Quá trình xây dựng và mở rộng không gian đô thị đòi hỏi chiếm dụng một diện tích đất nông nghiệp lớn. Cụ thể, tại Hà Nội, dù hiện chưa có con số thống kê mới nhất, nhưng giai đoạn từ năm 2000 đến 2007, diện tích đất nông nghiệp giảm từ hơn 40 nghìn héc-ta xuống còn hơn 37 nghìn héc-ta. Trong khi đó đất xây dựng đô thị tăng lên từ hơn 4 nghìn héc-ta lên hơn 17 nghìn héc-ta.
Dễ dàng nhìn thấy, trong các khu dân cư sát ngoại thành, tình trạng nhà chia lô cao tầng mọc lên chen chúc ngày càng nhiều, tỷ lệ nghịch với diện tích những vườn cây ăn quả, ao cá, cánh đồng xưa, làm cho môi trường sống và bộ mặt cảnh quan đô thị Hà Nội cũng dần bị biến đổi theo chiều hướng ngày một bất lợi hơn. Đặc biệt, việc giảm dần diện tích cây xanh và mặt nước, đất nông nghiệp bị mất dần cũng ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ngoại thành.
Trước những thách thức này, vấn đề đặt ra là giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên hiện có và phát triển đô thị.
Quy hoạch chung đề xuất tạo một "hành lang xanh, vành đai xanh" - trung gian của bảo tồn, mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội. Hành lang xanh, vành đai xanh là ý tưởng đan xen 3 hình ảnh về Hà Nội đó là thành phố thủ đô, thành phố sinh thái và thành phố công nghiệp tri thức.
Hành lang xanh chiếm 70% quỹ đất tự nhiên của Hà Nội. Hình thành một hành lang xanh dọc sông Nhuệ từ đường vành đai 3 đến vành đai 4 theo mô hình "bàn tay xanh". Cụ thế, là vùng đệm giữa khu vực nội đô và đô thị mở rộng mới đã được quy hoạch (và đang thực hiện) giữa hai vành đai này. Vùng đệm này sẽ giúp duy trì và xác định bản sắc và tính chất của các khu vực cũ trong thành phố. Đồng thời tạo điều kiện cho những cư dân hiện nay và trong tương lai của Hà Nội mở rộng được hưởng các dịch vụ vui chơi, giải trí, không gian công cộng.
Về hành lang xanh, đề xuất sẽ bao gồm một phần diện tích lớn ở giữa khu vực nghiên cứu. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, không giống như vành đai xanh, phần lớn hành lang xanh nằm giữa sông Đáy và sông Tích, sẽ cho phép phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn, không đô thị hóa cũng như đồng thời bảo tồn các làng hiện hữu. Mạng lưới công viên liền kề được đề xuất sẽ quy hoạch trong khu vực nội đô cũng như trong các khu vực phát triển đô thị mới.
Việc hình thành hành lang xanh, vành đai xanh theo quy hoạch chung hiện vẫn là thách thức lớn nếu chỉ nhìn nhận là hệ thống cây xanh, công viên cảnh quan, không gian mở. Mô hình chỉ phù hợp với các nước phát triển, có tiềm lực kinh tế. Bởi phạm vi quy mô diện tích rất lớn: 70% hành lang xanh, trong đó có 40% diện tích bảo tồn là diện tích nông nghiệp, đa dạng sinh học, di sản văn hóa.
Do vậy, việc lồng ghép giữa mô hình nông nghiệp hiện đại có giá trị sản xuất cao với công viên, mặt nước và các khu vực xây dựng mất độ thấp có tính khả thi cao. Đây chính là sự phát triển bền vững của khu vực ven đô nói riêng và đô thị nói chung.
Theo Ths. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư kí Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tại một số nước, vành đai xanh là một chính sách, một công cụ để kiểm soát phát triển đô thị. Với tư tưởng chủ đạo là tạo một vùng đệm nhằm ngăn chặn sự phát triển lan tỏa của đô thị, bảo vệ vùng nông thôn nơi đô thị hóa có nhiều khả năng gây ảnh hưởng. Các thuộc tính quan trọng nhất của vành đai xanh là tính minh bạch, công khai các chiến lược phát triển, quản lý phát triển không gian, hạ tầng, sử dụng đất... trong phạm vi vành đai xanh. Theo mô hình cấu trúc không gian đô thị Hà Nội gồm đô thị hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn. Theo đó, thiết lập vành đai xanh sẽ giúp quản lý, kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh, sẽ giúp giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước. |