Aa

Bất động sản 24h: Người dân Hà Nội sẽ được quyền lựa chọn chủ đầu tư xây lại nhà tập thể cũ

Thứ Ba, 28/12/2021 - 10:45

Người dân Hà Nội sẽ được quyền lựa chọn chủ đầu tư xây lại nhà tập thể cũ; Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để "lướt sóng"... là những thông tin bất động sản nổi bật trong 24h qua.

Người dân Hà Nội sẽ được quyền lựa chọn chủ đầu tư xây lại nhà tập thể cũ

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Tại quyết định vừa ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Dự kiến tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý III/2023.

Thứ hai, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Trong đó, định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV/2023.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự báo thị trường bất động sản nhà ở năm 2022

80% sàn giao dịch không có doanh thu trong quý III/2021; hơn 6.000 doanh nghiệp xây dựng tạm dừng kinh doanh; nguồn cung mở bán thấp nhất trong vòng 5 trở lại đây, tồn kho bất động sản hơn 15.000 căn… là những con số đầy “khốc liệt” của thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng trong bối cảnh Covid-19 năm 2021.

Sự tàn phá của dịch bệnh là quá lớn đối với nền kinh tế. Toàn bộ chuỗi kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề bị đứt gãy, phông nền chung vô cùng ảm đạm, trầm lắng. Lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng.

Hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố phải tập trung chống dịch. Nguồn cung trên thị trường vốn đã thiếu hụt nay lại không có cơ hội để cải thiện.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để "lướt sóng"

Vài tháng gần đây, anh Nguyễn Quang Hạnh - chủ một cửa hàng ẩm thực tại Hà Nội, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn. Cùng đó, hàng ngày đọc thông tin trên mạng xã hội và chứng kiến bạn bè của anh giàu lên từ bất động sản. Anh Hạnh cũng quyết tâm tìm hiểu, tham gia thị trường với hy vọng “lướt sóng” thành công bù lại những ngày tháng cửa hàng anh phải nghỉ dịch, không có thu nhập.

“Kinh doanh trong 2 năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19, đặc biệt là năm nay gần như tôi không kiếm được đồng nào. Thấy thị trường bất động năm nay quá nóng nên tôi quyết định tham gia, gần Tết rồi nên cũng muốn kiếm được tiền tiêu Tết”, anh Hạnh cười nói.

Mới đây, anh Hạnh mua một lô đất rộng 100m2 tại Việt Yên, Bắc Giang với mức giá 2,8 tỷ đồng, tức 28 triệu đồng/m2. Chỉ sau gần 2 tuần, đến nay mảnh đất của anh đã được bán lại mới mức giá 3,2 tỷ đồng, lãi 400 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Các CEO bất động sản hiến kế thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển Nhà ở xã hội

Để câu chuyện phát triển NOXH được giải quyết một cách triệt để, theo các chuyên gia, giải pháp cần thiết lúc này là trao quyền chủ động, định hướng phát triển theo cơ chế thị trường cho các doanh nghiệp tham gia.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển mô hình này.

Cụ thể, Chính phủ đã có một chương trình riêng về phát triển nhà ở xã hội cùng với các quy định có trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Theo đó, những doanh nghiệp, tổ chức khi tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm một số các loại thuế như VAT 5%; trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển nhà ở xã hội (đối với doanh nghiệp); hỗ trợ lãi suất (đối với người mua)… Mặc dù có nhiều ưu đãi là vậy, song các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “mặn mà” trong việc tham gia vào phát triển loại hình này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng: Cẩn trọng đầu tư bất động sản đón đầu quy hoạch 

Đã gần 30 năm kể từ khi thành phố lên định hướng nghiên cứu triển khai cải tạo diện mạo hai bên bờ sông Hồng với mục đích biến sông Hồng trở thành trung tâm của khu đô thị hiện đại sánh ngang sông Hàn ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), dòng sông Yarra của Melbourn (Úc), hay giống như đô thị bên dòng sông Seine, chảy giữa Thủ đô Paris (Pháp)... tuy vậy, hàng loạt các bản quy hoạch xây dựng giao thông kết nối hai bên bờ sông trong nhiều năm qua vẫn “chưa đâu vào đâu”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) đang trong quá trình xây dựng. Trong tháng 12/2021, Bộ Xây dựng sẽ thỏa thuận thống nhất chính thức. Dự kiến, sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top