải vào cuộc xác minh, làm rõ. Xác định thấy việc thu phí phương tiện giao thông là trái luật, lực lượng chức năng đã dẹp bốt và thu dỡ ba-ri-e để chấm dứt tính trạng này vào ngày 19/4.
Tuy vậy, theo phản ánh của rất nhiều du khách thập phương và con em địa phương, đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, chốt thu phí này lại ngang nhiên tái diễn hoạt động.
"Tôi đi ô tô lên trước bị yêu cầu nộp tiền để qua chốt, tôi nói là người dân ở đây về quê nghỉ lễ thì họ thôi không thu phí nữa. Nhưng do tôi không để ý đi qua rồi mới biết xe vợ chồng bạn tôi đi ngay sau xe tôi vẫn cứ phải nộp tiền. Vừa rồi nghe nói chốt thu phí đó bị dỡ bỏ rồi nhưng thực ra không phải vậy, đợt cao điểm đông khách 30/4, 1/5, chúng tôi vẫn thấy chốt chặn và ba-ri-e thu tiền của khách", ông Trần Văn Y., một người dân Thái Bình công tác xa quê bức xúc.
Theo nguồn tin riêng của PV, đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, có ít nhất 1 trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành khiến dư luận địa phương xôn xao, hoang mang. Không thể không hoang mang khi mà tình trạng mất an toàn, nguy cơ đuối nước tại Cồn Vành vẫn là điều khiến các nhà chức trách, quản lý đau đầu suốt mấy năm qua.
Trước đó, vào năm 2015 đã có 4 trường hợp tử vong do đuối nước khi tắm ở bãi tắm của Khu du lịch này.
Ông Đào Mạnh Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Cồn Vành khi đó cho biết, những năm về trước, bãi biển khu vực Cồn Vành có địa chất tương đối phẳng, có thể nói là bãi tắm lý tưởng. Song, gần đây, do tác động của việc khai thác cát trên sông Hồng của các công ty lớn đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.
Mỗi một con nước, dòng chảy lại tạo lạch, xói mòn ở khu gần bờ của bãi tắm tạo ra những hố sâu, dòng chảy ngầm bên dưới nên đuối nước thường xảy ra.
“Hô biến” trung tâm cứu hộ, cứu nạn thành khu nghỉ dưỡng
Không hiểu có phải vì "lo lắng" trước nguy cơ đuối nước tiềm ẩn tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành như đã nói ở trên hay không mà đến ngày 15/9/2016, ông Phạm Văn Công - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xây dựng Tất Thành (Công ty Tất Thành, có trụ sở tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải - PV) đã ký vào tờ trình phía dưới đề gửi UBND huyện Tiền Hải và Ban Quản lý khu du lịch Cồn Vành để xin làm nhà công vụ phục vụ công tác quản lý cứu hộ cứu nạn.
Bất ngờ ở chỗ, khi được hỏi về việc này, ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải lại phủ nhận: “Tôi khẳng định UBND huyện Tiền Hải chưa từng nhận được bất kỳ một tờ trình nào của Công ty Tất Thành và Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Cồn Vành liên quan đến viêc xin phép xây dựng công trình Trung tâm cứu hộ, cứu nạn. Họ đã làm khống giấy tờ để xây dựng khu nhà trên".
Theo quan sát, công trình Trung tâm cứu hộ, cứu nạn là một tòa nhà 2 tầng nằm trải dài trên bãi biển. Công trình ước tính có diện tích khoảng 1.000m2, nằm ngay ở trung tâm. Đây được đánh giá là vị trí “vàng” của Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, thay vì làm công tác cứu hộ, cứu nạn như đã vẽ ra trước đó. Chủ đầu tư lại biến công trình này trở thành khu nhà dịch vụ nhằm phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.
Đáng nói, công trình này xây dựng lấn chiếm tràn lan, chưa được cấp phép của các cơ quan chức năng. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà nó vẫn được xây dựng và hoạt động trong nhiều tháng qua bất chấp việc trụ sở của Ban quản lý Khu du lịch nằm đối diện đó.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Tô Mạnh Biên, Phó Trưởng ban quản lý Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.
Trước câu hỏi của phóng viên rằng: Tại sao công trình này chưa được cấp phép xây dựng, thậm chí lấn chiếm toàn bộ khu vực trung tâm của Cồn Vành mà đơn vị này lại không có ý kiến gì? Ông Biên thông tin rằng, mặc dù biết rằng công trình đó xây dựng lấn chiếm, chưa được cấp phép theo quy định nhưng ông cũng không dám can thiệp vì nhiều vấn đề sợ “đụng chạm”.
“Cách đây nhiều tháng, khi công trình này vừa được xây dựng tôi cùng một số cán bộ của Ban quản lý đã báo cáo trực tiếp sự việc này với anh Đào Mạnh Thắng (khi đó là Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - PV). Tuy nhiên, anh Thắng lại làm ngơ để sự việc trên diễn ra. Khi ấy chúng tôi chỉ là cán bộ cấp dưới nên khi cấp trên có ý kiến như vậy thì chúng tôi nào dám nói gì.
Hơn nữa, công trình này là của Công ty Tất Thành làm chủ đầu tư. Công ty này có nhiều vấn đề nhạy cảm, sợ đụng chạm nên mặc dù biết là sai trái nhưng chúng tôi cũng đành chịu”, ông Biên thông tin.
Khi phóng viên ngỏ ý muốn biết vấn đề nhạy cảm và sợ đụng chạm ở đây nghĩa là gì thì ông Biên từ chối bình luận thêm.
Tiếp tục trao đổi với ông Phạm Văn Nghiêm - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải về phương hướng xử lý sai phạm, ông Nghiêm thẳng thắn: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi đã tiến hành cho các ban, ngành liên quan nghiêm túc kiểm tra, rà soát lại sự việc. Mặc dù có vướng mắc liên quan đến người nhà cán bộ nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng.
Nếu công trình có sai phạm thì buộc cưỡng chế, tháo rỡ để đảm bảo việc quy hoạch.Đồng thời chúng tôi sẽ xem xét và thống kê lại những thiệt hại mà tập thể, cá nhân liên quan trong sự việc này gây ra. Nếu sự việc diễn ra nghiêm trọng, hoàn toàn có thể truy tố hành vi này trước pháp luật”, ông Nghiêm khẳng định.
Được biết, vừa qua, UBND huyện Tiền Hải đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đào Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp huyện Tiền Hải với thời gian là 15 ngày làm việc. Theo quyết định của UBND huyện, lý do tạm đình chỉ công tác đối với ông Thắng là để giải quyết những vi phạm tại khu vực Cồn Vành trong thời gian ông Đào Mạnh Thắng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban quản lý Khu Du lịch sinh thái Cồn Vành.
Được biết thêm, ông Phạm Văn Công, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và xây dựng Tất Thành (đơn vị xây dựng "chui" khu dịch vụ, nghỉ dưỡng núp bóng Trung tâm cứu hộ cứu nạn tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành) là em trai của một lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.