Nông nghiệp đô thị là hướng đi bền vững
Quá trình đô thị hóa ở các nước cũng như ở Việt Nam là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, quá trình này cũng nảy sinh nhiều vấn đề nan giải như: Áp lực dân số, giao thông, môi trường, bất cập giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn…
Có thể nói, nếu như năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội là 30 - 32%, đến năm 2020 sẽ nhảy vọt lên 55% - 65%. Đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển nông nghiệp manh mún, thiếu bền vững dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại hội thảo, Ths. KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho hay: “Một thực tế hiện nay của quá trình đô thị hóa ở nước ta là diễn ra trên diện rộng nhưng các yếu tố kinh tế đô thị làm động lực cho đô thị hóa thì còn nhiều khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cần sớm phải giải quyết như tình trạng thất học, thất nghiệp, vấn đề nhà ở…
Quá trình đô thị hóa là một quá trình tất yếu khách quan. Theo đó, trong rất nhiều các giải pháp thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai”.
Theo đó, KTS Nguyễn Thị Hồng Diệp chỉ ra rằng, nông nghiệp đô thị hiện đang phát triển mạnh trên thế giới, có thể kể đến những mô hình như tòa nhà Rotunda ở ga số 3 của Chicago, xây dựng 26 tháp khí canh vào năm 2011, sử dụng nước và dưỡng chất từ khâu xử lý nước thải của tòa nhà, không sử dụng phân bón và hóa chất. Tại Tokyo (Nhật) nông trại dưới đất của công ty Pasona rộng 1.000m2 trồng 100 loại rau có thể xem là biểu tượng cộng nghệ cao trong nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, Đức là nước phát triển mảng xanh trên mái lớn nhất thế giới, với 8 - 10 triệu m2 gia tăng canh tác nông nghiệp đô thị hàng năm trên mái các nhà xưởng, bãi đậu xe và các tòa nhà.
Cùng quan điểm, ThS. KTS Vũ Hoài Đức, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng nhận định, đã đến lúc ngành nông nghiệp Thủ đô xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp đô thị có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng các dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi, và thực phẩm cho khách sạn, các dịch vụ du lịch, an dưỡng. Nông nghiệp đô thị cũng có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, tưới nước, góp phần quan trọng để giảm ô nhiễm môi trường.
Vai trò của vành đai xanh trong đô thị thành phố
Theo TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, vùng ven đô là một trong những vấn đề quan trọng của quá trình đô thị hóa trên thế giới và Việt Nam. Việc hình thành hệ thống hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh trong cấu trúc các đô thị lớn đã được nghiên cứu áp dụng thành công ở nhiều đô thị trên thế giới. Hệ thống này đã bảo toàn được những khu vực thiên nhiên rộng lớn tạo môi trường tốt cho đô thị, tạo sự kết nối với vùng ven, vùng nông nghiệp ngoại thành với sự phát triển của đô thị.
Vành đai xanh phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như tạo ra các không gian công viên cây xanh tại các cửa ra vào của đô thị, bảo vệ các khu vực nông nghiệp và các khu vực có năng suất cao dễ bị thiên tai, bão, lũ lụt, bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản, thúc đảy các hoạt động phù hợp với bảo vệ môi trường.
KTS Trương Văn Quảng cho rằng: “Hiện nay, đa số các đồ án quy hoạch chung đô thị của chúng ta đều chưa được nghiên cứu, đề xuất vành đai xanh hay còn gọi là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và ngoại ô. Đây là hạn chế lớn dẫn đến việc phát triển đô thị tràn lan, không bền vững. Thực tế cho thấy, trong quá trình đô thị hóa chúng ta không thể phân biệt được ranh giới giữa đô thị và ngoại ô do việc xây dựng phát triển đô thị thiếu kiểm soát, dàn trải, không tập trung, lãng phí tài nguyên đát đai, cơ sở hạ tầng rất lớn.
Việc xác định vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn với những hình thức sử dụng đa năng như: nghỉ dưỡng, vui chơi, giao dục, nhà ở mật độ thấp… nhằm khai thác các giá trị và những lợi ích mà nó mang lại là rất quan trọng và cần thiết”.